“Mò” việc ở trời Tây
Nhiều người Việt quyết đi Tây bằng được, không chỉ vì muốn khám phá và hòa mình vào một lối sống hoàn toàn khác, mà còn để được có cơ hội hưởng chất lượng sống cao hơn.
Không ít người còn muốn thử thách mình ở một chân trời mới, tìm cách đổi đời, sử dụng năng lực của mình tối đa. Cũng có người sống lâu quá ở một nơi thì thấy nhàm chán và thế là, cứ đơn giản: “Xách ba lô lên và đi”.
Muôn bề rào cản
Tìm việc ở trời Tây vừa dễ vừa khó. Điều cơ bản đầu tiên là vốn ngôn ngữ sở tại, hoặc tiếng Anh, thứ ngôn ngữ quốc tế được coi như kỹ năng sống cơ bản mà một người nước ngoài muốn tồn tại ở nơi khác không phải quê hương của mình.
Để có cơ hội cao hơn, bạn phải có giấy phép lao động, sau đó là các chứng chỉ nghề. Những điều này cần sự chuẩn bị hết sức chu đáo của bạn ngay khi mới sang phương Tây. Khi đã có đủ điều kiện về giấy phép cư trú ở nước sở tại hợp pháp, có ngôn ngữ, có giấy phép lao động và chứng chỉ nghề, cùng với quyết tâm tìm bằng được công việc kiếm sống, cộng thêm mối quan hệ rộng rãi ở nơi sống mới, bạn có thể dễ dàng tìm được việc làm.
Những việc đơn giản và dễ kiếm như trông trẻ, gia sư tiếng Anh, lau dọn vệ sinh nhà riêng hoặc công ty, làm vườn, thu hoạch trái cây, điều dưỡng viên, phục vụ quán cà phê, bar, quán ăn, thợ phụ sửa chữa nhà cửa... thì có mức thu nhập không cao, chỉ vừa đủ cho chi phí sinh hoạt hàng ngày. Mức thu nhập từ 500 - 1.000 Euro/tháng tùy số lượng và thời gian làm việc.
Nhiều người Việt coi đây là một việc làm mang tính chất tạm thời, “bước đệm” để lấy kinh nghiệm sống và làm việc ở trời Tây, để mở mang quan hệ và sau đó tranh thủ học thêm nghề khác, học thêm kỹ năng, trang bị kiến thức cao hơn, để tìm việc khác có thu nhập tốt hơn, đồng thời nâng cao vị trí của mình trong công việc.
Chỗ dựa: Cộng đồng!
Dẫu còn nhiều rào cản ràng buộc như vậy, nhưng vẫn còn một “cửa” cho những người không có đủ những điều kiện nêu trên. Nếu là người Việt nhập cư, chỗ dựa chính là cộng đồng Việt Nam ở nước sở tại.
Trường hợp của Hoa là một ví dụ. Nhập cư ở CH Czech nhưng Hoa không biết tiếng, cũng không có chứng chỉ nghề nào trong tay. May mắn thay, sau một tháng miệt mài tìm kiếm đồng hương ở Czech để nhờ vả, cô đã tìm được việc với mức thu nhập khá tại cửa hàng thực phẩm châu Á trong chợ của người Việt.
Cô còn lần mò học thêm tiếng Czech qua mạng, qua công việc, cộng thêm sự nhiệt tình và nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi, Hoa thu hút đông khách đến cửa hàng hơn nên ngoài lương, cô có thêm tiền thưởng hậu. Hoa tính chắt bóp tiết kiệm tối đa để có thể mua nhà, rồi có đủ vốn mở cửa hàng riêng.
Chị Hòa, vốn là một viên chức về hưu, được con gái bảo lãnh sang Mỹ để trông cháu. Sau khi cháu đã đủ tuổi đi nhà trẻ, chị lần mò tìm việc làm. Vốn tiếng Anh ít ỏi, chị xác định chỉ tìm việc trong cộng đồng người Việt mà thôi. Vận may đến trong một cuộc sinh hoạt cộng đồng, chị được một bà chủ tiệm bánh nhận vào làm. Mức thu nhập tuy không cao so với chi phí sinh hoạt ở đây, nhưng việc làm ổn định và quan trọng là chị Hòa thấy vui, thoải mái trong công việc, nhất là tự tin để bắt đầu một công việc mới ở tuổi sáu mươi…
Cũng có người tìm được việc bằng chính khả năng nghề nghiệp khi còn ở trong nước. Thu Lan là trường hợp này. Từng hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, sang Pháp định cư theo chồng, vì lý do riêng mà sau gần chục năm ở nhà nội trợ, cô phải đi tìm việc.
Loay hoay nhiều lĩnh vực, tình cờ lên mạng Internet, Lan thấy ở Pháp cũng có nhiều người viết báo, viết sách gửi nhà xuất bản hay cơ quan báo chí, dù đôi khi chỉ cho vui. Cô cũng thử sức mình, không ngờ lại được một nhà xuất bản nhỏ để ý, nhận cộng tác, sau đó bố trí cho công việc bán thời gian. Tuy lương thấp và công việc cũng áp lực, nhưng cũng đã góp phần mở ra lối đi mới cho cuộc sống của hai mẹ con.
Thu Lan chia sẻ: “Dù ở trong nước hay bên này, cơ hội cũng chia đều cho mọi người, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta dám thử sức mình và nhất là có đủ khả năng để đáp ứng được yêu cầu công việc hay không. Có một câu ngạn ngữ của người phương Tây khích lệ tôi rất nhiều, đại ý: Hãy gõ đi rồi cánh cửa mới mở”.
Theo Giáo dục Thời đại