1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Mô hình Câu lạc bộ "Hội cựu chiến binh phòng, chống tội phạm" ở Bạc Liêu

Huỳnh Hải

(Dân trí) - “Chiến binh thời chiến đã vào sống ra chết, nay thời bình còn sợ gì mà không dám tố giác tội phạm”, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) nói về hoạt động phòng, chống tội phạm.

Hội CCB nói về Câu lạc bộ "Hội Cựu chiến binh phòng, chống tội phạm"

Cựu chiến binh góp phần giữ bình yên cho dân

Nói về Câu lạc bộ “Hội Cựu chiến binh phòng, chống tội phạm”, ông Phạm Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bạc Liêu, cho biết, một trong những câu lạc bộ thành lập sớm và hiệu quả nhất là ở xã Phong Thạnh (thị xã Giá Rai).

Đây là xã nông thôn, tiếp giáp với một số địa phương khác. Những năm gần đây, nhiều tuyến đường mở ra góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhưng cũng kéo theo một số hệ lụy về tội phạm, tệ nạn xã hội có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ cuộc sống người dân.

“Từ tình hình trên, Hội Cựu chiến binh xã đề xuất với Đảng ủy, Ủy ban xây dựng mô hình Câu lạc bộ "Hội Cựu chiến binh phòng, chống tội phạm", và chính thức thành lập vào tháng 4/2016”, ông Trần Hợi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phong Thạnh cho biết lý do thành lập Câu lạc bộ.

Mô hình Câu lạc bộ Hội cựu chiến binh phòng, chống tội phạm ở Bạc Liêu - 1

Xã Phong Thạnh (thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), nơi có Câu lạc bộ "Hội Cựu chiến binh phòng, chống tội phạm" được đánh giá hoạt động rất hiệu quả.

Theo ông Trần Hợi, cựu chiến binh là những người hầu hết đều từng tham gia chiến đấu thời còn chiến tranh, đã hy sinh gian khổ, đi qua những giai đoạn khó khăn, vào sống ra chết giữa bom đạn để bảo vệ đất nước. Họ cũng mong muốn góp phần gìn giữ cuộc sống bình yên của người dân ở thời bình trước tội phạm, tệ nạn xã hội...

Với địa bàn dân cư rải rác, trong khoảng 5-7 hộ gia đình đều có ít nhất một cựu chiến binh là thành viên. Khi sự vụ gì xảy ra, cựu chiến binh đều nắm rõ.

Đó có thể đơn giản chỉ là mâu thuẫn giữa các gia đình, làng xóm với nhau, nhưng nếu không có cách giải quyết ổn thỏa thì đôi phút nóng nảy có thể gây ra hậu quả đáng tiếc. Người cựu chiến binh có thể đứng ra làm trung gian trao đổi giữa các bên, phân tích đúng sai, làm cho các bên đồng thuận với nhau.

“Thành viên của Câu lạc bộ là cựu chiến binh, thương binh... trở về với địa phương ở thời bình, ngoài lao động, sản xuất đảm bảo kinh tế đời sống gia đình, anh em cùng đồng lòng tham gia Câu lạc bộ, góp phần cùng địa phương giữ gìn an ninh trật tự nên lời nói của anh em cựu chiến binh bà con tin tưởng lắm”, ông Hợi chia sẻ.

Mô hình Câu lạc bộ Hội cựu chiến binh phòng, chống tội phạm ở Bạc Liêu - 2

Ông Trần Hợi - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phong Thạnh, nhìn nhận: Với uy tín, tiếng nói của cựu chiến binh, nhiều người dân rất tin tưởng với mô hình phòng, chống tội phạm của lực lượng cựu chiến binh".

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phong Thạnh cho biết, khi thành lập, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ xác định công tác phòng ngừa là chính. Để thực hiện tốt công tác này, Ban chủ nhiệm phối hợp cùng lực lượng công an nắm tình hình quản lý đối tượng, các tụ điểm hoạt động tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Trong đó, các thành viên Câu lạc bộ chủ động gặp gỡ, tiếp xúc với một số đối tượng hư hỏng, thiếu sự quan tâm quản lý giáo dục của gia đình, không có việc làm ổn định, không chịu lao động mà thích hưởng thụ, sống đua đòi.

Mô hình Câu lạc bộ Hội cựu chiến binh phòng, chống tội phạm ở Bạc Liêu - 3
Mô hình Câu lạc bộ Hội cựu chiến binh phòng, chống tội phạm ở Bạc Liêu - 4

Mô hình Câu lạc bộ "Hội cựu chiến binh phòng, chống tội phạm" của xã Phong Thạnh (thị xã Giá Rai) được khen tặng của UBND tỉnh Bạc Liêu, Công an Bạc Liêu.

Hiệu quả từ "tai mắt" cựu chiến binh

Tham gia mô hình Câu lạc bộ “Hội Cựu chiến binh phòng, chống tội phạm” xã Phong Thạnh hiện nay có khoảng 260 người. Theo ông Trần Hợi, từ khi thành lập cho đến nay hơn 4 năm, mô hình này đã mang lại hiệu quả rất cao, người dân hưởng ứng.

Các thành viên cựu chiến binh trong Câu lạc bộ đã trở thành những “tai mắt” ở mọi ngõ ngách, xóm ấp, khi phát hiện những đối tượng lạ mặt ở địa bàn, hoặc tệ nạn xã hội như đá gà, số đề, bài bạc… thì kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng địa phương.

“Có khi ở từng nơi, từng thời điểm cơ quan công an không nắm hết, nhưng các thành viên của Câu lạc bộ lại nắm được, và đã có rất nhiều nguồn tin về tội phạm, tệ nạn... mà công an đã nhận và triệt phá thành công”, ông Hợi nói.

Câu lạc bộ đã cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị liên quan đến trộm cắp tài sản, cướp giật, sử dụng trái phép ma túy, sử dụng công cụ kích điện khai thác thủy sản trái phép, vô hiệu hóa nhiều điểm đá gà, bài bạc; vận động nhiều cán bộ hưu và người dân giao nộp nhiều súng, đạn các loại; phối hợp, ngăn chặn nhiều vụ tập trung gây rối, đánh nhau; mời gọi, cảm hóa giáo dục hàng chục đối tượng;…

Mô hình Câu lạc bộ Hội cựu chiến binh phòng, chống tội phạm ở Bạc Liêu - 5

Ông Nguyễn Văn Quang (cựu chiến binh xã Phong Thạnh): "Mình từng là người lính bảo vệ đất nước thời chiến tranh, thì nay thời bình cũng nên góp phần giữ gìn cuộc sống bà con được yên ổn trước tội phạm".

Là một trong những thành viên của Câu lạc bộ, ông Nguyễn Văn Quang (70 tuổi, ngụ ấp 19) từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Chiến tranh kết thúc, ông Quang trở về quê hương với bao khó khăn, nhưng sau đó đã cố gắng vươn lên có cuộc sống ổn định.

Ông Quang là cựu chiến binh của xã Phong Thạnh, đang hưởng chế độ chất độc da cam. Ông nói: “Sống ở đây thấy địa phương mình có nhiều chuyện xảy ra như trộm cắp, cướp giật,… Trong khi gốc của mình từng là người lính đã đi qua chiến tranh, rồi là cán bộ trước đây, thì thấy tình hình tội phạm, tệ nạn là không sáng rồi.

Do đó, tôi quyết tâm tham gia vào Câu lạc bộ để phòng, chống nhóm tội phạm, tệ nạn, cùng giữ yên ổn cho bà con địa phương. Mô hình này tôi thấy hiệu quả vì có anh em, người dân đồng lòng, đồng tình”.

Mô hình Câu lạc bộ Hội cựu chiến binh phòng, chống tội phạm ở Bạc Liêu - 6

Ông Nguyễn Văn Sũng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Giá Rai: "Anh em cựu chiến binh đã từng vào sống ra chết thời chiến tranh, nay còn sợ gì nữa mà không dám tố giác tội phạm...".

Trao đổi với PV Dân trí về Câu lạc bộ “Hội Cựu chiến binh phòng, chống tội phạm”, ông Nguyễn Văn Sũng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Giá Rai, cho biết, hiện toàn thị xã đã có 9 Câu lạc bộ ở 9 xã, phường, với trên 1.000 thành viên. Còn một phường nữa đang chuẩn bị ra mắt Câu lạc bộ vào tháng 8 này. 

“Anh em cựu chiến binh hầu hết đều đã từng cầm súng chiến đấu trên chiến trường, vào sống ra chết rồi, thì nay còn sợ gì nữa, do đó dám mạnh dạn tố giác, phát hiện tội phạm là báo tin ngay, chứ có khi người dân bình thường họ cũng e ngại, đó là một trong những hiệu quả của mô hình này”, ông Sũng đánh giá.