Mẹo xin việc bằng quan hệ cá nhân

Tôi nhớ có một cô nhân viên phòng kinh doanh muốn xin một cái hẹn với một nhà quản lý việc mua bán ở một thành phố khác, và biết rằng rất có thể khó gặp được ông ta. Cô ấy đã viết trước một lá thư cho ông ta nói rằng cô sẽ gọi cho ông khi cô đến thành phố đó...

Cô ấy nghĩ rằng làm như vậy thì chắc chắn sẽ thuận lợi hơn nhưng khi cô ấy gọi thì thư ký của nhà quản lý nọ nói rằng ông ta rất bận và không thể nhận cuộc gọi.

 

Sự việc cứ lặp đi lặp lại mỗi lần cô gọi điện đến. Trước đó cô ấy đã lên kế hoạch sẽ dành ra bốn ngày để thực hiện việc xin một cái hẹn với ông ta và cô đã gọi điện cho ông mỗi ngày nhưng chẳng ăn thua gì. Sang ngày thứ năm, cô ấy đã định từ bỏ, chỉ trước giờ máy bay khởi hành vài tiếng đồng hồ, cô quyết định thử thêm một lần cuối cùng.

 

Thật bất ngờ, lần này chính ông ta nghe máy và đã xin lỗi cô khi nghe cô nói đã gọi điện cho ông suốt cả tuần. Cô ấy được gọi đến để trình bày và kết quả là một vụ mua bán lớn đã được ký kết. Dù cho việc cô ấy không thể tiếp cận được nhà quản lý nọ là do ông ta thật sự bận rộn hay do cô thư ký quá nhiệt tình thì cô ấy vẫn cứ kiên trì và cuối cùng đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc.

 

Vậy đấy, kiên trì là một yếu tố vô cùng quan trọng của thành công. Trong xin việc cũng vậy, nếu bạn đã nhắm vào một công ty nào đó rồi thì hãy gọi cho trưởng phòng nhân sự của công ty đó vào buổi sáng sớm, trước khi một ngày làm việc bận rộn bắt đầu, hoặc trễ hơn, khi gần hết giờ làm việc. Bạn cũng có thể tiếp xúc trực tiếp với trưởng phòng nhân sự khi cô thư ký không có ở đó.

 

Nếu bạn làm như vậy thì hãy đề nghị ông ta một cái hẹn vào lúc nào thuận tiện cho ông ta nhất, có thể trước hay sau giờ làm việc nếu cần thiết. Lời đề nghị đó cho thấy bạn rất quan tâm đến công ty nên nỗ lực rất nhiều để được phỏng vấn. Điều đó cũng cho thấy rằng bạn không thể là một nhân viên chỉ làm việc đúng 8 tiếng mỗi ngày mà sẵn sàng làm ngoài giờ khi cần thiết để công việc được hoàn thành đúng thời hạn. Cả hai điều trên đều gây những ấn tượng rất tốt đẹp nơi nhà tuyển dụng.

 

Bạn đã gi sơ yếu lý lịch cho ông ấy chưa? Sơ yếu lý lịch của bạn thuộc loại nào? Nhiều người đi tìm việc không tìm thấy loại sơ yếu lý lịch họ cần trên thị trường. Nếu sơ yếu lý lịch của bạn là loại truyền thống một trang rưỡi hay hai trang, trình bày vắn tắt mục tiêu, tiểu sử việc làm và quá trình học tập của bạn thì bạn đã làm hại chính mình rồi đó.

 

Ngày nay bạn cần phải bổ sung thêm nhiều thành tích cụ thể bạn đã làm cho công ty trước. Bạn không nên tập trung trình bày nhiều những mục tiêu cá nhân của bạn mà những gì bạn có thể mang lại cho công ty. Một bản sơ yếu lý lịch quá tập trung vào bản thân mình sẽ sớm nằm gọn trong thùng rác.

 

Nếu cần hãy rà soát lại sơ yếu lý lịch của bạn lần nữa rồi cứ ngồi bên ngoài phòng nhân sự cho đến khi bạn được để ý. Không sớm thì muộn bạn cũng sẽ có cơ hội được nói chuyện với trưởng phòng nhân sự.

 

Dĩ nhiên cũng sẽ có khả năng ông ta không quan tâm đến bạn. Nghĩ đến trường hợp đó thật chẳng dễ chịu gì. Tuy nhiên, bạn không nên để điều này làm ảnh hưởng đến giá trị của bản thân. Đừng có tư tưởng “được ăn cả, ngã về không”. Còn rất nhiều công việc thú vị khác đang chờ đợi bạn. Nếu bạn đã cố gắng hết mức để tiếp xúc với ông trưởng phòng nhân sự ấy rồi mà vẫn không thành công thì hãy bắt đầu thử ở một nơi khác. Mẹo chúng tôi muốn nói đến ở đây chính là sự kiên trì.

 

Theo Tư vấn việc làm