“Mẹo” tránh làm “kẻ ngoài lề” trong công việc

(Dân trí) - Bạn đã từng có cảm giác không được đồng nghiệp xem trọng , bị đánh giá thấp thực lực hoặc phải thường xuyên hứng chịu cái nhìn hắt hủi của đồng nghiệp? 8 mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn xoay ngược tình thế và cải thiện vị trí của mình.

1. Từ bỏ thói quen làm “kẻ ngoài lề”
Một sự thật mà không phải ai cũng nhận ra là: bạn phải chịu một phần trách nhiệm cho cái mác “kẻ ngoài lề” mà đồng nghiệp gán cho bạn. Hãy phân tích những lý do khiến bạn rơi vào tình cảnh này: do bạn thường lảng tránh những cuộc trò chuyện lắm lúc “nảy lửa” với đồng nghiệp? Hay vì bạn dễ dàng để người khác đứng ra lãnh công cho việc mình làm? Từ đó, bạn sẽ biết cách khiến mình có thể “tái hòa nhập cuộc chơi” tại sở làm.


2. Học cách nói KHÔNG
Theo Sally Haver, phó chủ tịch cấp cao của một tập đoàn tư vấn nhân sự tại New York, trong từ điển của hầu hết những “kẻ ngoài lề” đều không có từ “không”. Lời khuyên dành cho bạn là : Bạn cần chứng tỏ giá trị của mình hơn là gật đầu nhận tất cả nhờ vả. Hãy học cách nói, ‘Em rất muốn giúp anh/ chị nhưng hiện giờ em đang có quá nhiều việc trong tay, và em nghĩ mình không nên làm những người đã giao việc cho em thất vọng.’


3. Không tạo điều kiện cho đồng nghiệp lấn lướt
Nếu các đồng nghiệp đã quen với việc nhờ vả bạn trong quá khứ, họ sẽ cứ tiếp tục như thế. Theo chuyên viên tư vấn Phil Cooke, tác giả quyển sách Jolt! Get the Jump on a World That’s Constantly Changing, “Hãy định vị bản thân để người khác không thể ‘lợi dụng’ bạn. Có thể viện nhiều cớ chính đáng để không bị đồng nghiệp lấn lướt nhờ vả. Sau vài lần bị từ chối, họ sẽ tự hiểu ra.”


4. Đòi hỏi được tôn trọng
Một khi đã bị xếp vào nhóm “ngoài lề”, bạn thường ngại đưa chính kiến vì nghĩ sẽ không có ai quan tâm hoặc lúc nào cũng “chín bỏ làm mười”, qua loa cho qua chuyện. Bạn sẽ mất hết tầm ảnh hưởng tại văn phòng nếu như lúc nào cũng “im như thóc” trước mọi việc xảy ra quanh mình.


5. Buộc bản thân phải “đối đầu”

Bạn sẽ vẫn mãi là “kẻ ngoài lề” nếu lúc nào cũng tránh né những “đối đầu” cần thiết. Hãy chuẩn bị tâm lý và kiến thức cần cho những tình huống như thế này. Chẳng hạn, nếu cảm thấy mức lương của mình quá thấp, hãy chuẩn bị cho cuộc đối thoại với cấp trên và đưa ra những tài liệu về mức lương tham khảo ngoài thị trường cho vị trí của bạn.


6. Sẵn sàng “diện kiến” sếp
Nếu bạn không được đối đãi tốt tại công sở hoặc khối lượng công việc quá lớn, hãy thử “diện kiến” sếp và giải thích tỉ mỉ, khéo léo. Theo Lynn Taylor, tác giả quyển sách Tame Your Terrible Office Tyrant, bạn có thể mở đầu câu chuyện như sau: “Tôi rất thích được làm việc dưới sự chỉ đạo của sếp. Nhưng gần đây khi tôi tìm được khách hàng mới và mời đến công ty, sếp lại kêu tôi đi photo văn bản hay làm những việc khác, làm tôi thấy xuống tinh thần quá”, và kết thúc theo kiểu: “Cám ơn sếp đã dành thời gian nói chuyện với tôi. Tôi thật sự rất thích công việc của mình.”


7. Nhận “trái ngọt” của bạn
Nếu trước giờ các đồng nghiệp thường hay cướp công của bạn, hãy nói chuyện riêng với họ về điều này và đảm bảo sếp biết được những đóng góp của bạn thông qua các báo cáo cập nhật hàng tuần.


8. Đánh bóng CV nếu cần
Khi thực hiện các bước kể trên để cải thiện vị trí của mình trong mắt sếp và đồng nghiệp, bạan đang xây dựng lòng tin ngày một vững chắc cho bản thân. Do đó, nếu bạn đã cố gắng hết sức mà vẫn không thay đổi được tình thế, môi trường làm việc vẫn không thay đổi, có thể đã đến lúc bạn cần cập nhật CV và tìm một “bến đỗ” mới. Biết đâu đó sẽ là nơi bạn có cơ hội tỏa sáng.

 

Ngọc Vân

(TheoMonster)