Mẹ "bám" hàng bánh tráng suốt 2 thập kỷ để con không nghèo giống mình

PV

(Dân trí) - Ra đời mưu sinh năm 14 tuổi, bà Loan đã quen với cảnh bươn chải đường phố. Sợ con trải qua nỗi vất giống mình, người mẹ quyết tâm bán trụ bán bánh tráng suốt 25 năm qua.

Bán bánh hơn 2 thập kỷ

8h, hàng bánh tráng tôm mỡ hành nằm sâu trong con hẻm 243 Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận, TPHCM) đã có vài vị khách đứng chờ sẵn. Hình ảnh một nữ chủ quán với chiếc lưng đau nhức, lúc nào cũng mỉm cười, tỉ mỉ dọn từng bọc bánh tráng cho thực khách, khiến ai nấy đều ấm lòng.

Không để khách chờ lâu, bà Loan (SN 1972, quê Tiền Giang), chủ quán, cấp tốc cầm trên tay bịch tráng trắng kèm theo hành phi, đậu phộng đã chuẩn bị từ sớm, rồi cho thêm sốt tôm khô, mỡ hành, ớt bột.

Mẹ bám hàng bánh tráng suốt 2 thập kỷ để con không nghèo giống mình - 1

Bà Loan miệt mài với hàng quán bánh tráng suốt hơn 25 năm qua (Ảnh: Trọng Khang).

Quầy bánh tráng của bà Loan đơn thuần chỉ là chiếc bàn nhựa dựng tạm trước mái hiên nhà, bày một vài nguyên liệu cho việc buôn bán. Thoạt nhìn đơn sơ nhưng hàng ăn đã tồn tại hơn 25 năm.

"Để duy trì lâu được như vậy, một phần là nhờ vào sốt tôm", bà Loan bộc bạch.

5h sáng mỗi ngày, gia đình bà Loan đã phải thức dậy để chuẩn bị nguyên liệu. Chẳng ai nói với ai câu nào, mỗi người một công đoạn từ cắt bánh tráng đến sơ chế tôm khô, mỡ hành,... Riêng nước sốt tôm, bà Loan tỉ mỉ dành hơn 1 tiếng để chế biến.

Cứ đến 8h, quầy hàng bắt đầu mở bán đến 18h. Hằng ngày, quầy bánh tráng bán 500-600 bịch, với giá 7.000-10.000 đồng/bịch. Thời gian đông khách nhất thường là buổi sáng và chiều.

"Đa phần thực khách ở đây là nhân viên văn phòng, sinh viên, học sinh. Nhiều sinh viên thường đến mua bánh tráng của tôi để bán lại, kiếm tiền. Thấy vậy, tôi lấy giá phải chăng để bọn nhỏ có đồng ra đồng vô", bà nói.

Mẹ bám hàng bánh tráng suốt 2 thập kỷ để con không nghèo giống mình - 2

"Có một người chồng luôn yêu thương, phụ giúp mình, tôi nghĩ bản thân là người hạnh phúc nhất", bà Loan cười nói (Ảnh: Trọng Khang).

Khách hàng ra vào liên tục khiến bà Loan phải ngồi trộn bánh tráng nhiều giờ đồng hồ. Lâu dần, người phụ nữ tần tảo cũng bị bệnh gai cột sống, thoát vị đĩa đệm hành hạ. Vì thế, chồng và em chồng phải thay phiên hỗ trợ.

Tuy có nhiều vất vả, gia đình bà Loan lúc nào cũng vui vẻ, nương tựa nhau mà sống, vì quầy bánh tráng chính là "chén cơm" của cả nhà.

Ước mơ thoát nghèo từ nhỏ

Do hoàn cảnh khó khăn, bà Loan kể bản thân đã nghỉ học từ năm lớp 9, ra đời bươn chải nhiều công việc khác nhau để phụ giúp gia đình.

"Tôi khao khát được cắp sách đến trường như bao bạn trẻ khác, thế nhưng cái nghèo đã "giết" đi hoài bão trong tôi. Dù buồn nhưng thấy bố mẹ vất vả, tôi càng đau lòng hơn. Vì thế, tôi quyết tâm vượt qua nghịch cảnh, để gia đình và các con của mình sau này không phải trải qua cảnh nghèo khổ tương tự", bà Loan bộc bạch.

Năm 2000, bà Loan từ Tiền Giang, một mình lên TPHCM lập nghiệp. Thấy người trẻ thích ăn vặt, bà học làm bánh tráng tôm mỡ hành, rồi thử mở bán. Tuy nhiên, vì chưa có kinh nghiệm, hàng bánh tráng chưa được nhiều người ủng hộ.

Năm 2004, bà Loan về quê sinh con rồi lần nữa quay lại thành phố. Trong khoảng thời gian này, bà vừa chật vật nuôi con, vừa nghiên cứu cách trộn bánh tráng sao cho thu hút người dùng.

Mẹ bám hàng bánh tráng suốt 2 thập kỷ để con không nghèo giống mình - 3

Vào giờ cao điểm, bà sẽ chuẩn bị trước vài chục bịch bánh tráng để khách không phải đợi lâu (Ảnh: Trọng Khang).

Thời điểm ấy, bà Loan gặp vô vàn khó khăn. Do chưa có kinh nghiệm trong việc chế biến, chị bị khách hàng phản hồi về nước sốt tôm khô lúc mặn, lúc nhạt.

"Lúc đó, tôi dường như bế tắc, muốn từ bỏ. Nhưng ngó sang đứa con còn đỏ hỏn, tôi nghĩ nếu bỏ cuộc thì tương lai của con sẽ phải nghỉ học, sống cuộc đời vất vả như mình. Tôi dường như thức tỉnh, cố gắng tìm cách vượt qua thử thách", bà Loan chia sẻ.

Mỗi khi khách hàng góp ý, bà Loan đều chú ý lắng nghe, rồi dành phần lớn thời gian để thử nghiệm. Sau nhiều lần thất bại, chị sáng tạo cho mình công thức nước sốt riêng, khiến không ít khách hàng mê mẩn.

Dần đà, tiếng lành đồn xa, hàng bánh tráng của chị càng trở nên nổi tiếng, thực khách kéo đến ngày một đông. Lắm lúc, bà có thể bán hơn 1.000 bịch/ngày, bà phải nhờ người thân phụ giúp thì làm mới xuể. Nhờ đó, bà Loan có tiền cho con ăn học, nuôi sống cả gia đình.

Mẹ bám hàng bánh tráng suốt 2 thập kỷ để con không nghèo giống mình - 4

Niềm vui của bà Loan là khi được khách hàng ủng hộ (Ảnh: Trọng Khang).

Năm 2022, người mẹ tần tảo bỗng vỡ òa, chạy khoe khắp xóm khi nghe tin con gái thông báo trúng tuyển vào đại học.

"Suốt 12 năm liền, con đều tự học. Tôi tự hào về con và thấy bao nhiêu công sức của mình đã được đền đáp.

Tôi cảm ơn vì bản thân đã kiên trì vượt qua khó khăn. Giờ đây, cuộc sống tôi rất trọn vẹn, được chồng yêu thương, con ngoan ngoãn. Bấy nhiêu là đã đủ mãn nguyện đối với tôi", bà Loan trải lòng.

Trọng Khang