May công nghiệp có thuộc nghề nặng nhọc, độc hại không?

Hiện nay, công việc đo đếm vải, trải vải chưa được quy định trong Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Bà Trần Thị Trang (TP. Hà Nội) sinh tháng 10/1963, làm công nhân đo đếm vải, trải vải từ tháng 6/1994 đến nay.

Bà Trang hỏi, những người làm việc trong ngành may, dệt và một số ngành đặc thù như giầy, mộc, mũ nhựa có được tính là ngành nặng nhọc, độc hại khi nghỉ chế độ hưu trí không?

Năm 2019 bà nghỉ hưu thì quá trình công tác có được tính là làm nghề nặng nhọc độc hại không?

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động không quy định “ngành may công nghiệp” là ngành nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, chỉ quy định nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Nghề, công việc “may công nghiệp” được xếp điều kiện lao động loại IV theo Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ban hành kèm theo Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội áp dụng đối với người lao động vận hành máy may công nghiệp.

Ngoài ra, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong lĩnh vực dệt may được quy định cụ thể tại Danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ ngày 13/10/1995, Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30/7/1996, Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26/12/1996, Quyết định số 1152/2003/QĐ-LĐTBXH ngày 18/9/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Hiện nay, công việc đo đếm vải, trải vải chưa được quy định trong Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 15/2016/TT-BLĐTBXH  ngày 28/6/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: “Người lao động làm các nghề, công việc ban hành kèm theo Thông tư này và Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ ngày 13/10/1995, Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30/7/1996, Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26/12/1996, Quyết định số 190/1999/QĐ-LĐTBXH ngày 3/3/1999, Quyết định số 1580/2000/QĐ-BLĐTBXH ngày 26/12/2000, Quyết định số 1152/2003/QĐ-LĐTBXH ngày 18/9/2003, Thông tư số 36/2012/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được hưởng các chế độ về bảo hộ lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội quy định tại Bộ luật Lao động, Luật an toàn, vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành”.

Theo Chinhphu.vn