Thừa Thiên Huế:
Mất việc, hướng dẫn viên chuyển nghề bán nước trái cây online kiếm sống
(Dân trí) - Dịch Covid-19 làm cho khoảng 13.000 lao động ngành du lịch ở Huế rơi vào tình trạng ngưng hoặc mất việc. Nhiều lao động trong ngành phải chuyển nghề bán nước trái cây online, ship hàng để kiếm sống...
Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, dịch Covid-19 làm cho nhiều cơ sở lưu trú phải đóng cửa, nhà hàng không có khách du lịch. Hậu quả khiến hàng đến hàng chục ngàn người lao động trong ngành du lịch Huế thất nghiệp, không có lương gần 2 tháng nay.
Tạm chuyển nghề: Để tồn tại
Trao đổi với PV Dân trí, Anh N., nhân viên bảo vệ khách sạn ở TP Huế cho biết, trong thời gian nghỉ việc tạm thời đã phải nấu ăn, bán các món ăn do gia đình làm qua mạng internet.
Đồng thời, anh N kiêm luôn công việc đi ship. Tiền lời từ bán đồ ăn, ship hàng chỉ giúp gia đình anh cầm cự mua thức ăn và sữa cho con nhỏ.
Theo Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế, lao động trong ngành chủ yếu làm công việc, như: Nhân viên lễ tân, buồng phòng, bếp, bảo vệ, hướng dẫn viên, lữ hành… với số lượng khoảng 13.000 người.
Cũng tình cảnh tương tự, anh T - một hướng dẫn viên du lịch tự do phải chuyển nghề phụ cùng nhà bán café, nước trái cây “online”. Công việc mới chỉ kiếm được thu nhập tuy chỉ bằng 1/5 lương và khoản “boa” từ khách trước đây.
Tuy tiền ít nhưng cũng giúp trang trải nhu cầu thiết yếu qua ngày cho anh T.
Được biết, du lịch là ngành kinh tế đặc thù nên bị ảnh hưởng sớm nhất và nặng nề nhất do dịch Covid-19. Đồng thời, quá trình phục hồi dự kiến cũng lâu nhất.
Ước tính thời gian phục hồi đối với khách nội địa như trước khi có dịch khoảng 3 tháng, riêng với khách quốc tế phải mất từ 6 - 9 tháng.
Chờ gói an sinh 62.000 tỷ đồng
Được biết, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai đợt khảo sát, thu thập thông tin từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch để nắm bắt thực trạng tác động của dịch Covid-19. Đồng thời đưa ra những biện pháp tháo gỡ khó khăn, cũng như đề xuất các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới.
Có khoảng 850 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trong lĩnh vực lữ hành, vận chuyển, lưu trú, các cơ sở dịch vụ… hoạt động trên địa bàn tỉnh được khảo sát lấy ý kiến trong đợt này.
Qua khảo sát bước đầu, các doanh nghiệp du lịch mong muốn chính quyền địa phương nới lỏng dần việc đóng cửa kinh doanh tùy vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của địa phương, qua đó duy trì hoạt động và hỗ trợ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng giúp cho người lao động đang mất việc.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng mong muốn Tổng cục Du lịch và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sớm có kế hoạch phục hồi phát triển du lịch sau dịch Covid, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các gói kích cầu, tham gia hoạt động xúc tiến tại các hội chợ du lịch trong và ngoài nước, làm mới nội dung quảng bá điểm đến quốc gia và địa phương…
Đại Dương