1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

“Mắc kẹt” ở Đà Nẵng, người phụ nữ lập bếp ăn miễn phí phục vụ chống dịch

Khánh Hồng

(Dân trí) - Thay vì đăng ký chuyến bay về lại TPHCM dành cho những người bị “mắc kẹt”, một chuyên gia ẩm thực đã chọn cách ở lại Đà Nẵng lập bếp ăn, nấu hàng ngàn suất cơm miễn phí phục vụ lượng lực chống dịch.

Những ngày cách ly không lãng phí

Cuối tháng 7, bà Nguyễn Trúc Chi (SN 1970, chuyên gia kiêm giám đốc một công ty tư vấn và đào tạo ngành ẩm thực tại TP HCM) đã nhận lời tham gia giảng dạy một khóa học về ẩm thực cho các chủ nhà hàng tại TP Đà Nẵng.

Đây là công việc khá thường xuyên của bà Chi ở Đà Nẵng. Nhưng khác biệt với những lần trước, khóa học rơi vào các ngày từ 23-27/7. Đó là thời điểm Đà Nẵng đã bùng phát dịch Covid-19. Bắt đầu là 1 và sau đó là nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng.

“Mắc kẹt” ở Đà Nẵng, người phụ nữ lập bếp ăn miễn phí phục vụ chống dịch - 1

Bà Nguyễn Trúc Chi đã chọn cách ở lại Đà Nẵng lập bếp ăn phục vụ lực lượng chống dịch

Thành phố gấp rút thực hiện các biện pháp cách ly xã hội. Các chuyến bay đi và đến Đà Nẵng dừng hoàn toàn. Du khách khắp cả nước bị kẹt lại tâm dịch khi không có lịch rời Đà Nẵng trước đó.

Sau đó, thành phố đã xin chủ trương mở nhiều chuyến bay đưa du khách về địa phương của họ.

Bà Chi đã ở trong một căn hộ tại Đà Nẵng và tự cách ly trước khi thành phố siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội. Nếu chọn cách trở về TPHCM, bà vẫn phải cách ly 14 ngày.

Do đó, bà đã chọn ở lại lập bếp ăn phục vụ miễn phí lực lượng chống dịch Covid-19.

“Mắc kẹt” ở Đà Nẵng, người phụ nữ lập bếp ăn miễn phí phục vụ chống dịch - 2

Ngày đầu thành lập, Đà Nẵng Kitchen chỉ có một bếp

Để 14 ngày cách ly không lãng phí, bà Chi đã nhen nhóm ý tưởng dùng học phí của khóa học trực tuyến bà đang giảng dạy để mở một “căn bếp yêu thương”.

Từ đó, Đà Nẵng Kitchen ra đời bằng lời kêu gọi của bà Chi trên trang cá nhân, khởi điểm bằng 21 triệu đồng là học phí của 5 thành viên đóng vào khóa học do bà đảm nhiệm. 

Các thành viên trong Cộng đồng F&B (Food and Beverage Service - bộ phận nhà hàng và quầy uống trong khách sạn) tử tế đã ngay lập tức hưởng ứng kêu gọi của bà cùng tham gia công việc và hỗ trợ kinh phí.

Họ đã cùng tham gia vào dự án này với mục đích mang lại những suất ăn ngon nhất có thể đến các y bác sĩ ở tuyến đầu.

“Mắc kẹt” ở Đà Nẵng, người phụ nữ lập bếp ăn miễn phí phục vụ chống dịch - 3

Đến nay đã lên 4 bếp

Trên trang F&B tử tế - Danang Kitchen, các thành viên tham gia giới thiệu. Đây là dự án thiện nguyện với sứ mệnh thay mặt toàn bộ các nhà hàng kinh doanh tử tế của Đà Nẵng cùng nhiệt huyết được đỏ lửa phục vụ cho tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Ngày 31/7, bếp ăn được xác nhận đủ tiêu chuẩn phục vụ cho y bác sĩ tuyến đầu và bếp bắt đầu đỏ lửa ngày 1/8.

Làm sao cho giống cơm nhà

Theo bà Chi, các thành viên trong nhóm, đa phần là chủ nhà hàng trong Cộng đồng F&B tử tế hoặc là các quản lý, bếp trưởng, đầu bếp ngành F&B.

Ban đầu khi thực hiện, dự án chạy bằng 1 bếp và tới thời điểm hiện tại đã lên được 4 bếp và nâng suất ăn cung cấp mỗi ngày từ vài trăm lên tới hàng ngàn suất.

Các suất ăn ở Đà Nẵng Kitchen được đưa vào tận các bệnh viện như Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Liên Chiểu… Hiện tại, mỗi ngày Đà Nẵng Kitchen cung cấp khoảng 1.700 suất ăn đến các bệnh viện trên địa bàn Đà Nẵng.

“Mắc kẹt” ở Đà Nẵng, người phụ nữ lập bếp ăn miễn phí phục vụ chống dịch - 4
“Mắc kẹt” ở Đà Nẵng, người phụ nữ lập bếp ăn miễn phí phục vụ chống dịch - 5

Hàng ngày, các bếp ăn do bà Chi lập ra nấu hàng ngàn suất ăn phục vụ các bệnh viện

Bà Chi cho hay, cái khó nhất đối với bếp là làm thế nào để các y bác sĩ ăn ngon miệng, không ngấy.

“Dù toàn là đầu bếp nhưng các thành viên đôi khi cũng đau đầu trong việc lên danh sách món ăn. Thực đơn phải thay đổi liên tục vì còn dựa vào những thực phẩm được các nhà hảo tâm gửi tặng. Chúng tôi luôn đặt ra tiêu chuẩn là làm thế nào để các phần ăn này giống như cơm nhà” - bà Chi nói.

“Mắc kẹt” ở Đà Nẵng, người phụ nữ lập bếp ăn miễn phí phục vụ chống dịch - 6
“Mắc kẹt” ở Đà Nẵng, người phụ nữ lập bếp ăn miễn phí phục vụ chống dịch - 7

Thực đơn được các đầu bếp thay đổi liên tục

Theo bà Chi, nghe mục tiêu đó thì tưởng chừng đơn giản nhưng cũng không hề dễ dàng. Lúc mới chạy chương trình, bà Chi được một người bạn gửi hình ảnh suất ăn từ trong bệnh viện ra và nói đó là khẩu phần ăn tối.

“Lúc đó tôi giật mình vì thấy thức ăn đó mình cung cấp vào buổi trưa. Sau đó mới biết, các y bác sĩ vì làm việc quá giờ, đã không còn ăn uống đúng bữa. Có khi bữa trưa thành bữa tối, nên suất ăn trưa họ dành lại, còn suất tối nhường đi chỗ khác” - bà Chi kể lại.

Chính vì thế, bà cùng nhóm thiện nguyện luôn nghĩ cách làm thế nào để các suất cơm từ bên ngoài vào các khu cách ly, các bệnh viện dù không được nóng hổi nhưng cũng đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, thơm ngon. Họ đã dùng những hộp cơm có ngăn riêng để cơm và các loại thức ăn không bị trộn lẫn vào nhau.

“Mắc kẹt” ở Đà Nẵng, người phụ nữ lập bếp ăn miễn phí phục vụ chống dịch - 8

Các thành viên trong nhóm, đa phần là chủ nhà hàng trong Cộng đồng F&B tử tế hoặc là các quản lý, bếp trưởng, đầu bếp ngành F&B

Đầu bếp Hồng Lĩnh (ngụ TP Đà Nẵng) tham gia nấu ăn cho Đà Nẵng Kitchen cho hay, những ngày các nhà hàng, khách sạn ở Đà Nẵng phải đóng cửa để cách ly xã hội, việc mà họ nghĩ đến là làm thế nào để chung một tay vào chống dịch.

“Mình có khả năng nấu ăn thì việc nên làm là tham gia vào các bếp thiện nguyện cho tuyến đầu. Vui vì thức ăn do mình nấu ra được đến tận tay các y bác sĩ ở tuyến đầu. Như vậy là mình cảm thấy hạnh phúc trong những ngày Đà Nẵng đóng cửa thực hiện cách ly” - đầu bếp Lĩnh tâm sự.

“Tinh thần nhóm thiện nguyện Đà Nẵng Kitchen ngày một mạnh mẽ hơn, gắn kết đồng lòng và phối hợp ăn ý hơn. Thành viên đăng ký thiện nguyện ngày càng nhiều hơn. Chúng tôi sẵn sàng cho việc trao đi yêu thương ngày càng nhiều để không phụ lòng các mạnh thường quân, không phụ sự ủng hộ của cộng đồng người Đà Nẵng và yêu Đà Nẵng” - bà Chi tâm sự.

Theo bà Chi, trong thời gian bà ở lại Đà Nẵng, con trai lớn của bà tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, bà đã không thể về để bên cạnh con lúc đó.

“Các con tôi phần lớn đều có thể tự chăm sóc bản thân, chúng đã quen với việc mẹ vắng nhà nên tôi cũng không mấy lo lắng” - bà Chi nói.

Không chỉ vắng mặt ở nhà thời gian dài, bà Chi còn bỏ lỡ sự kiện khai trương một nhà hàng mà bà làm chủ dự kiến vào ngày 10/8 ở TP HCM. Mọi việc liên quan đến nhà hàng ngay cả khi kiểm tra các khâu cuối cùng trước vận hành, bà cũng không có mặt. Hiện tại nhà hàng chưa thể khai trương như dự kiến ban đầu.

Theo bà Chi, công việc ở Đà Nẵng Kitchen của bà vẫn còn đang dở dang. “Dự định của cả nhóm là sẽ đỏ lửa đến khi Đà Nẵng hết dịch, chính vì thế mà tôi chưa biết rõ thời gian mình có thể về lại TPHCM, có thể là hết dịch mà cũng có thể là khi mọi việc ở đây ổn định” - bà Chi nói.