Lương tối thiểu vùng 2016: Tranh cãi tới tháng 10 chỉ vì …làm từ “ngọn”?

(Dân trí) - “Đầu năm 2016, VCCI, Tổng LĐLĐ VN và Bộ LĐ-TB&XH cần cử chuyên gia thống nhất các nguyên tắc, tiêu chí khảo sát. Khi triển khai xong cùng đưa ra kết quả và khuyến nghị. Đến tháng 9, Hội đồng tiền lương Quốc gia ra kết luận chính thức và sẽ không còn các ý kiến trái chiều…”

Ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động (Phòng Thương mại và công nghiệp VN - VCCI) trao đổi với báo giới xung quanh một số đề xuất mới về tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 trong đầu tháng 10.

Trong khi đó, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 đã được Hội đồng tiền lương Quốc gia thống nhất là 12,4 % hôm 3/9.

Thông tin tăng lương tối thiểu vùng thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp và người lao động
Thông tin tăng lương tối thiểu vùng thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp và người lao động

Thưa ông, tại sao một số hiệp hội lại tiếp tục kiến nghị điều chỉnh mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 từ 6-7 %. Trong khi trước đó, hôm 3/9 Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất mức 12,4 %?

Việc các phát biểu là quyền của một số cá nhân và hiệp hội. Còn nguyên tắc chính vẫn phải tuân thủ quyết định của Hội đồng tiền lương Quốc gia. Lý do, Hội đồng tiền lương là cơ quan chính thức mà các bên đưa ra thảo luận.

Khi đã thống nhất mức đề xuất, các bên trong Hội đồng tiền lương Quốc gia phải tôn trọng quyết định của Chủ tịch Hội đồng tiền lương. Nếu phát biểu khác đi với ý đó thì sẽ không tôn trọng nguyên tắc, định chế và nội quy làm việc của Hội đồng tiền lương Quốc gia.

Theo tôi, nguyên nhân sâu xa bởi cách làm hiện nay mới chỉ bắt đầu ở phần “ngọn” chứ không phải “gốc”.

Ông vừa nhắc tới phần “ngọn” của vấn đề xây dựng lộ trình lương tối thiểu. Vậy, VCCI sẽ có ý tưởng bắt đầu từ “gốc” ra sao, thưa ông?

Với cách thảo luận ở phần “ngọn” chứ không phải “gốc”, các bên đang không cùng nhau đưa ra các tiêu chí chung cũng như thực hiện nghiên cứu, khảo sát ngay từ ban đầu.

Hậu quả là VCCI chỉ dùng kết quả khảo sát doanh nghiệp, công đoàn thì tập trung kết quả khảo sát từ công nhân. Quan điểm hai bên khó gặp nhau và thương lượng không biết lúc nào chấm dứt.

Trong lộ trình tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, VCCI mạnh dạn đề nghị cơ chế mới giải quyết tận gốc vấn đề về tăng lương tối thiểu.

Theo đó, ngay từ đầu năm 2016, VCCI, Tổng LĐLĐ VN và Bộ LĐ-TB&XH phải cử đội chuyên gia trong Hội đồng Tiền lương quốc gia cùng thống nhất nguyên tắc, khung chương trình và tiêu chí khảo sát khảo sát đời sống người lao động, thực trạng doanh nghiệp, tình hình kinh tế xã hội…

Quá trình khảo sát sẽ thực hiện trong khoảng 6 tháng. Sau đó, các bên cùng đưa ra kết quả khảo sát và khuyến nghị. Khuyến nghị đó phải phản ánh nguyện của các bên và sẽ được thống nhất.

Để đến tháng 9, Hội đồng tiền lương quốc gia đưa ra kết luận chính thức và các bên sẽ không đưa ra các ý kiến trái chiều nữa. Đây là kinh nghiệm của nhiều nước đã làm và giúp các bên cùng đạt được kỳ vọng trong đàm thán theo nguyên tắc win - win.


Ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động (Phòng Thương mại và công nghiệp VN)

Ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động (Phòng Thương mại và công nghiệp VN)

Từ câu chuyện phát sinh các đề xuất về mức tăng lương tối thiểu trong đầu tháng 10, đứng từ góc độ đại diện doanh nghiệp, VCCI nhìn nhận ra sao về tính đại diện tổng thể, thưa ông?

Tôi đề nghị sau này, quá trình hiệp thương phải làm chặt chẽ hơn. Nhà nước cũng nên quy định rõ ràng hơn tính đại diện của các bên.

Ví dụ, VCCI đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội và doanh nghiệp trong suốt 9 tháng đầu năm phải phải hiệp thương với VCCI, tổ chức các khảo sát và hội nghị. Khi các hiệp hội đã tranh luận và thương lượng xong, chỉ có 1 ý kiến thống nhất đưa ra từ nội bộ để trình Hội đồng tiền lương Quốc gia.

Tương tự, Tổng LĐLĐ VN là đại diện phát ngôn của người lao động thì nên chỉ có 1 ý kiến phát ngôn. Các tổ chức, đơn vị trong hệ thống không có ý kiến trái chiều. Còn sau khi thương lượng thì chỉ có 1 tiếng nói chung.

Đây là văn hóa thương lượng được thực hiện ở nhiều nước, có tính dân chủ và đạt hiệu quả cao.

Chúng ta chưa thực hiện được mức này. Từ nay, tôi hy vọng sẽ xây dựng văn hóa đó trong cơ chế 3 bên gồm VCCI, Tổng LĐLĐ VN và Bộ LĐ-TB&XH.

Theo Tổng LĐLĐ VN, Bộ LĐ-TB&XH đã có những cam kết thực hiện đầy đủ Điều 91 Luật Lao động vào năm 2017, trong đó có nội dung lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu. Ý kiến của VCCI về điều này ra sao?

Còn nhiều tranh cãi về cách xác định mức sống tối thiểu. Ngành công đoàn và VCCI phải có 1 cơ chế làm việc với nhau, cử ra các chuyên gia độc lập để cùng đánh giá tiêu chí, định nghĩa về mức sống tối thiểu, lương tối thiểu. Khi hai cơ quan thống nhất rồi, chúng ta mới có thể làm được. Đó là cách làm từ “gốc”.

Hiện, chúng ta đang làm theo phần “ngọn”, bỏ qua giai đoạn đầu. Ngành công đoàn nói mức này là hợp lý, VCCI nói mức kia là hợp lý. Như thế cứ tranh cãi với nhau và không có hồi kết.

Vì vậy, từ đầu năm tới, tôi đề nghị đại diện doanh nghiệp và công đoàn phải cùng nhau xác định rõ vấn đề này. Ở các nước khác, việc này đòi hỏi rất nhiều công sức và tiền của. Chúng ta chưa thực hiện được điều này, gây nên tranh cãi nhiều năm không có hồi kết.

Xin cảm ơn ông

Liên quan tới việc Bộ LĐ-TB&XH gặp gỡ các hiệp hội để lắng nghe ý kiến về lương tối thiểu, mức đóng BHXH…Ông Phùng Quang Huy cho rằng: “Bộ LĐ-TB&XH nên thông qua VCCI để nhận được tiếng nói đại diện của giới chủ thay vì gặp gỡ với các Hiệp hội doanh nghiệp. VN hiện có hơn 200 hiệp hội doanh nghiệp. Trên cơ sở đại diện của doanh nghiệp, VCCI sẽ chủ động lấy ý kiến của các hiệp hội…”.

Hoàng Mạnh (thực hiện)