Lương thấp, khó giữ người
Rào cản về lương thấp là vấn nạn đối với cán bộ, công chức nói chung, đặc biệt là cán bộ, công chức chính quyền cơ sở và những người làm việc không chuyên trách nói riêng
Gần đây có hiện tượng thu nhập thấp là lý do nhiều người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường tại nhiều địa phương ở ĐBSCL nghỉ việc.
Lấy tiền đâu tăng lương?
Hiện cả nước có hơn 900.000 cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn.
Đó là số liệu thống kê của cơ quan chức năng chứ thực chất số lượng cán bộ phát sinh từ nhu cầu thực tế, từ sự thỏa thuận giữa nhân dân với chính quyền hoặc những lý do khác thì chắc khó thống kê hết. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước thì con số hưởng lương từ ngân sách của cả nước lên tới 7,5 triệu người (chiếm 8,3% dân số cả nước). Nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương từ ngân sách thì con số này lên tới 11 triệu người.
Đông như vậy nên tỉ lệ chi thường xuyên, trong đó có lương, trong tổng chi ngân sách (không kể chi trả lãi nợ vay) tăng từ 57,4% vào năm 2003 lên 80% theo ước tính lần đầu của ngân sách năm 2015. Đối với các tổ chức chính trị - xã hội, chi ngân sách nhà nước ước khoảng 14.000 tỉ đồng/năm. Như vậy, còn đâu đầu tư cho phát triển. Mà không đầu tư cho phát triển thì kinh tế không khát triển, lấy tiền đâu tăng lương?
Số lượng người hoạt động không chuyên trách quy định ở cấp xã loại 1 không quá 22 người, loại 2 không quá 20 người, loại 3 không quá 19 người; mỗi thôn, tổ dân phố không quá 3 người. Phụ cấp cho họ không vượt quá 1,0 hệ số mức lương tối thiểu chung, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 2/3. Thí dụ, lương của phó chủ tịch MTTQ cấp xã sau khi trừ khoản đóng BHXH chỉ còn 1.030.000 đồng.
Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã gồm cấp phó các đoàn thể, đoàn thể chính trị- xã hội, ủy ban kiểm tra Đảng ủy, tổ chức Đảng; tuyên giáo, khối dân vận, phó trưởng công an, phó chỉ huy trưởng quân sự...
Cần làm 4 việc
Rào cản về lương thấp là vấn nạn đối với cán bộ, công chức nói chung, đặc biệt là người làm việc không chuyên trách. Nhiều ý kiến muốn giữ những người hoạt động không chuyên trách. Muốn vậy, cần làm 4 việc: cơ chế, chính sách, môi trường làm việc và công tác tư tưởng đối với họ.
Luật BHXH năm 2014 quy định người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được lựa chọn đóng BHXH tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Vì vậy, ngân sách cần hỗ trợ mua BHYT cho họ. Trước mắt, tăng lương để họ đủ đóng BHXH và được huởng các quyền lợi khác như thai sản, mai táng phí.
Ngoài ra, cần được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đang đảm nhiệm…; hết tuổi lao động có thời gian đóng BHXH từ đủ 18 năm đến dưới 20 năm sẽ được đóng một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng lương hưu ngay khi hết tuổi lao động.
Cũng cần có phụ cấp theo bằng cấp cho họ, như có bằng đại học được phụ cấp ở hệ số 2,34; còn trung cấp là 1,86. Có thể cho thí điểm kiêm nhiệm 2 chức danh bán chuyên trách ở 2 khối khác nhau để tăng thêm thu nhập cho họ. Kinh phí tiết kiệm từ việc kiêm nhiệm có thể sự dụng để cải thiện tiền lương theo hình thức khoán biên chế về kinh phí hoạt động.
Cho kiêm nhiệm để giữ người
Ông Nguyễn Thọ Pha- Chủ tịch UBND phường An Sơn, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - cho biết thực tế hiện nay, cán bộ không chuyên trách ở phường hưởng mức lương rất thấp, chỉ hơn 1,3 triệu đồng/tháng. Dù thế, không như nhiều địa phương khác, các cán bộ ở phường An Sơn vẫn cố gắng bám trụ.
Hiện nay, để nâng cao thu nhập của các cán bộ này, phường và nhiều xã, phường khác ở TP Tam Kỳ đang thực hiện phương án cán bộ bán chuyên trách kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực. Theo đó, các chức danh như phó bí thư Đoàn sẽ kiêm nhiệm lĩnh vực văn hóa thông tin, thể dục thể thao; phó chủ tịch phụ nữ xã sẽ kiêm nhiệm lĩnh vực gia đình - trẻ em; phó chủ tịch mặt trận kiêm nhiệm lĩnh vực thanh tra… Theo phương án này, cán bộ sẽ được hưởng thêm 20% lương chức vụ kiêm nhiệm. Ngoài ra, theo đề án sắp xếp lại đội ngũ cán bộ của Thành ủy Tam Kỳ đưa ra, các xã, phường sẽ có quy định cụ thể số lượng cán bộ, công chức, cán bộ bán chuyên trách, hợp đồng; nếu địa phương nào tinh giản được nhiều biên chế thì sẽ được sử dụng quỹ lương được rót về.
“Như phường An Sơn là phường loại II có 23 cán bộ công chức, 21 cán bộ bán chuyên trách, chức danh hợp đồng. Trong số 21 người này, nếu tinh giản được 10 người thì phần lương đó có thể chia cho những người còn lại” - ông Pha ví dụ.
Tr.Thường
Ông ĐINH XUÂN HẠNH, Chủ tịch UBND xã Ea Đah, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk:
Linh động cho làm nửa ngày
Xã chúng tôi có 23 người là cấp phó các hội, đoàn thể. Theo quy định, những người này cũng làm việc theo giờ hành chính nhưng thu nhập quá thấp nên thường thì cấp trưởng linh động cho trực nửa ngày, nửa ngày còn lại cho họ về nhà để làm thêm. Đối với các hội đặc thù như thanh niên xung phong, khuyến học… thì chỉ cán bộ nghỉ hưu làm chủ tịch mới có một ít trợ cấp, những người khác không được hưởng gì. Thu nhập quá thấp nên nhiều cán bộ, công chức của xã đã xin nghỉ việc.
Ông HOÀNG XUÂN TẦN, Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh:
Làm cả tháng bằng phụ hồ 1 tuần
Hiện nay, nhiều nơi xảy ra tình trạng cán bộ đoàn thể không chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn xin nghỉ việc. Nguyên nhân theo tôi là do thu nhập thấp. Mỗi tháng, họ chỉ nhận được khoảng 1,5 triệu đồng, không có công việc làm thêm thì sao đủ trang trải nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.
Đi làm cả tháng nhưng tiền nhận được chỉ bằng phụ hồ một tuần. Không đủ ăn, họ buộc phải nghỉ tìm công việc khác là tất yếu. Muốn chấm dứt tình trạng này thì phải giải quyết được bài toán thu nhập. Công việc đưa lại nguồn thu bảo đảm cuộc sống của họ và gia đình thì ai muốn nghỉ.
Ông NGUYỄN HỮU PHÚC, công chức tư pháp - hộ tịch phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định:
Khó cống hiến hết mình
Là công chức lâu năm nhưng cộng với mức lương có hệ số 2,67 và phụ cấp 0,25%, tổng thu nhập mỗi tháng hiện nay của tôi chỉ khoảng 3,6 triệu đồng. Ở TP loại 1 như Quy Nhơn, mức thu nhập trên dùng để chi tiêu cho bản thân còn chưa đủ nói gì đến tích cóp, lo cho gia đình. Nhưng thu nhập của cán bộ, công chức tại phường như vậy vẫn đỡ hơn nhiều so với cán bộ không chuyên trách đang làm tại đây. Với các đối tượng này, lương chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng nên họ khó khăn hơn chúng tôi nhiều. Một khi cuộc sống khó khăn thì sẽ khó mà cống hiến hết mình cho công việc tại cơ quan. Nên có giải pháp tăng thu nhập cho cán bộ, công chức cấp xã, phường. Không cần phình to bộ máy cấp xã, phường mà để họ kiêm nhiệm, phụ trách nhiều công việc theo khả năng. Giải pháp này, ngoài việc tinh giản biên chế cho bộ máy còn tạo điều kiện cho cán bộ, công chức cơ sở tăng thu nhập.
Ông HOÀNG MẠNH HÙNG, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk:
Dễ tiêu cực
Cán bộ cấp xã, phường không thể sống được bằng lương nên phần lớn ngoài giờ hành chính phải làm thêm nhiều công việc khác để trang trải cuộc sống. Nhiều người chỉ làm việc mang tính chất để giữ chân, giữ vị trí về mặt tinh thần. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác chuyên môn vì họ không thể tập trung, chuyên sâu mà phải nghĩ tới những công việc khác để kiếm sống. Bên cạnh đó, đồng lương không đủ sống nên rất dễ xảy tiêu cực như gây khó khăn để vòi vĩnh người dân đưa tiền trong quá trình giải quyết công việc.
Trước thực trạng này, nhiều nơi có nghị quyết của HĐND tỉnh, TP hỗ trợ thêm tiền cho cán bộ, công chức cấp xã, phường. Đắk Lắk thì khó thực hiện do ngân sách hạn hẹp, thu ngân sách không đủ chi tiêu nên không có nguồn kinh phí.
Ông NGUYỄN MINH TRƯỜNG, cán bộ địa chính xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi:
Tìm được việc khác sẽ nghỉ
Là cán bộ địa chính xã Nghĩa Phương đã được 3 năm nhưng vì đồng lương quá ít, trong khi áp lực công việc nhiều nên tôi dự tính nghỉ hẳn. Hiện phụ cấp của tôi chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng trong khi công việc phải làm từ thứ hai đến thứ sáu. Nhiều lúc công việc nhiều quá phải ở lại làm thêm hoặc làm cả thứ bảy, không có điều kiện chăm sóc gia đình. Nhân viên như chúng tôi không có bất kỳ một khoản phụ cấp nào khác. Tôi đang liên hệ tìm những công việc khác phù hợp hơn, khi có thì sẽ nghỉ công việc này.
Đ.Ngọc - T.Trực - A.Tú - C.Nguyên ghi
Theo Báo Người lao động