Lương lao động giúp việc nhà sẽ như lương công nhân
Đây là một nội dung quan trọng trong Dự thảo nghị định quản lý lao động giúp việc gia đình vừa được đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.
Xung quanh vấn đề này ông Chu Hoàng Anh, phó vụ trưởng vụ Lao động – tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết:
Hiện tại, điều 139 bộ luật Lao động có quy định về hình thức lao động giúp việc gia đình nhưng nhiều năm nay chưa có văn bản nào dưới luật quy định cụ thể hơn để quản lý và bảo vệ những người làm loại hình công việc này. Trong thực tế đã có nhiều vụ việc, tranh chấp xảy ra nhưng không có căn cứ để giải quyết.
Trong dự thảo nghị định, ban soạn thảo xác định những người làm nghề giúp việc gia đình là những người làm công việc nhà trong các hộ gia đình. Dự thảo quy định chủ sử dụng phải ký kết hợp đồng lao động với người giúp việc, loại hợp đồng miệng vẫn được phép nhưng không khuyến khích vì sẽ khó có cơ sở khi hoà giải hay giải quyết nếu có tranh chấp.
Vậy tiền lương, thời giờ làm thêm của người lao động được xử lý thế nào?
Chúng tôi đưa ra hai phương án về chuyện làm thêm giờ. Thứ nhất là đưa những quy định hiện tại về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi vào dự thảo và có quy định rõ hơn. Thứ hai là đưa ra một quy định mới hoàn toàn. Tuy nhiên, đây là công việc đặc thù và chủ yếu do thoả thuận giữa hai bên nên ban soạn thảo muốn lấy ý kiến để đưa ra một phương án khả thi nhất.
Về tiền lương, dự thảo nghị định bắt buộc chủ sử dụng không được trả lương cho người lao động thấp hơn lương tối thiểu vùng được quy định đối với lao động làm việc trong các doanh nghiệp.
Vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp giới thiệu lao động làm nghề này sẽ được ràng buộc ra sao?
Ban soạn thảo thống nhất quy định những tổ chức, doanh nghiệp giới thiệu lao động giúp việc gia đình phải có trách nhiệm theo dõi người lao động sau khi giới thiệu. Tuy nhiên, hiện nay còn vướng ở việc, nếu có tranh chấp cá nhân tại toà án thì các tổ chức này không thể đại diện được cho người lao động. Đại diện người lao động là tổ chức công đoàn, nhưng do người lao động làm việc đơn lẻ nên việc gia nhập công đoàn để có đại diện bảo vệ quyền lợi cho mình rất khó.
Theo ông để hoàn chỉnh dự thảo nghị định trình Chính phủ ban hành hiện nay đang vướng nhất ở đâu?
Tôi vẫn cho rằng phải đưa ra một cái “khuôn” thực sự cho nghề này. Thế nào được gọi là lao động giúp việc gia đình? Tới thời điểm này, ban soạn thảo vẫn còn đang lấn cấn với việc giải thích từ ngữ để đưa ra được một khái niệm cụ thể. Khi xác định được chính xác họ là ai thì mới đưa ra được những công cụ quản lý hợp lý.
Thêm nữa, thực tế loại hình lao động này đã tồn tại từ lâu, chủ yếu là thoả thuận giữa chủ và người lao động. Trong quy định mới chúng tôi cũng dựa trên thoả thuận giữa hai bên là chính nhưng phải đưa ra các điều kiện tối thiểu để hai bên thoả thuận. Vì vậy, khó ở chỗ quy định như thế nào để có thể áp dụng được vào thực tế, đưa nghị định thực sự trở thành một công cụ quản lý loại hình lao động đặc thù này.