Lương của người lao động xuất khẩu thấp hơn so với mặt bằng chung

(Dân trí) - Nguồn tiền từ xuất khẩu lao động đã giúp không ít gia đình xóa đối giảm nghèo. Tuy nhiên, hiện mức lương của người lao động Việt Nam đang bị trả thấp hơn với lao động bản địa và các quốc gia khác.

Thống kê từ Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội cho biết, nước ta hiện có trên 400.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau.

Theo kết quả một cuộc khảo sát do Viện Khoa học Lao động và Xã hội  tổ chức mới đây tại 4 tỉnh là Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Thái Bình, nơi có nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài cho thấy khoản tiền mà người đi XKLĐ gửi về cho gia đình cũng không nhỏ. Cụ thể, năm 2009, người đi XKLĐ của Bắc Giang đã gửi về cho gia đình lên tới 1.135 tỷ đồng, Vĩnh Phúc: 110 tỷ đồng, Thái Bình 800 tỷ đồng, Phú Thọ 600 tỷ đồng. Riêng huyện Lạng Giang (Bắc Giang), số tiền người đi lao động xuất khẩu gửi về hàng năm là 120 tỷ đồng, trong khi tổng thu ngân sách địa phương là 47 tỷ đồng.
Lương của người lao động xuất khẩu thấp hơn so với mặt bằng chung - 1
Lao động Việt Nam phần nhiều làm việc tại những khu vực lương thấp, yêu cầu giản đơn. (Ảnh minh họa)
 
Tuy nhiên theo kết quản khảo sát cũng cho thấy, thực tế, mức lương  của người lao động Việt Nam cũng ở mức thấp hơn so với lao động bản địa và lao động của các quốc gia khác. Nguyên nhân do chất lượng lao động vẫn chưa cao, lại tập chung chủ yếu ở những phần việc đơn giản, trình độ ngoại ngữ yếu...

Để nâng cao hơn nữa chất lượng của ngành XKLĐ, báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị phát triển  trong thời gian tới nhằm tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực này như: Về công tác quản lý tại các cơ quan quản lý Nhà nước, cần tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác với các nước tiếp nhận lao động trong việc bảo vệ quyền con người của tất cả lao động xuất khẩu; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận với các thông tin liên quan như các chủ trương, chính sách pháp luật, chương trình dự án..., đánh giá nhu cầu của người lao động trong các vùng có sức ép việc làm lớn, nhu cầu cần hỗ trợ sau khi trở về; đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông tại địa phương nhằm nâng cao ý thức và hiểu biết của người dân, giảm thiểu tình trạng lừa đảo trong XKLĐ...

P. Thanh