Lùi cải cách tiền lương, thu nhập hàng tháng của công chức như thế nào?
(Dân trí) - Với việc Quốc hội lần thứ hai quyết định chưa cải cách chính sách tiền lương, lương cán bộ, công chức trong năm 2022 giữ nguyên ở mức 1,49 triệu đồng/tháng nhân với hệ số hiện hưởng...
Quốc hội, trong phiên họp bế mạc 2 ngày trước đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, trong đó quyết nghị lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại Khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội.
Như vậy, đến tháng 7/2022, cả nước vẫn chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Trao đổi với báo chí, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, cải cách tiền lương là vấn đề rất quan trọng, tác động đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, 2 năm qua, dịch Covid-19 đã tác động hết sức nghiêm trọng đến kinh tế xã hội.
Theo ông Bùi Văn Cường, dịch bệnh không chỉ tác động đến chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh, đời sống, mà còn phải chi nhiều ngân sách cho công tác phòng chống dịch. Tổng Thư ký Quốc hội dẫn chứng việc phải chi các khoản kinh phí mua kit xét nghiệm, mua vaccine phòng Covid-19, thiết bị y tế, chi cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch…
"Nguồn lực đầu tư cho phát triển, cho an sinh xã hội, chăm lo cho người dân đang cần hơn. Do vậy, cán bộ, công chức cũng sẵn sàng đồng thuận theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương đến thời điểm thích hợp", ông Bùi Văn Cường nói.
Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội, các cán bộ, công chức, viên chức sẵn sàng đồng thuận với việc lùi thực hiện cải cách tiền lương đến thời điểm thích hợp. Còn lùi đến thời điểm nào thì Quốc hội giao Chính phủ, các cơ quan liên quan xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.
Tuy lùi thời điểm cải cách tiền lương nhưng Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ "ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995".
Quyết định được đưa ra theo đề xuất của Chính phủ, do Bộ LĐ-TB&XH tham mưu xây dựng. Hiện Chính phủ đang hoàn thiện hồ sơ để cố gắng ngày 1/1/2022 có chính sách lương hưu mới, trong đó mức lương thấp nhất là 2,5 triệu đồng.
Theo Nghị quyết 27 Trung ương 7 khóa XII, cơ cấu bảng lương mới của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Còn theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 được thông qua ngày 12/11/2019, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2020.
Với việc Quốc hội lần thứ hai, lùi cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 (lần đầu quyết định lùi hạn thực hiện lộ trình là vào kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV - PV), mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và lương hưu vẫn giữ nguyên 1,49 triệu đồng/tháng như mức áp dụng từ năm 2019, chưa tăng lên 1,6 triệu đồng.
Như vậy, trong năm 2022, lương cán bộ, công chức vẫn được tính theo công thức gồm lương cơ sở 1,49 triệu đồng nhân với hệ số hiện hưởng.
Ngoài lương, cán bộ, công chức còn được hưởng một số phụ cấp kèm theo tùy mỗi chức danh, lĩnh vực (phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp khu vực…).
Bên cạnh đó, lương công chức ở các vị trí việc làm khác nhau còn được tính theo ngạch/bậc cụ thể. Theo quy định, hiện nay, mức lương của công chức giữ chức danh chuyên gia cao cấp là cao nhất, tương đương với lương Bộ trưởng.
Cụ thể, chuyên gia cao cấp có 3 hệ số lương 8.80, 9.40 và 10.00, tương ứng với 3 bậc nhân với lương cơ sở 1,49 triệu có mức lương lần lượt là: 13,112 triệu; 14,006 triệu và 14,9 triệu đồng/tháng.
Tháng 5/2018, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã thông qua Nghị quyết 27 cải cách chính sách tiền lương. Thời gian bắt đầu thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2021.
Mục tiêu đề ra là, từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; trong đó tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp….
Do ảnh hưởng của COVID -19, tại Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã quyết định lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương đến 1/7/2022, thay vì năm 2021.
Mới đây, tại Hội nghị 4 khóa XIII, Trung ương tiếp tục đồng tình lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII.