Luật Xuất khẩu lao động mới: Chế tài liệu có đủ mạnh?
(Dân trí) - Chiều qua 13/1, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Quản lý lao động ngoài nước, cùng các Bộ, ngành liên quan đã có cuộc tọa đàm lấy ý kiến cho Dự thảo lần 14 Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Dư luận đang rất hy vọng, Luật mới này ra đời sẽ giải quyết được những tồn tại về tình hình xuất khẩu lao động trong thời gian qua.
Còn quá nhiều bất cập
Từ năm 1999 đến nay, cả nước đã có trên 300.000 người đi làm việc ở nước ngoài, nâng tổng số lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài trong thời điểm hiện nay lên khoảng 400.000 người. Thu nhập của người lao động bình quân những năm gần đây khoảng 1,5 tỉ USD/năm. Chất lượng nguồn lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài từng bước được cải thiện, đội ngũ doanh nghiệp được hình thành, trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả…
Tuy nhiên, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường lao động trong nước và nhu cầu việc làm ngoài nước của người lao động. Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong việc khai thác thị trường còn yếu; uy tín, chất lượng lao động Việt Nam còn thấp, tình trạng lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp còn khá phổ biến, nhất là ở những thị trường có thu nhập cao.
Việc tuyển chọn, dạy nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động của nhiều doanh nghiệp và địa phương còn chưa tốt. Hoạt động lừa đảo của các tổ chức, cá nhân không có chức năng còn xảy ra ở một số địa phương, cơ sở. Công tác quản lý của nhiều doanh nghiệp còn bất cập, chưa bảo vệ tốt quyền lợi của người lao động làm việc ở nước ngoài…
Giải thích về nguyên nhân của những tồn tại trên, ông Nguyễn Thanh Hòa - Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: Về khách quan, do cơ chế, chính sách của các nước tiếp nhận lao động, sự biến động của thị trường lao động ngoài nước, cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu lao động trong khu vực ngày càng gay gắt…
Nguyên nhân chủ quan là do nhận thức chưa thống nhất, chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn hạn chế, dẫn đến nhận thức của một bộ phận người lao động chưa đúng. Các doanh nghiệp chưa đủ mạnh cả về năng lực, tài chính và đội ngũ cán bộ, có những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, tiêu cực, không công khai, minh bạch…
Ông Hòa còn cho biết thêm, hiện nay, có 8 Điều quy định trong Bộ Luật lao động và 2 Nghị định của Chính phủ (Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17/7/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành thi hành Bộ Luật lao động về lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài và Nghị định số 141/2005/NĐ-CP ngày 11/11/2005 về quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài) điều chỉnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Nhưng nhìn chung, cơ chế chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này còn bất cập và chưa đồng bộ. Phạm vi đối tượng điều chỉnh chưa bao quát được các hình thức đưa người đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề đang xuất hiện trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chưa quy định đầy đủ các hành vi bị nghiêm cấm để doanh nghiệp, tổ chức và người lao động chấp hành, đồng thời cũng làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm.
Quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa được quy định cụ thể, đặc biệt là những quy định liên quan đến các loại phí của doanh nghiệp. Chi phí của người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn cao. Luật cũng chưa quy định chặt chẽ các điều kiện để doanh nghiệp được hoạt động trong lĩnh vực này, vì vậy chưa hạn chế được số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng; cạnh tranh không lành mạnh, thiếu trách nhiệm đối với lao động…
Luật mới liệu có khả thi hơn?
Dự thảo Luật gồm 8 Chương, 62 Điều và so với những quy định hiện hành đã thể hiện được chủ trương của Đảng và Nhà nước; quy định rõ quyền và nghĩa vụ của của doanh nghiệp, tổ chức đưa người đi làm việc ở nước ngoài, của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động làm việc ở nước ngoài; trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp; quy định chế tài xử lý các vi phạm.
Theo Ban soạn thảo, dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là loại dịch vụ có tác động trực tiếp đến người lao động và có những yếu tố đặc thù khác nhau: địa điểm làm việc ở nước ngoài, các quan hệ lao động đều có yếu tố nước ngoài. Để bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thì không nên cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hoạt động dịch vụ này.
Khi soạn thảo Luật, Ban soạn thảo cũng đã có tham khảo một số nước, tiêu biểu là Trung Quốc, cũng có quy định không cho phép doanh nghiệp có vốn nước ngoài tham gia hoạt động trong lĩnh vực này.
Dự thảo Luật cũng quy định giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được cấp cho doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của Luật này tương tự như giấy phép hoạt động của một số loại dịch vụ có điều kiện khác (giấy phép hành nghề khám chữa bệnh, khai thác khoáng sản…). Doanh nghiệp cũng có thể bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, tước quyền sử dụng trong những trường hợp nhất định như: doanh nghiệp ngừng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hoạt động không hiệu quả hoặc vi phạm pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài…
Theo Thứ trưởng Nguyễn Lương Trào (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thì, Luật mới này sẽ đưa ra những điều kiện cao hơn Luật cũ để nhằm sàng lọc bớt những doanh nghiệp không đủ điều kiện tài chính hoạt động trong lĩnh vực này. Trong thời gian tới, chủ trương của Bộ là mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, khuyến khích nhiều doanh nghiệp mạnh hoạt động…
Nguyễn Hiền - Phương Thảo