Luật lao động mới của Nhật Bản gây lo ngại làm tăng nguy cơ “bạo lực”

(Dân trí) - Luật bảo vệ người lao động vừa có hiệu lực tại Nhật Bản đã gây ra nhiều lo ngại và chỉ trích vì tăng nguy cơ xảy ra “bạo lực” trong môi trường công sở.

Các công ty lớn tại Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng “quấy rối quyền lực” tại nơi làm việc, gồm các hành vi bạo lực khi lãnh đạo hoặc cấp trên đánh nhân viên cấp dưới bằng tay không hoặc bằng một vật dụng nào đó.

Luật bảo vệ lao động tại Nhật Bản vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6 vừa qua, với mục đích chấm dứt tình trạng “quấy rối quyền lực” và bảo vệ người lao động khỏi các hành vi bạo lực của cấp trên và chủ lao động.

Tuy nhiên, luật lao động này cũng liệt kê đầy đủ và chi tiết những trường hợp “bạo lực” ngoại lệ và được xem là hành động tự vệ.

Chính điều này đã khiến bộ luật bảo vệ lao động mới của Nhật Bản chịu nhiều sự chỉ trích vì lo ngại rằng những trường hợp ngoại lệ được nêu trong luật quá chi tiết, có thể bị lợi dụng để qua mặt cơ quan chức năng.

Thậm chí những chi tiết này còn khiến cho bộ luật không thể phát huy hiệu quả bảo vệ người lao động khỏi các hành vi bạo lực.

Luật lao động mới của Nhật Bản gây lo ngại làm tăng nguy cơ “bạo lực” - 1

Nhật Bản được đánh giá là một trong những quốc gia có môi trường làm việc căng thẳng và áp lực nhất thế giới (Ảnh minh họa)

Các nhà phê bình cho rằng việc liệt kê danh sách những trường hợp ngoại lệ và hành động tự vệ trong bộ luật lao động mới là không cần thiết. Thậm chí, điều này còn có thể khiến cho tình trạng bạo lực nơi làm việc càng trở nên phổ biến và xảy ra thường xuyên hơn.

“Việc liệt kê các trường hợp ngoại lệ và không bị áp dụng luật để xử phạt là không cần thiết”, Naoto Sasayama, một luật sư tại Tokyo, cho biết.

Ngoài luật lao động mới, luật pháp tại Nhật Bản đang yêu cầu các công ty lớn ở nước này có chính sách nghiêm ngặt để chống lại những hành vi bạo lực và bắt nạt nơi làm việc, bao gồm việc đào tạo văn hóa nhân viên và thiết lập một điểm liên lạc để báo cáo các trường hợp lạm dụng hoặc bạo lực. Những công ty nào để xảy ra tình trạng lạm dụng hoặc bạo lực sẽ bị chính phủ công khai danh tính.

Các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ tại Nhật Bản hiện chưa phải áp dụng các quy tắc trong bộ luật lao động mới, nhưng đến tháng 3/2022, quy tắc này sẽ có hiệu lực tại toàn bộ các doanh nghiệp.

Nhật Bản là một trong những quốc gia có môi trường làm việc căng thẳng và áp lực nhất thế giới, trong đó các hành vi bạo lực và lạm dụng trong môi trường làm việc càng làm tăng hơn nữa áp lực cho các nhân viên, trong đó không ít trường hợp tự sát để giải tỏa những áp lực trong công việc.

Nhi Nguyễn
Theo News On Japan