Luật hóa cho mượn lao động: Đòi hỏi cấp thiết từ thực tế
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó chủ tịch VCCI khẳng định với DĐDN: Cho mượn lao động là một loại quan hệ lao động còn khá mới mới mẻ đối với Việt Nam nhưng là nhu cầu hoàn toàn hợp lý và cần thiết giữa các doanh nghiệp.
Theo ông Phòng, tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp về lĩnh vực này đang là một yêu cầu rất bức thiết.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì pháp luật Việt Nam hiện không cho phép mượn lao động của doanh nghiệp khác. Trong khi, một số doanh nghiệp thì chỉ có nhu cầu sử dụng lao động theo mùa nhưng vẫn phải ký hợp đồng dài hạn đối với lao động. Từ tổng hợp tình hình của giới sử dụng lao động, ông đánh giá thế nào về nhu cầu này?
Trước tiên phải khẳng định, Nhà nước Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh tinh thần nhà nước kiến tạo, nhà nước phục vụ. Đặc biệt, Nghị quyết 19 của Chính phủ đặt ra yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do đó, nếu những chính sách được ban hành còn chưa phù hợp, chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế phát triển thì sẽ nhanh chóng được điều chỉnh, sửa đổi.
Thực tế, trong giai đoạn phát triển hiện nay, các quan hệ lao động luôn đa dạng từ cho thuê lao động, lao động có thời hạn, lao động không thời hạn, lao động phái cử… Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, nhiều ngành lĩnh vực, đặc biệt là liên quan dịch vụ du lịch có tính chất mùa vụ rất cao. Đơn cử như các tỉnh phía bắc có những bãi biển rất đẹp nhưng chỉ hoạt động khoảng nửa năm mùa hè. Bởi vì, mùa lạnh thì không ai đi tắm biển cả. Ngược lại một số sản phẩm dịch vụ lại chỉ liên quan đến mùa rét hay dịp Tết nguyên đán…
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, nhiều ngành lĩnh vực, đặc biệt là liên quan dịch vụ du lịch có tính chất mùa vụ rất cao.
Nếu ghép nhu cầu sử dụng lao động của hai khu vực này lại với nhau thì hiệu quả lao động hay còn gọi là năng suất lao động sẽ tốt hơn rất nhiều. Người lao động sẽ không phải thiếu việc làm theo mùa vụ. Còn chủ sử dụng lao động cũng giảm được gánh nặng phải chi trả lương và các chế độ liên quan cho người lao động khi mình không có nhu cầu thuê lao động.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp và chuyên gia, việc cho mượn lao động giữa các doanh nghiệp trên thế giới khá phổ biến. Ông có thể chia sẻ một số thông tin từ kinh nghiệm quốc tế đối với lĩnh vực này?
Tại các quốc gia Châu Âu, họ thường không áp dụng các chế độ đối với người lao động theo thâm niên mà dựa vào tính chất quan trọng của công việc. Do đó, các chế độ trả công đối với người lao động rất ít bị ảnh hưởng khi chuyển đổi công việc. Hiệu quả công việc luôn được đặt lên hàng đầu. Việc cho mượn, cho thuê lao động hay lao động phái cử đều không đặt nặng vấn đề mối quan hệ lao động.
Tuy nhiên, nhìn vào một quốc gia Châu Á là Hàn Quốc thì có thể thấy, vấn đề quan hệ lao động là rất quan trọng. Trong vòng 10 năm qua, việc làm không thường xuyên đã trở thành một vấn đề chính sách lao động chính ở Hàn Quốc. Lao động không thường xuyên ở Hàn Quốc khá đa dạng như lao động có thời hạn, lao động bán thời gian (không trọn giờ), lao động phái cử và hợp đồng phụ, lao động tại nhà và lao động tự tạo việc làm nhưng phụ thuộc…
Tại một số quốc gia Châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore đã có những căn cư pháp lý riêng điều chỉnh việc lao động không thường xuyên với các tên gọi như: Cho thuê lại lao động tạm thời hay lao động phái cử; cung ứng lao động; lao động thuê ngoài…
Ông có những kiến nghị gì trong việc sửa đổi chính sách về cho mượn lao động?
Nếu nói đến vấn đề việc làm không thường xuyên, pháp luật về lao động của Việt Nam tính đến thời điểm này đã có quy định về cho thuê lại lao động, lao động thời vụ. Thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp muôn hình muôn vẻ, nhu cầu mượn và cho mượn lao động hoàn toàn có thể phát sinh. Nhưng nếu cứ căn cứ vào Bộ luật Lao động năm 2012 đó là người lao động và người sử dụng lao động “phải trực tiếp giao kết hợp đồng” thì chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Vì vậy, khi các doanh nghiệp có nhu cầu mượn và cho mượn lao động tìm được đến với nhau có những thỏa thuận có lợi cho cả hai bên doanh nghiệp và có lợi cho người lao động thì luật pháp cần tạo điều kiện. Tất nhiên, sự thỏa thuận mượn và cho mượn này phải được sự đồng ý của người lao động. Như vậy, mục tiêu quản lý nhà nước là tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh một cách thuận lợi và bảo vệ quyền lợi người lao động như tinh thần Nghị quyết 19 sẽ đạt được.
Về phía doanh nghiệp, họ phải làm gì để gia tăng mối liên kết và hợp tác với nhau trên tinh thần cùng có lợi liên quan đến việc cho mượn lao động, thưa bà?
Các doanh nghiệpcần tạo nên một chuỗi cung ứng về lao động. Thông tin về nhu cầu cho mượn lao động cũng cần được các DN chia sẻ một cách công khai, minh bạch. Trước mắt, doanh nghiệp cần tổng hợp nhu cầu về cho mượn lao động để kiến nghị tới các cơ quan như VCCI, Bộ LĐ-TB-XH, Liên đoàn Lao động Việt Nam. Từ đó, các bên sẽ phối hợp nghiên cứu để đưa ra giải pháp hợp lý nhất, tiến tới tạo hành lang pháp lý đối với vấn đề cho mượn lao động.
Tuyệt đối tuân thủ quy định luật pháp về quan hệ lao động cũng là một đòi hỏi mà các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý. Qua đó, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của người lao động sẽ được hài hòa, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế. doanh nghiệp cũng cần thường xuyên có cơ chế đối thoại tại doanh nghiệp với người lao động để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người lao động. Hoạt động này sẽ mang lại lợi ích cho chính chủ sử dụng lao động và người lao động.
Xin cảm ơn ông!
Theo Quốc Anh /Diễn đàn Doanh nghiệp