Lối rẽ tội lỗi của chủ cơ sở sản xuất gạch
Từng là người lính, Nguyễn Văn Nguyên (SN 1967) đã không giữ được bản lĩnh vững vàng, có hành vi lừa đảo chiếm đoạt của 11 nạn nhân gần 1,72 tỷ đồng và phải trả giá bằng bản án 13 năm tù giam.
Từ một ông chủ xưởng gạch "ăn nên làm ra"...
May mắn trở về từ mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang), ông Nguyên (trú tại tổ dân phố Thượng, thị trấn Tân Dân, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng và xây dựng cơ sở sản xuất gạch tại quê nhà.
Trong khoảng chục năm đầu, ông làm ăn có lãi, phất lên như diều gặp gió, tên tuổi nổi tiếng cả vùng. Có tiền ông mua nhà đất, sắm ô tô, con cái đều phương trưởng, tổ ấm gia đình ông gây dựng được là mơ ước của bao người.
Thế rồi, việc kinh doanh của gia đình ông gặp trở ngại dẫn đến thua lỗ. Để trang trải nợ nần, duy trì xưởng gạch đang “thoi thóp”, bao nhiêu tài sản tích lũy được ông phải bán đi.
Đang lúc khó khăn nhất thì người vợ đi xuất khẩu lao động, đòi chia tài sản và cuối cùng là ly hôn. Gia đình ly tán, tài sản tiêu tan, không còn giữ được mình, ông Nguyên đã rẽ sang con đường phạm pháp.
Biết nhiều người có nhu cầu xin vào biên chế nhà nước, đi xuất khẩu lao động nhưng không biết “đường đi nước bước” nên ông Nguyên đã lợi dụng sự nổi tiếng của mình khi xưa để “nổ” nhằm chiếm đoạt tiền bạc của họ.
... bị thất thế đi "nổ" lừa tiền người xin việc
Thực hiện hành vi lừa đảo, đầu năm 2014, ông khoe bản thân có khả năng làm thủ tục đưa người sang Hàn Quốc xuất khẩu lao động với thu nhập cao; có quan hệ thân thiết với nhiều lãnh đạo cơ quan chức năng ở tỉnh nên xin được vào biên chế ngành giáo dục , y tế thông qua xét tuyển bổ sung.
Dù chẳng quen biết ai và cũng không có khả năng làm được những việc đó nhưng nhờ ăn nói, ông cứ hứa bừa rồi nhận tiền của nhiều người. Mỗi khi nhận tiền, ông Nguyên đều viết giấy biên nhận và khẳng định chắc chắn họ có việc làm trong thời gian ngắn. Mỗi nạn nhân, đối tượng thu từ 120 - 200 triệu đồng, tùy độ “khó”, độ “hot” của công việc.
Tiền “lót tay” đã trao đi, những người dân chân chất, thật thà nhờ ông Nguyên khấp khởi mừng thầm, mong chờ ngày được đi xuất ngoại làm ăn, rồi con mình vào biên chế.
Thế nhưng ngày tháng trôi qua mà ông Nguyên thì cứ hứa và khất, rồi tìm cách né tránh, gọi điện thoại thì tắt máy. Không thể chờ đợi được mãi, các bị hại đã làm đơn tố cáo.
Cụ thể, ông Trần Văn S (SN 1968) trú tại xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang có con gái tốt nghiệp một trường sư phạm nhưng nhiều lần thi tuyển công chức không trúng. Qua người quen giới thiệu, ông Nguyên nói sẽ xin được vào làm giáo viên mầm non trên địa bàn huyện Lạng Giang theo diện xét tuyển bổ sung, chi phí 200 triệu đồng, nếu không xin được sẽ hoàn lại tiền.
Khi đã nhận đủ, ông Nguyên hứa khoảng 10 ngày sau sẽ có quyết định tuyển dụng. Những tưởng con gái sắp có công ăn việc làm nhưng đã quá hẹn nhiều ngày mà vẫn bặt vô âm tín. Vợ chồng ông S liên tục điện thoại nhưng không được.
Cũng là nạn nhân, anh Vũ Văn B (SN 1980), trú tại xã Nhật Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương kể: “Tháng 6/2014, khi đang ngồi uống nước ở thị trấn Tân Dân, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, tôi có nói chuyện với một số người về việc muốn sang Hàn Quốc lao động nhưng chưa biết thủ tục thế nào. Lúc này ông Nguyên cũng ngồi ở đó nên tự giới thiệu có vợ và người thân đang làm tại Hàn Quốc, bản thân đã giúp nhiều người sang đó lao động thu nhập cao với chi phí 10.000 USD (hơn 200 triệu đồng). Tôi tin tưởng và đã nhờ ông Nguyên giúp đỡ. Sau khi trao tiền, tôi đã nhiều lần gọi điện hỏi thì ông Nguyên nói phải chờ, sau đó mất liên lạc”.
Cũng với thủ đoạn nhận tiền xin việc, đi lao động ở nước ngoài, từ tháng 6/2014 đến tháng 5/2016, Nguyên đã lừa của 11 cá nhân, chủ yếu ở huyện Lạng Giang với tổng số tiền gần 1,72 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Thái, Tổ trưởng tổ dân phố Thượng, thị trấn Tân Dân, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cho biết: Nguyên là bộ đội xuất ngũ, về địa phương ông đầu tư ngay vào việc kinh doanh vật liệu xây dựng. Thấy ông ấy ăn nên làm ra, mua sắm ô tô, xây nhà cửa hoành tráng nên người dân ở đây ai cũng trầm trồ.
Thế nhưng khoảng hơn một năm nay, thỉnh thoảng lại thấy có người đến nhà ông Nguyên đòi nợ. Có lần ông còn bị đánh tím tái mặt mày. Lúc đó bà con chòm xóm mới biết ông làm ăn thua lỗ và đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người.
Tại phiên xét xử ngày vừa qua tại trụ sở TAND tỉnh Bắc Giang, bị cáo Nguyên thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi lừa đảo của mình. Nhìn xuống hàng ghế phía sau với nhiều ánh mắt căm phẫn của người bị hại, bị cáo đã cúi đầu gửi lời xin lỗi đến họ.
Nguyễn Văn Nguyên cũng đã khắc phục cho các bị hại 920 triệu đồng, số còn lại không còn khả năng thanh toán.
Vụ án cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh về những rủi ro khi bỏ tiền “chạy chọt” vào biên chế cũng như tìm đường tắt để đi xuất khẩu lao động. Người dân cần hết sức cảnh giác, muốn xin việc làm hay đi xuất khẩu lao động cần đến trực tiếp cơ quan tuyển dụng để tìm hiểu kỹ thông tin và được hướng dẫn cụ thể, không gặp gỡ những đối tượng trung gian để nhờ vả, dễ bị lừa đảo.
Theo Báo Công lý