1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

"Lò" đào tạo huấn luyện viên kỹ năng

Dân trí

(Dân trí) - Chán nản vì thất bại trong kinh doanh, Lê Oanh được người bạn cũ giới thiệu nơi "luận giải bản đồ sao" để lý giải nguyên nhân thất bại, rồi từ đó trở thành một life coach (huấn luyện viên kỹ năng).

1 tháng biến người bế tắc thành huấn luyện viên

Đầu năm 2023, Lê Oanh (30 tuổi) phải dẹp một cửa hàng tự mở vì thua lỗ. Trong lúc đang chán nản vì không biết bắt đầu lại như thế nào, Oanh đọc được một bài viết trên Facebook của một người bạn cũ, trong đó viết: Những ai có số 7 trong chỉ số đường đời mà không học tập để phát triển thì phải trả giá đắt. 

Theo thần số học, Oanh cũng có số 7 trong chỉ số đường đời. Bài viết như chạm đến tâm can Oanh ở thời điểm đó nên chị quyết định kết nối và nói chuyện thêm với người bạn về cách làm thế sao để có được thành công.

"Lúc đó tôi rất chán nản. Tôi vừa thất bại, mất tiền tỷ trong kinh doanh mà thấy một bài viết như nói hết cuộc đời của mình vậy, không thể không tò mò được. Tôi thực sự muốn biết bản thân phù hợp với ngành nghề nào", Oanh nhớ lại.  

Lò đào tạo huấn luyện viên kỹ năng - 1

Life coach mà một trong những nghề phát triển nhanh nhất tại một số nước nhưng tại Việt Nam hiện chưa có cơ quan nào quản lý và cấp phép hành nghề huấn luyện viên kỹ năng (Ảnh: TCI).

Tuy nhiên, khi kết nối với người bạn cũ, Oanh không được phân tích tính cách để xem mình phù hợp với công việc như thế nào, mà được bán cho một "bản đồ sao" với giá 3 triệu đồng, sau đó được hướng dẫn đến với công ty mà người bạn này đang làm việc.

Chị cho biết: "Nó rất khác với mình nghĩ, nhưng lúc đó mình cũng không có việc gì làm nên mình cứ tìm hiểu tiếp thôi, vì biết đâu đó lại là cơ hội công việc mới của mình".

Từ 3 triệu đồng đầu tiên mua bản đồ sao, Oanh được hướng dẫn tham gia các khóa học ở nhiều cấp độ để trở thành một "life coach" (huấn luyện viên kỹ năng) chuyên nghiệp.

Chị giải thích: "Tham gia vào bộ môn này sẽ có những mốc mục tiêu: Mốc 25 triệu, 50 triệu, 100 triệu, 200 triệu, 300 triệu và 400 triệu đồng. Tôi đóng 25 triệu thì được tham gia các khóa đào tạo phát triển bản thân kèm theo 30 bản đồ sao để đi luận giải cho người khác. 50 triệu thì được 100 bản đồ. Con số cứ tăng dần lên nếu thêm tiền". 

Không dừng lại ở đó, để trở thành huấn luyện viên và kiếm lại để bù khoản tiền đã đóng, những học viên như Oanh phải tuyển thêm được nhiều học viên của riêng mình, hay còn được cộng đồng gọi là "elite", hiểu nôm na là những người ưu tú, tinh hoa. Những "elite" tiếp tục mua bản đồ, khóa học và đóng các gói đào tạo y như người đi trước, rồi chính họ cũng dần trở thành một life coaching. 

Chỉ một tháng sau khi được luận giải bản đồ sao, Oanh đóng cho công ty gói 400 triệu đồng. Trong vòng 6 tháng hoạt động trong tổ chức này, cô tuyển được 4 elite. Qua quá trình đào tạo và dẫn dắt, 4 elite này đóng lại cho Oanh mỗi người 400 triệu. Như vậy, Oanh sẽ kiếm về được 1,6 tỷ đồng nếu như mọi việc thuận lợi. 

Oanh chia sẻ, khi mua các khóa học, Oanh được các chuyên gia hướng dẫn cách kiếm nhiều "elite" cho mình.

Oanh nhắc lại: "Hiện tại, lượng khách hàng chủ chốt của các công ty đào tạo này là những bà mẹ đơn thân, có khó khăn về tài chính. Thứ 2 là những người mới ly hôn. Thứ 3 là những người có tiền nhưng không biết đầu tư vào đâu, họ mông lung, không hiểu nổi bản thân, bị mất kết nối, không có nhiều bạn bè, không có ai hiểu mình… Đại loại đó là những người có khủng hoảng, có vấn đề về tâm lý lại không có hướng tháo gỡ, nơi để trút tâm sự. Đi hội thảo, tôi được nhiều giám đốc cấp cao hướng dẫn cách đánh vào điểm yếu của một người". 

Oanh đã kiếm được 4 elite theo cách đó. 

"Bánh vẽ" lợi nhuận và chiêu móc tiền người thân

6 tháng sau khi tham gia cộng đồng đào tạo life coach, Oanh bỏ cuộc vì cảm thấy cắn rứt lương tâm. Ở thời điểm đầu, khi quyết tâm trở thành một huấn luyện viên kỹ năng, cô từng nghĩ có thể giúp đỡ được nhiều người đang mông lung trong cuộc sống tìm được hướng đi mới. Tuy nhiên, sau 6 tháng, cô nhận ra mọi bài giảng và định hướng từ cấp trên đều là chiêu "cá kiếm".

"Có một elite dưới tôi rất muốn tham gia cộng đồng, nhưng thời điểm đó gia đình người này thực sự rất khó khăn. Cấp trên của tôi không quan tâm việc đó, chỉ thúc giục thuyết phục elite đó đóng đủ 400 triệu đồng để được cấp một chức danh cao hơn. Nhưng tôi thấy như vậy ác quá nên đã khuyên bạn nên dừng lại", Oanh nói.

Mệt mỏi với việc phải học, luyện nhiều chiêu trò để móc hàng trăm triệu đồng của người khác mà những thứ để truyền dạy không có gì đáng kể, Oanh bỏ ngang trước cơ hội thăng cấp lên "giám đốc kinh doanh", theo lời cấp trên của chị, nếu chị chốt được thêm 400 triệu nữa. 

Lò đào tạo huấn luyện viên kỹ năng - 2

Lên các cấp bậc quản lý cao hơn bằng cách thu hút thành viên mới "đầu quân, góp gạo" là mô hình hoạt động đa cấp của hầu hết các công ty đào tạo huấn luyện viên kỹ năng (Ảnh minh họa: NLĐ).

Tương tự Oanh, Thanh Vân (35 tuổi) ở Hà Nội cũng tham gia cộng đồng đào tạo life coach này những tháng cuối năm 2023. Ban đầu Vân nghĩ đây có thể là cơ hội nghề nghiệp, một công việc mới, nên mạnh tay chi 500 triệu đồng. Chi khoản tiền lớn, cô hy vọng có thể học hỏi những thứ giá trị cho sự nghiệp. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng tham gia, Vân nhận ra lợi nhuận chỉ có thể có được khi lôi kéo được nhiều người tham gia. 

"Người ta cho tôi nhiều "bánh vẽ" với lợi nhuận rất khủng. Lời hứa hẹn hấp dẫn khiến tôi quyết định xuống tiền rất nhanh. Nhưng khi tìm kiếm khách hàng khác, cũng giống như bán bảo hiểm, nếu không phải là người thân, bạn bè thì ai tin, ai muốn. Tôi thực sự không muốn làm liên lụy người quen thân", Vân chia sẻ lý do chấp nhận mất trắng 500 triệu đồng và xem đó là học phí cho bài học, thử thách về lòng tham. 

Bản chất nghề life coach

Life coach hay còn gọi là huấn luyện viên cuộc sống/huấn luyện viên kỹ năng chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần, đưa ra lời khuyên về cách cải thiện bản thân cho khách hàng. Theo định nghĩa của ICF, một trong những tổ chức hoạt động sớm nhất trong lĩnh vực này, life coaching là hợp tác với khách hàng để kích thích tư duy sáng tạo, kết hợp truyền cảm hứng nhằm giúp họ phát huy tối đa tiềm năng cá nhân và nghề nghiệp của mình. 

Theo ICF, chi phí trung bình cho một buổi gặp là khoảng 130USD, tức hơn 3 triệu đồng, mức cao nhất có thể lên đến 1.000USD, tương đương khoảng 24 triệu đồng. 

Nguyễn Huyền (24 tuổi, ngụ tại TPHCM, từng làm trợ lý cho một giám đốc trong công ty đào tạo life coach) cho biết, ngay cả người tự xưng là huấn luyện viên kỹ năng chuyên nghiệp cũng không có bằng cấp và chuyên môn nào, cả về tâm lý và quản lý doanh nghiệp mà "chỉ thấy mùi đa cấp".

Theo Liên đoàn Tư vấn cuộc sống quốc tế, giá trị của ngành này đã chạm mức 4,5 tỷ USD trong năm 2022. Số lượng huấn luyện viên trực thuộc liên đoàn cũng tăng 54% từ năm 2019 đến 2022. 

Life coach trở thành một trong những nghề phát triển nhanh nhất tại Mỹ. Nhưng thực tế, không có giấy tờ đảm bảo hay cơ quan quản lý nào xác định đâu là một huấn luyện viên uy tín. Chỉ cần thuyết phục được khách hàng, mỗi người đều có thể trở thành một life coach và kiếm tiền từ dịch vụ này. 

Những lùm xùm và tranh cãi về chất lượng chương trình life coach không chỉ xuất hiện mới đây ở Việt Nam. Tại Úc, một trong những tổ chức life coach có tiếng là The Coaching Institute (TCI) ra đời năm 2004. Dù đã tiếp cận được học viên từ trên 100 quốc gia, tổ chức này vẫn nhận không ít phàn nàn từ cộng đồng. 

Năm 2016, nhiều học viên cũ cáo buộc người sáng lập tổ chức này ép họ đăng ký khóa học và vẫn thu phí học viên sau khi họ đổi ý không học nữa. Từ năm 2011 đến 2015, Cơ quan chất lượng kỹ năng Úc - đơn vị quản lý giáo dục và đào tạo nghề của nước này - cũng nhận được 40 khiếu nại về TCI. Trong cùng thời gian đó, 11 vụ kiện chống lại TCI được đưa ra Tòa án hành chính và dân sự bang Victoria. 

Nhiều học viên đã phản hồi rằng họ bị ép mua khóa học trong một môi trường kích động giống như tham gia giáo phái và thao túng cảm xúc, lợi dụng những người nghèo và dễ bị tổn thương. 

Tại Việt Nam hiện chưa có cơ quan nào quản lý và cấp phép hành nghề huấn luyện viên kỹ năng. 

Hằng Nguyễn