Gia Lai:

Liều nhổ chanh dây trồng dâu tây, nhà vườn bất ngờ nườm nượp khách

Phạm Hoàng Nay Săt

(Dân trí) - Bỏ nghề trồng chanh dây đã dày dạn kinh nghiệm, nữ chủ nhân nhà vườn ở Gia Lai liều đầu tư hàng trăm triệu đồng thử nghiệm trồng dâu tây, không ngờ hút khách nườm nượp.

Ba năm trước, chị Trần Thị Kim Loan (sinh năm 1981, ở xã Ia Bang, huyện Đak Đoa, Gia Lai) rầu rĩ nhìn vườn chanh dây liên tục mất mùa. Suy nghĩ mãi, chị Loan quyết định... liều, đổ hàng trăm triệu đồng để chuyển đổi mảnh đất trồng chanh dây thành vườn dâu tây Nhật Bản.

Liều nhổ chanh dây trồng dâu tây, nhà vườn bất ngờ nườm nượp khách - 1

Người phụ nữ 8X liều đổ hàng trăm triệu đồng để trồng dâu tây trên vùng đất cằn.

Theo chị Loan, khi còn ở TP Pleiku (Gia Lai), chị đã tự học hỏi và nghiên cứu cách trồng dâu tây qua mạng Internet. Lúc đó, chị Loan chỉ trồng 20 chậu dâu tây thử nghiệm. Sau vài tháng, dâu tây phát triển và cho quả tương đối.

"Khi thấy tôi đầu tư hàng trăm triệu đồng để thử trồng dâu tây, nhiều người can ngăn. Nhưng tôi và chồng đã tìm hiểu kỹ thuật, trồng thử nghiệm thành công dâu tây chậu, cũng như tìm đầu ra cho nông sản, nếu trồng thành công thì cứ thế mà làm", chị Loan chia sẻ.

Liều nhổ chanh dây trồng dâu tây, nhà vườn bất ngờ nườm nượp khách - 2

Giống dâu tây Hana (Nhật Bản) rất ngọt, dù được trồng trên vùng đất nắng nóng, sức chịu hạn cao.

Đến năm 2019, chị Loan quyết định khăn gói ra Bắc, lên Lạng Sơn để mua giống cây dâu Hana (Nhật Bản) đưa về trồng tại Gia Lai. Ngoài những kiến thức tự học, hướng dẫn của bên cung cấp giống, chị Loan còn tới tham quan các vườn dâu tây khác được trồng ở tỉnh mình nhằm bổ trợ thêm kiến thức hành trang cho việc khởi nghiệp.

Ban đầu, gia đình chị trồng thử dâu tây với diện tích 2.000 m2. Tuy đã có kinh nghiệm trồng dâu trong chậu tương đối hiệu quả nhưng khi trồng với số lượng lớn ngoài vườn thì, chị Loan gặp không ít khó khăn.

Liều nhổ chanh dây trồng dâu tây, nhà vườn bất ngờ nườm nượp khách - 3

Mỗi ngày, chị Loan xuất đi hàng chục ký dâu tây, thu về hàng triệu đồng.

Dâu tây giống ở vườn chị lúc đầu chết đến 1/3 diện tích vì cây không phù hợp thời tiết nắng nóng và sâu bệnh hại. Không bỏ cuộc, chị vừa trồng thử nghiệm vừa kiên trì học hỏi cách chăm sóc cây dâu tây qua các chủ vườn dâu khác.

Sau đó, chị đã mạnh dạn đầu tư nhà lồng, hệ thống tưới phun sương để đảm bảo dâu luôn có được nhiệt độ thích hợp để sinh trưởng. Bên cạnh đó, chị còn mua dung dịch thảo mộc tự nhiên về sử dụng để tránh sâu bệnh cho cây.  

Liều nhổ chanh dây trồng dâu tây, nhà vườn bất ngờ nườm nượp khách - 4

Chị Loan thuê lao động tại địa phương để chăm sóc, tỉa lá, thu hái và tạo cảnh quan du lịch cho vườn dâu tây.

"Dâu tây hợp với khí hậu lạnh và khô, khác hẳn với khí hậu của Gia Lai. Tuy nhiên sau nhiều lần trồng thử nghiệm, tôi đã tích lũy được kỹ thuật chăm sóc. Ban đầu, khi cây phát triển về thân lá, cần tăng phân đạm lên. Còn khi cây ra hoa thì điều chỉnh chế độ chăm sóc, tăng phân lân. Khi ra quả thì hàm lượng Kali cần cao hơn một chút, cân đối thành phần đa lượng. Bên cạnh đó, tôi đã cung cấp lượng nước nhiều hơn so với trước", chị Loan cho biết.

Sau nhiều tháng trồng, vườn dâu tây của chị đã phát triển đẹp và cho trái đều. Chị Loan tiếp tục mở rộng diện tích lên 8.000 m2. Chị cho biết, dâu tại vườn được chăm sóc theo hướng hữu cơ. Để cây sinh trưởng tốt, chị thường dùng dung dịch thảo mộc tự nhiên để bón cho cây và bón thêm phân hữu cơ 6 lần/tháng.

Quy trình chăm bón dâu đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công, từ khâu nhổ cỏ cho đến chăm sóc, cắt tỉa lá và thu hoạch. Hệ thống nước tưới được đầu tư bán tự động, thuận tiện cho việc trồng, chăm sóc cây cũng như an toàn cho hoạt động trải nghiệm của du khách. 

Liều nhổ chanh dây trồng dâu tây, nhà vườn bất ngờ nườm nượp khách - 5

Vườn dâu tây còn là một điểm du lịch cho du khách trong tỉnh. Đặc biệt, nhiều gia đình có trẻ nhỏ đã chọn đây là điểm vui chơi trong những ngày nghỉ Tết sớm.

Hiện tại, mỗi ngày chị Loan xuất bán từ 20-30 kg dâu tây Nhật ngọt với giá thành 200.000-400.000 đồng/kg (tùy vào kích cỡ quả). Khi đến với khu vườn của chị Loan, khách hàng sẽ lựa hái những quả ưng ý rồi đem đi cân, tính tiền số dâu tự tay thu hoạch đó.

Phần lớn khách hàng của chị Loan là những cửa hàng rau sạch ở trong tỉnh. Ngoài ra, chị còn bán cho những khách hàng thân quen trong và ngoài tỉnh. Giống dâu Nhật ngọt này chỉ thu hoạch từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau.

Vườn dâu tây hút khách dịp Tết ở phố núi

Không chỉ bán quả, chị Loan còn ươm giống dâu để bán. Cứ mỗi năm vào vụ trồng dâu tây, chị xuất bán hàng nghìn cây. Tùy loại cây sẽ có giá khác nhau, cây lớn, bắt đầu cho trái là 25.000-30.000 đồng/cây. Theo đó, mỗi năm vườn dâu của chị thu về hơn 200 triệu đồng.

Liều nhổ chanh dây trồng dâu tây, nhà vườn bất ngờ nườm nượp khách - 6

Chị Loan đang mong muốn tiếp tục mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Đặc biệt, chị Loan thường xuyên đăng thông tin vườn dâu lên các trang mạng xã hội. Từ đó, lượng khách tới tham quan, hái mua ngày càng đông. Trung bình một ngày bình thường, vườn dâu đón từ 30-50 lượt khách tham quan.

Riêng trong dịp Tết, chị Loan phải đón tiếp hàng nghìn du khách tới trải nghiệm và check in vườn dâu. Cứ như vậy, mỗi dịp Tết, chị lãi gần trăm triệu đồng từ tiền dâu khách mua về.

Liều nhổ chanh dây trồng dâu tây, nhà vườn bất ngờ nườm nượp khách - 7

Ngày cận Tết, chị Loan phải đón hơn 50 du khách tới tham quan và hái mua.

Chuẩn bị đón khách dịp Tết nguyên đán năm nay, chị Loan đang tất bật thuê 3 nhân công tại địa phương để chăm sóc, tỉa lá, thu hái và tạo cảnh quan du lịch cho khu vườn. Nhằm tạo ra một khu du lịch trải nghiệm tốt nhất.  Hứa hẹn sẽ là điểm tham quan, thu hút nhiều lượt khách tìm kiếm, ghé thăm vào dịp xuân 2022.