Liên kết đào tạo nguồn lao động chất lượng cao tại tỉnh Long An
(Dân trí) - Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Long An đang triển khai nhiều chương trình liên kết để đưa lao động ra nước ngoài làm việc, trải nghiệm và học hỏi rồi trở về đóng góp cho quê hương.
Chiều 30/10, tại TPHCM, Sở Lao động - Thương Binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Long An cùng công ty TNHH Esuhai tổ chức hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua chương trình phái cử người lao động tỉnh Long An đi làm việc có thời hạn ở Nhật Bản, trở về phát triển quê hương”.
Hội nghị có sự tham gia của đoàn đại biểu, trong đó có bà Nguyễn Thị Hoài Thu - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Hồng Mai - Giám đốc sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An cùng nhiều đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Đồng thời, tỉnh Long An cũng xác định 1 trong 3 chương trình đột phá là chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh.
Bà Mai cũng cho biết, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh triển khai một số công việc, trước hết là tổ chức hội nghị triển khai đề án cũng như ký kết thỏa thuận, liên kết với tỉnh Ibaraki (Nhật).
Đồng thời cũng thực hiện tuyên truyền triển khai thực hiện các đề án, chỉ đạo một số đơn vị trực thuộc Sở như trường Cao đẳng Long An, Trung tâm Dịch vụ việc làm tham gia thực hiện đề án.
Bày tỏ quan điểm tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Lanh, Trợ lý giám đốc Công ty Esuhai nhận định, nguồn nhân lực tại Long An nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung tuy dồi dào nhưng thiếu nguồn nhân lực có kinh nghiệm quản lý, nguồn lực nắm kỹ thuật công nghệ then chốt, nguồn lực có tay nghề kỹ thuật cao, nguồn lực có tác phong công nghiệp.
Đặc biệt là rất thiếu nguồn nhân lực giỏi ngoại ngữ, có năng lực kết nối đầu tư, thương mại nước ngoài.
Cùng với đó, doanh nghiệp trong khu vực phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ nên có ít nhu cầu tuyển dụng, không đủ để hấp thụ nguồn nhân lực. Điều này đã làm người lao động phải lên các thành phố lớn hoặc đi các tỉnh khác để làm những công việc giản đơn, thu nhập không cao.
Khi về già, nguồn lao động này không còn đủ sức khỏe, họ sẽ bị đào thải ra khỏi thị trường lao động và trở thành gánh nặng cho gia đình, địa phương và xã hội.
Thậm chí, với những lao động đi làm việc tại Nhật Bản thì hầu hết cũng đặt mục tiêu đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền. Họ có tâm lý chỉ muốn đi nhanh, không chịu học. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến người lao động khi xuất cảnh sang Nhật gặp rất nhiều khó khăn vì không được đào tạo đầy đủ về chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng làm việc.
Được biết, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh Long An có khoảng 30% học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không thi vào Đại học, Cao đẳng. Họ sớm tham gia vào thị trường lao động phổ thông mà không được đào tạo chuyên môn, đồng thời thiếu các định hướng phát triển sự nghiệp lâu dài.
Cùng với đó, mỗi năm trên địa bàn có khoảng 1.300 bộ đội xuất ngũ trở về địa phương. Đây là nguồn lao động dồi dào nhưng chưa được khai thác đúng cách.
Để giải quyết tình hình trên, Long An đã triển khai các chương trình liên kết với các đơn vị đào tạo nhân lực uy tín ở TPHCM nhằm đẩy mạnh công tác đưa lao động địa phương đến Nhật làm việc, trải nghiệm và học hỏi rồi trở về đóng góp cho quê hương.
Theo các chương trình này, nhà trường, nhà nước và doanh nghiệp liên kết thành một mô hình đào tạo gắn kết. Trong đó, người lao động Long An sẽ được đào tạo chuyên môn, tiếng Nhật, kỹ năng làm việc và định hướng phát triển lâu dài… nhằm hướng tới mục tiêu phát triển sự nghiệp khi về nước chứ không chỉ dừng lại ở mục đích xuất khẩu lao động.
Trao đổi cùng đoàn đại biểu, chị Nguyễn Kim Thoại chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất của các bạn thực tập sinh là vấn đề tài chính. Khi đậu phỏng vấn thì có thể mang giấy trúng tuyển đến ngân hàng vay vốn. Tuy nhiên, có nhiều bạn gặp khó khăn từ khâu đóng phí nhập học trước khi phỏng vấn. Vì thế, tôi mong muốn nhà nước có thể xem xét hỗ trợ cho vay lãi suất thấp ngay từ đầu để hỗ trợ các bạn tham gia chương trình”.