“Lật kèo”... tiền lương
Một số doanh nghiệp “hét” mức lương cao để hút lao động nhưng sau đó lại viện đủ lý do để hạ lương nhân viên
Đại diện cơ quan chức năng huyện Hóc Môn, TP HCM đang giải quyết một vụ tranh chấp do doanh nghiệp không trả lương theo cam kết Ảnh: MAI CHI
“Theo thỏa thuận khi nhận việc, mức lương của tôi là 8,5 triệu đồng/tháng, công ty không đề cập đến vấn đề thử việc 2 tháng. Sau đó, công ty tự ý hạ mức lương còn 6,5 triệu đồng/tháng nhưng thực tế tôi chỉ được nhận 80% của 6,5 triệu đồng...” - ông P.T.N, nhân viên Công ty T.V (quận 1, TP HCM), bức xúc phản ánh với Báo Người Lao Động.Nói một đằng, làm một nẻo
Ông N. vào làm việc tại Công ty T.V từ ngày 20-10-2014 với chức danh trợ lý, phụ trách phiên dịch tiếng Anh, tiếng Hoa và hỗ trợ phiên dịch tiếng Nhật. Theo thỏa thuận miệng với tổng giám đốc thì lương của ông là 8,5 triệu đồng/tháng. Đến hết tháng 10-2014, vì làm việc chưa đủ tháng nên ông N. chỉ được tạm ứng 3 triệu đồng tiền lương.
Đến tháng 11-2014, ông chỉ được nhận 5,2 triệu đồng. Đã vậy, công ty còn trừ hơn 800.000 đồng vì cho rằng 11 ngày công tháng 10-2014 chỉ được 2 triệu đồng nhưng ông N. đã tạm ứng vượt 1 triệu đồng nên phải trừ lại (!).
Thấy công ty trả lương quá thấp và không đúng thỏa thuận ban đầu, ông N. đến gặp giám đốc chi nhánh để hỏi thì mới biết mức lương chính thức công ty trả cho ông chỉ là 6,5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, công ty chỉ trả 80% mức lương cho ông là vì ông đang trong thời gian thử việc.
“Khi phỏng vấn tuyển dụng, ông tổng giám đốc đề nghị tôi đề xuất mức lương và nói rõ nếu mức lương ấy công ty chấp nhận được thì hai bên sẽ hợp tác. Do vậy, khi công ty gọi tôi đi làm, chứng tỏ họ đã đồng ý với mức lương 8,5 triệu đồng mà tôi yêu cầu. Và khi thỏa thuận nhận việc, công ty cũng không hề nhắc đến vấn đề thử việc. Vì vậy, công ty phải trả lương cho tôi là 8,5 triệu đồng/tháng mới đúng” - ông N. phân tích.
Trước lý lẽ của ông N., ông H.V.T, tổng giám đốc công ty, thừa nhận ban đầu 2 bên thỏa thuận mức lương là 8,5 triệu đồng nhưng sau đó giám đốc chi nhánh đề nghị mức lương chỉ 6,5 triệu đồng/tháng. Dù ông N. không đồng tình nhưng công ty vẫn thực hiện. Riêng vấn đề thử việc, ông T. cho rằng: “Bất cứ chỗ nào cũng áp dụng thời gian thử việc trong tuyển dụng nên dù không nói rõ 2 tháng đầu là thử việc thì người lao động (NLĐ) cũng phải tự biết. Do vậy, công ty chỉ tính lại mức lương thử việc cho ông N. là 85% dựa trên mức lương 8,5 triệu đồng/tháng”.
Xin lỗi vì... quảng cáo nhầm (!)
Bộ Luật Lao động quy định “người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) có thể thỏa thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thỏa thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc”. Nghĩa là, luật không bắt buộc phải giao kết hợp đồng thử việc bằng văn bản, do đó cách làm phổ biến tại các doanh nghiệp hiện nay là giao kết “miệng”. Điều này dẫn đến việc NLĐ dễ bị lật lọng như trường hợp của anh P.M.T.
Tháng 8-2014, nghe quảng cáo tuyển dụng lái xe của Công ty TNHH S.C (quận Tân Bình, TP HCM) trên đài phát thanh với mức lương hấp dẫn, anh P.M.T đã nộp hồ sơ ứng tuyển. Sau 3 vòng phỏng vấn, anh được nhận vào thử việc. Sau hơn 2 tháng thử việc, anh mới được trả lương tháng đầu tiên. Tuy nhiên, trái với lời rao tuyển “mức lương từ 10-12 triệu đồng/tháng”, anh chỉ được trả lương công nhật 140.000 đồng/ngày.
Anh T. cho biết vì nghĩ công ty quảng cáo thế nào sẽ trả lương thế ấy nên khi phỏng vấn không thấy công ty đả động gì đến mức lương, anh cũng không tiện hỏi. Để xứng đáng với mức lương ấy, anh T. đã cố gắng làm việc không quản đêm ngày, thậm chí có ngày làm việc hơn 16 giờ nhưng không được chấm công, anh cũng không có ý kiến gì.
Anh T. kể: “Khi nhận lương tháng 9-2014, tôi thật sự sốc khi chỉ được 5,2 triệu đồng, chưa bằng một nửa như quảng cáo. Đã vậy, khi tôi thắc mắc, giám đốc còn nạt nộ “mới vô làm có cống hiến gì cho công ty mà đòi hỏi lương?”. Sau khi anh T. thông tin sự việc đến báo chí, ông N. - giám đốc công ty - chỉ xin lỗi anh T. vì “đã quảng cáo nhầm” và vẫn từ chối trả lương như quảng cáo.
Đây không phải là những trường hợp cá biệt. Lợi dụng NLĐ cần việc làm, không ít doanh nghiệp đã hứa hẹn này kia nhưng sau đó lật lọng với đủ mọi lý do. “Báo chí cần nêu thẳng tên công ty để NLĐ cảnh giác, không bị mắc lừa” - anh T. đề nghị.
Theo Báo Người Lao động