Lão sửa xe "khùng" và hơn 300 chiếc xe đạp tặng trẻ em nghèo
(Dân trí) - Mỗi ngày, anh Thái thu nhập khoảng 300.000 đồng từ tiệm sửa xe máy. Sau khi trừ tiền sinh hoạt, anh trích ra một khoản nhỏ để đi mua xe đạp cũ về sửa lại rồi mang tặng học sinh nghèo.
30 năm mưu sinh nơi đất khách
Chúng tôi đến tiệm sửa xe máy của anh Lê Văn Thái (quê huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) tại 276 Hồng Lạc, phường 11, quận Tân Bình, TPHCM, vào tầm 15h trong lúc anh Thái còn dở dang, bừa bộn công việc.
Căn nhà nhỏ này được anh thuê với giá 4 triệu đồng/tháng. Căn nhà được chia thành 2 phần, ở dưới dùng sửa xe, gác phía trên là nơi hai vợ chồng anh và các con sinh hoạt.
Anh Thái cho biết năm 1990 anh rời Quảng Ngải vào Sài Gòn lập nghiệp. Sau khi bôn ba đủ các nghề kiếm sống nhưng không thành công, anh bén duyên với nghề sửa xe đạp.
Lúc đầu, công việc này có thu nhập khá cao nhưng càng ngày xe đạp càng ít nên thu nhập của anh giảm hẳn. Năm 1996, anh Thái quyết tâm đi học thêm nghề sửa xe máy.
“Tôi nhờ ông anh có quen ai sửa xe máy giới thiệu cho tôi để tôi xin học nghề nhưng mà người ta đòi 3 chỉ vàng thì người ta mới dạy. Lúc đó tôi tay trắng tiền đâu mà học. Một người bạn của ông anh cũng làm sửa xe máy thương tôi nên cho tôi vừa học vừa làm, không lấy lương. Học xong tôi ở lại làm để trả công ơn người thầy đó một năm rồi mới ra ngoài vay tiền mở tiệm sửa xe đến giờ”, anh Thái tâm sự.
Năm 1997, anh Thái ra mở tiệm sửa xe riêng, cuộc sống gia đình từ đây cũng dần ổn định. Số tiền kiếm được vừa đủ để anh Thái trả chi phí mặt bằng và nuôi gia đình nhỏ.
"Nghề sửa xe máy này thì không có tiền lương ổn định như mấy nghề khác. Có ngày này ngày kia, ngày đắt khách sửa xe nhiều thì 200 - 300 ngàn/ngày. Cũng có những ngày không có đồng nào, nói chung thì tiền làm cả tháng cũng giúp được vợ con chợ búa, sinh hoạt", anh Thái chia sẻ.
Theo anh Thái, theo nghề sửa xe máy thì phải chấp nhận lấm lem vì lúc nào chân tay, quần áo cũng dính đầy dầu nhớt.
Nhiều khi thấy người khác ăn mặc đẹp, làm các công việc sang trọng anh Thái cũng chạnh lòng. Tuy vậy, theo anh mỗi người có một nghề nghiệp riêng và anh luôn tìm cách giúp người khác từ công việc của mình.
"Khi thành phố đến mùa mưa thì xe khách chỉ bị vô nước, người ta đến nhờ mình thì mình giúp thôi chứ mình cũng không lấy tiền công. Hoặc nếu chỉ bị lỗi đơn giản thì mình cũng sửa không công, không lấy tiền. Lúc đó, thấy họ vui là mình vui rồi", anh Thái kể lại.
Hơn 300 chiếc xe đạp đến tay trẻ em nghèo
Trong những năm đầu mới vào Sài Gòn, anh Thái chứng kiến nhiều hoàn cảnh gia đình ở cùng khu trọ có hoàn cảnh rất khó khăn. Anh tự nhủ với bản thân khi nào làm ăn khá hơn một chút thì sẽ tìm cách giúp đỡ những người nghèo khổ bằng chính công việc của mình.
Giữ đúng lời hứa đó, hơn 15 năm nay, anh tìm mua những chiếc xe đạp cũ giá rẻ mang về sửa chữa. Sau đó, anh Thái sơn cho mới lại để dành tặng cho những hoàn cảnh khó khăn nhất là học sinh nghèo, giúp các em có phương tiện đến trường.
Cứ khi nào dư giả được một chút anh lại tìm đi mua xe đạp cũ. Tranh thủ những lúc vắng khách, anh lại lôi xe đạp cũ ra sửa rồi tỉ mỉ sơn phết cho thành một chiếc xe mới.
“Thường nếu đông khách thì mình lấy là 50.000 - 100.000 đồng để dành, sau vào các vựa ve chai mua xe đạp cũ về sửa chữa cho các em đi học. Mình cứ tìm đến những xóm trọ nghèo, thấy em học sinh nào khó khăn thì mình tặng”, anh Thái chia sẻ.
Sau này, việc làm của anh Thái được nhiều người biết đến và ủng hộ. Hiện, chi hội Bình Phú Đông (thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM) đã đứng ra làm cầu nối để anh Thái đi tặng cho trẻ em nghèo trên địa bàn. Làm được bao nhiêu xe, anh Thái lại mang đến trụ sở chi hội để tập kết và nhờ chi hội tìm những hoàn cảnh phù hợp.
Những năm gần đây, mỗi năm anh Thái trao tặng khoảng 50 chiếc xe cho trẻ em nghèo. Ước tính anh đã trao tặng hơn 300 chiếc xe trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Những năm trước anh không nhớ chính xác nhưng mỗi năm cũng trên 30 chiếc được anh gửi đi. Năm nay, do thu nhập giảm nên anh mới chỉ tặng được hơn 10 chiếc xe.
“Nhiều người nói mình là gia đình thì thiếu thốn này kìa không lo cho gia đình mà lo chuyện bao đồng nhưng mà ai nói gì thì kệ người ta. Mình cảm thấy mình làm gì cho các em học sinh được thì mình làm thôi”, anh Thái tâm sự.
Anh Thái cũng cho biết, nhiều người cũng nói mình "khùng", mình "rảnh hơi" nhưng việc tặng xe là đam mê của anh. Đây cũng là hành động để anh thực hiện lời hứa khi bắt đầu vào Sài Gòn lập nghiệp.
"Tôi chỉ có một mong muốn là những em học sinh nhận được xe đạp của mình sẽ tiếp tục giúp đỡ những em học sinh khó khăn khác khi họ đã đủ điều kiện. Tôi mong công việc nhỏ bé của mình sẽ góp phần nào giúp đỡ cho những em nhỏ có được phương tiện đến trường thuận lợi hơn", anh Thái mong mỏi.