Lao động Việt tại nước ngoài lao đao vì Covid-19

Đại dịch Covid-19 khiến các nền kinh tế vốn là thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản gặp muôn vàn khó khăn…

Kéo theo đó, hàng triệu người lao động Việt tại các nước này đang phải chống chọi.

Thu nhập chỉ đủ “cầm cự” qua ngày

Chị Nguyễn Thu Hương đang là nhân viên tại Công ty Maru Ichi (thành phố Iwate, Nhật Bản ). Do dịch bệnh Covid-19, chị Hương không được làm thêm, thậm chí có những ngày, chị làm việc chưa đủ 8 giờ. Mức lương của chị giảm đi một nửa so với trước đây khiến cuộc sống của chị gặp muôn vàn khó khăn.

Chị Hương chia sẻ: “Đến thời điểm này, công ty mình bị ảnh hưởng quá lớn sau nhiều tháng cầm sự. Mức lương cũng chỉ bằng một nửa trước đây. Mình may mắn được chính phủ Nhật Bản hỗ trợ hồi tháng 6 và mỗi tháng được công ty hỗ trợ thêm khoảng 30% lương cơ bản nên cuộc sống vẫn có thể trang trải được!”.

Lao động Việt tại nước ngoài lao đao vì Covid-19 - 1
Tại Nhật, chị Hương phải mua nhiều đồ ăn dự trữ cho cả tháng để hạn chế nhất có thể việc phải ra ngoài đi siêu thị, tiếp xúc đông người

Đó cũng là cảnh ngộ chung của một bộ phận lớn người lao động Việt tại nước ngoài trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành khắp các quốc gia và tàn phá mọi nền kinh tế.

Chị Ngọc Lan cùng chồng là anh Duy Bằng (Hải Dương) vừa đi xuất khẩu lao động sang thành phố Tân Bắc, Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) hồi tháng 2. Hai vợ chồng chị làm việc trong một công ty thực phẩm tại Đài Loan.

Dịch bệnh đến, doanh thu các cửa hàng bán lẻ của công ty giảm dần. Lượng công việc của anh chị cũng theo đó mà sụt giảm đáng kể. Không còn những giờ tăng ca để kiếm thêm thu nhập, thậm chí còn phải nghỉ nhiều ngày không lương.

Chị Lan tâm sự: “Thời điểm mình sang Đài Loan, dịch bệnh chưa có gì đáng lo ngại và không căng thẳng như bây giờ nên mình không đắn đo hay phân vân gì nhiều, chỉ mong sớm được sang để đoàn tụ với chồng và làm ăn ổn định. Vậy mà chỉ khoảng 1 tháng sau đó, dịch bệnh căng thẳng và kéo dài tới tận bây giờ.

Công việc, cuộc sống đều bị ảnh hưởng nặng nề. Hai vợ chồng mình đang tìm một công ty mới với một công việc khả quan hơn nhưng thực sự khó khăn như “tìm kim đáy bể” vì mình không có kinh nghiệm lại không biết tiếng, rồi phải mất thêm một khoản phí khá lớn và thủ tục rất phức tạp”.

Không chỉ khó khăn vì thu nhập sụt giảm, những người mới xuất khẩu lao động chưa được bao lâu như chị Hương, chị Lan, anh Bằng còn gặp rào cản lớn về ngôn ngữ và tiếp cận thông tin. Họ chỉ ít nhiều biết sử dụng tiếng Nhật, tiếng Trung để giao tiếp hằng ngày, còn để đọc và tìm hiểu thông tin về tình hình dịch bệnh thực sự khó khăn.

“Không biết chữ của họ nhiều, xem tivi, đọc báo, nghe đài cũng không hiểu nên chỉ biết nghe tình hình dịch bệnh từ mấy người xung quanh thôi. Khi thoảng lướt Facebook thấy có những bài mọi người chia sẻ thì mình vào đọc, may chăng tìm kiếm được nhiều thông tin hơn.

Công ty họ nhắc phòng chống dịch thì mình tự biết thực hiện các biện pháp để giữ an toàn cho bản thân. Cũng may mắn là ở Đài Loan, người dân rất có ý thức phòng chống dịch bệnh như ở Việt Nam vậy”, chị Lan tâm sự thêm

Làm công việc lắp ráp, thi công các loại máy cho các công trình, anh Phạm Duy Nhanh, nhân viên tại công ty Ajtechku (thành phố Miyajaki, Nhật Bản) cho biết dịch bệnh không ảnh hưởng nhiều đến khối lượng công việc nhưng cũng vì thế mà rất nguy hiểm.

“Bởi vì đặc thù công việc là phải đi các công trình xa xôi, có khi đến cả tâm dịch để làm việc, việc đảm bảo an toàn cho bản thân khó khăn hơn bao giờ hết. Hơn nữa, nhiều người thường không đeo khẩu trang. Sống cùng nhà với họ nên mình phòng tránh mà họ không phòng thì nguy cơ nhiễm bệnh vẫn rất cao. Điều này làm mình lo sợ hơn cả mất việc làm vì nếu chẳng may mắc bệnh thì không biết sẽ ra sao”, anh Nhanh chia sẻ.

Lao động Việt tại nước ngoài lao đao vì Covid-19 - 2
Anh Nhanh mặc trang phục bảo hộ từ trên xuống dưới, tuy bí bách nhưng không mặc thì có thể sẽ bị nhiễm bệnh
Mong chờ vào tương lai

Dịch bệnh kéo dài, các chuyến bay chưa thể cất cánh, hi vọng trở về của những người lao động Việt tại nước ngoài càng thêm mong manh.

Chị Thu Hương tâm sự: “Dù công việc có bị cắt giảm hay mất việc thì mình cũng chẳng thể về nhà vào lúc này. Các chuyến bay cứ hủy từ tháng này tới tháng khác, cơ hội về nhà gần như bằng không. Thậm chí, có rất nhiều người khác đã hết thời hạn làm việc từ vài tháng trước mà vẫn không thể trở về với gia đình.

Mình cũng như bao người lao động khác ở đây chỉ có thể làm hết sức để vượt qua giai đoạn này, dựa vào các chính sách trợ cấp của chính phủ Nhật Bản để trang trải, mong chờ dịch bệnh sớm qua để cuộc sống lại trở lại bình thưởng như những ngày đầu năm”.

Không có chuyến bay có lẽ không phải là lí do duy nhất khiến họ không thể trở về. Với vợ chồng chị Lan, anh Bằng, còn rất nhiều yếu tố khác khiến sự trở về ở thời điểm này dường như là không thể.

Anh Bằng chia sẻ: “Sang đây vừa được vài tháng, gia đình phải vay một khoản tiền để chi trả lệ phí, chưa làm được bao lâu lại gặp phải dịch bệnh, cuộc sống vợ chồng mình chưa ổn định được ngày nào.

Tha hương vốn là để cầu thực, bây giờ trở về, mọi thứ lại quay về con số cũ, thậm chí thời gian, công sức, tiền bạc đều đổ xuống sông bể.

Cách duy nhất là cố gắng không ngừng nghỉ và tin vào một ngày không còn bóng dáng của dịch bệnh tồn tại nơi đây, công việc lại nhiều và thu nhập ổn định. Đó sẽ là ngày hạnh phúc cho vợ chồng mình trở về nhà…”.

Theo Phạm Tuyết
Báo Tuổi trẻ Thủ đô