1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lao động Việt tại Nhật thấp thỏm khi đồng yên vừa lên giá lại quay đầu

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Hay tin đồng yên "nhích" từng chút trên đà lên giá, lao động Việt tại Nhật Bản chưa kịp mừng thì tỷ giá đồng tiền nay lại quay đầu giảm mạnh. Người lao động vẫn trong cảnh khó vì lương quy đổi giảm.

Ngưng gửi tiền về để chờ đồng yên khôi phục 

Hôm trước, anh Nguyễn Quang Sáng (33 tuổi, quê tại Quảng Bình) nghe tin đồng yên tăng giá nhẹ. Phấn khởi, hi vọng tình hình tiếp tục thay đổi tích cực nhưng tính ra, anh thấy mức tăng giá "chẳng thấm vào đâu".

Không được bao lâu, vài ngày sau, đồng tiền Nhật lại quay đầu, tỷ giá giảm. Người có kinh nghiệm thì nói anh Sáng, không đặt quá nhiều hi vọng vào việc đồng Yen sớm khôi phục giá trị vì dễ nhận về sự thất vọng.

Lao động Việt tại Nhật thấp thỏm khi đồng yên vừa lên giá lại quay đầu - 1

Lao động Việt thấp thỏm khi giá trị đồng yên chưa khôi phục như trước (Ảnh minh họa).

Anh Sáng sang Nhật vào tháng 1/2021, làm việc tại một xưởng làm bánh kẹo. Với mức lương tính theo giờ, anh Sáng phải làm việc đều đặn 8 giờ/ngày để đổi lấy thu nhập 12-13,5 man/tháng (khoảng 19,7-22,1 triệu đồng).

Sáng 11/9, đồng yên có lúc tăng 0,8% so với USD, lên 146,6 yên đổi 1 USD. Trong nước, tỷ giá đồng yên tăng tại 7 ngân hàng đối với chiều mua và tăng tại 4 ngân hàng ở chiều bán ra. Tuy nhiên, đến sáng 16/9, tỷ giá đồng yên được điều chỉnh giảm đồng loạt ở cả hai chiều mua tại hầu hết các ngân hàng. Trước đây, vào thời điểm đầu năm 2021, 103 yên có thể đổi được 1 USD, nay thì 147 yên mới đổi được 1 USD.

Từ khi đồng yên sụt giảm, thu nhập và số tiền anh Sáng gửi về quê cho bố mẹ cũng "hẻo" theo. Trước đây khi vừa sang Nhật, cứ 20 man gửi về, sau khi trừ các chi phí, gia đình anh nhận được khoảng 38-43 triệu đồng. Giờ đây, mức tiền thực tế người thân của anh nhận đã giảm xuống còn 32-34 triệu đồng.

"Dù chính phủ Nhật đã hỗ trợ và kích hoạt nhiều gói dịch vụ giúp cuộc sống người nước ngoài tốt hơn, nhưng mọi thứ vẫn còn khó khăn. Vật giá leo thang, thu nhập lại giảm khiến người lao động ngoại nhập chúng tôi bị ảnh hưởng nhiều", anh Sáng nói.

Về chi phí sinh hoạt, nếu trước đây chỉ cần chi 2-4 man (khoảng 3,2-6,5 triệu đồng) mỗi tháng thì nay anh Sang phải tiêu tốn 3-5 man (khoảng 4,9-8,2 triệu đồng).

Theo anh Sáng, tình trạng này đã diễn ra từ cuối năm 2022.

1 năm trở lại đây, anh và nhiều lao động đã quyết định ngưng gửi tiền về, chờ ngày giá trị đồng tiền Nhật khôi phục cho đỡ thiệt.

"Một số người tôi quen biết đã giữ tiền 2 năm rồi chưa gửi về cho gia đình vì đồng tiền mất giá. Những ai khó khăn lắm mới cắn răng, bấm bụng gửi về", anh Sáng kể.

Lao động Việt tại Nhật thấp thỏm khi đồng yên vừa lên giá lại quay đầu - 2

Do biến động của đồng tiền Nhật, số tiền lao động Việt gửi về quê thời gian qua giảm hẳn (Ảnh: Trung tâm lao động ngoài nước).

Anh Sang cũng đã dự tính nếu tình hình không khả quan hơn, anh sẽ rời Nhật để sang các nước khác như Úc, Canada, New Zealand làm việc.

Gác giấc mộng đổi đời ở Nhật

Tương tự, anh Nguyễn Gia Quân (27 tuổi, quê tại Hà Nội) đã sang Nhật sinh sống và làm việc được hơn 5 năm. Là một kỹ sư, anh Quân cho biết, dù thu nhập khá cao so với mặt bằng chung nhưng anh vẫn phải chật vật mới có tiền gửi về quê trong bối cảnh đồng yên mất giá.

"Thu nhập của tôi giảm hơn 10 triệu đồng, từ trên 30 triệu đồng xuống còn 20 triệu đồng/tháng. Biến động tỷ giá, người Nhật không bị ảnh hưởng quá nhiều nhưng lao động Việt chúng tôi thì đau đầu lắm. Công ty bắt đầu sa thải nhân viên hoặc ít nhất là cắt giảm giờ làm, người lao động không được tăng ca như trước nữa", anh Quân nói.

Lao động Việt tại Nhật thấp thỏm khi đồng yên vừa lên giá lại quay đầu - 3

Dù đồng yên mất giá khiến người lao động lo lắng, Nhật Bản hiện vẫn là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất, với 41.139 người (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).

Với những lao động đi Nhật theo diện thực tập sinh, theo anh Quân, thách thức còn lớn hơn. 

Anh H.N. (30 tuổi) từng nhờ bố mẹ vay mượn 200 triệu đồng để đầu tư sang Nhật làm việc, mong sớm trả hết nợ, có tích cóp đáng kể trước khi về. Nhưng hiện số tiền H.N. làm ra mỗi tháng chỉ vừa đủ trả nợ chứ không thấy dư.

Trước tình hình giá lương thực, thực phẩm tăng cao, tiền điện tăng 40%, N. thấy rất áp lực.

Đồng yên rớt giá khiến thu nhập của N. tính ra tiền Việt giảm 7 triệu đồng, từ 29 triệu đồng xuống còn 22 triệu đồng/tháng. 

"Xa quê, cuộc sống áp lực, tôi đặt mục tiêu nỗ lực làm việc để kiếm tiền trả xong nợ, có chút vốn rồi về Việt Nam mở tiệm sửa chữa điện lạnh. Công việc này không cần vốn lớn hay kinh nghiệm nhiều", N. bộc bạch.

Tính đến hết tháng 12/2022, tổng số lao động Việt Nam sinh sống và làm việc ở Nhật Bản khoảng 345.000 người, trong đó có 200.000 thực tập sinh kỹ năng, 78.000 lao động kỹ năng đặc định, 65.000 kỹ sư, phiên dịch…

6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã đưa trên 72.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó riêng Nhật Bản hơn 35.000 người.