Lao động Việt tại Hàn "ngâm mình" ở xưởng đầy bụi, kiếm 70 triệu đồng/tháng
(Dân trí) - Là công nhân tại một xưởng đóng tàu ở Hàn Quốc, mỗi ngày, anh Tuấn phải làm việc trong bụi sắt mù mịt, leo trèo đủ nơi. Công việc nặng nhọc ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng đổi lại thu nhập rất cao.
Sáng sớm, anh Văn Tuấn (30 tuổi, quê tại tỉnh Thanh Hóa) lật đật thức dậy, nhanh chóng chuẩn bị cho kịp 8h đến xưởng đóng tàu. Nam lao động Việt cho biết, anh đang là công nhân mài cho một xưởng đóng tàu tại TP Ulsan (Hàn Quốc).
Hằng ngày, ca làm việc thường kéo dài 9 tiếng. Người lao động ở xưởng chia nhau làm các công đoạn như sơn, mài, điện, hàn xì, lắp đường ống… Riêng anh Tuấn phụ trách mài những đường hàn hoặc những điểm sơn bị cháy trong khoang tàu.
Anh Tuấn chia sẻ mài và bắn cát là hai công đoạn dễ khiến bụi sắt bay mù mịt trong khoang. Nam lao động dù đã được trang bị đồ bảo hộ, ống thở, nhưng vẫn không tránh được vài lần hít phải bụi sắt.
Sang Hàn Quốc gần 2 năm, nam lao động chia sẻ thời gian đầu mới theo nghề này, anh từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc vì quá vất vả. Nhiều hôm lê chân về nhà sau giờ tan ca, Tuấn thú nhận đã mệt đến mức không nuốt nổi cơm.
"Khi còn ở Việt Nam, thể lực của tôi khá yếu nên lúc đầu mới sang Hàn làm việc, không ít lần tôi thấy nản, muốn đổi nghề. Thế nhưng, nghĩ đến chuyện nghề này mang lại thu nhập cao, tôi tự nhủ phải cố gắng theo đuổi, dần dà cũng thành quen", anh Tuấn nói.
Nam lao động cho hay công việc này mang đến cho anh thu nhập 40-70 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản thưởng và chế độ đãi ngộ về ăn, ở của công ty.
Số tiền này không chỉ giúp anh thoải mái trang trải chi phí sinh hoạt, mà còn thay đổi cuộc sống gia đình ở quê nhà.
Việt Anh (22 tuổi, quê tại tỉnh Thanh Hóa), cũng là một công nhân mài tàu ở TP Ulsan. Tùy theo tính chất công việc và thời gian tăng ca, chàng trai chia sẻ bản thân có thể kiếm trung bình khoảng 2 triệu won/tháng (tương đương khoảng 36,5 triệu đồng).
Dù chỉ mới sang Hàn và làm công việc gần 5 tháng, Việt Anh cho biết đã bắt được nhịp độ công xưởng và thích nghi với tính chất vất vả của nghề.
"Ngoài làm việc trong môi trường nhiều bụi sắt, công nhân còn phải chịu đựng được cảnh leo thang lên, xuống liên tục để thi công. Dù mệt nhưng khi kiếm được đồng tiền lo cho gia đình, tôi cảm thấy rất mãn nguyện", nam lao động bộc bạch.
Văn Tuấn và Việt Anh chia sẻ cả hai đều sang Hàn theo diện visa E9 (visa dành cho người lao động phổ thông tại Hàn theo chương trình EPS). Loại visa này cho phép người lao động có quyền chuyển việc nếu cảm thấy không phù hợp.