Lao động trong khối AEC: Di chuyển vì mức lương cao hơn 20-30% và phúc lợi tốt
“Trong các khảo sát của chúng tôi, khối AEC hình thành sẽ giúp người lao động có nhu cầu di chuyển tìm việc. Đa số người lao động kỳ vọng mức lương cao hơn từ 20-30% với hiện tại, cùng với chế độ phúc lợi như di chuyển, nhà ở, bảo hiểm y tế, trường học cho con…”
Ông Simon Matthews - Tổng giám đốc Manpower Group khu vực Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông - trao đổi với báo giới về sự chuyển biến trên thị trường lao động, sau sự kiện Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) được thành lập ngày 31/12/2015.
VN sẽ thu hút ngành nghề nào nhất sau khi thị trường lao động của 10 nước Asean gộp thành 1 thị trường chung, thưa ông?
Nhân lực kỹ thuật có trình độ đại học sẽ được quan tâm nhất. VN có nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước. Vì vậy, nhu cầu tuyển kỹ sư có trình độ cao sẽ được lưu ý hàng đầu, gồm kỹ sư công nghệ, kỹ sư CNTT…
Vị trí tiếp sau đó là kỹ sư xây dựng. VN có thể xây thêm nhà máy lọc hóa dầu. Vì vậy nhu cầu tuyển dụng lao động kĩ sư nước ngoài tay nghề cao sẽ có nhất là khi ngành nghề này đang thiếu hụt kỹ năng lao động.
Sau đó là du lịch. Đơn cử như muốn hướng tới khách du lịch Nga, bạn sẽ phải hiểu biết văn hóa, ngôn ngữ nước này để thu hút khách đến VN. Ngoài ra, công việc của bác sĩ, y tá cũng sẽ được cần nhiều. Họ cần được đào tạo thêm về ngôn ngữ để làm việc tại nước sở tại.
Khi AEC hình thành, 8 lĩnh vực lao động có kỹ năng được dịch chuyển gồm: Dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, dịch vụ kiến trúc, dịch vụ khảo sát, hành nghề y khoa, hành nghề nha khoa, dịch vụ kế toán, hành nghề du lịch. Asean hiện có 10 quốc gia với hơn 600 triệu dân, VN hiện có 90 triệu dân.
Những khảo sát mới đây cho thấy mức lương của thị trường lao động VN chưa phải là hấp dẫn với nhân lực có trình độ. Vậy theo ông, khả năng thu hút lao động tay nghề cao đến thị trường lao động Việt Nam liệu có bị ảnh hưởng?
Với nhân sự có trình độ và tay nghề, điều quan tâm nhất là về tiền lương, sau đó là các phúc lợi khác như nhà ở, sự thuận lợi để di chuyển gia đình, vấn đề trường học cho con cái …
Một môi trường làm việc lý tưởng sẽ giúp người lao động có lương cao hơn, phúc lợi tốt hơn nơi cũ khi di chuyển sang thị trường nước ngoài. Nếu các công ty không thể tìm được ai có đủ kỹ năng cần thiết ở thị trường trong nước, các công ty sẽ sẵn sàng chi trả với mức trên để lấy người lao động nước ngoài.
Lấy sự khác biệt giữa mức lương ở VN và Singapore làm ví dụ. Nếu mặt bằng lương ở Singapore cao hơn ở VN, người lao động sẽ ở lại Singapore làm việc chứ không di chuyển sang VN. Vấn đề sẽ không chỉ nằm ở sự khác biệt mức lương theo trình độ, mà khi di chuyển, người lao động mong muốn lương cao hơn so với quốc gia hiện tại.
Trong các khảo sát của chúng tôi, khi người lao động di chuyển, họ muốn mức lương cao hơn từ 20-30% so với hiện tại cộng với các phúc lợi như di chuyển, nhà ở, bảo hiểm y tế, trường học cho con cái…
Ông Simon Matthews - TGĐ Manpower Group khu vực Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông.
Thực tế chi trả cho lao động nước ngoài có thể vượt quá sự chi trả của doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp sẽ chỉ lấy lao động nước ngoài khi họ cần có người lao động với kĩ năng nhất định mà đang thiếu hụt ở thị trường hiện tại.
Ông Simon Matthews nói: “Theo tôi, thách thức lúc này ở VN khi hội nhập AEC là sự chênh lệch giữa cung - cầu. Tình trạng này sẽ không thể cải thiện được ngay mà cần thời gian. Khi người lao động tham gia vào thị trường, họ nên tìm hiểu những kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần. Đồng thời, họ cần làm thế nào để phát triển những kỹ năng đó. Sự linh hoạt rất cần thiết từ phía người lao động”.
Ngoài ra, một vài cá nhân trong công ty sẽ phát triển để đáp ứng những kinh nghiệm, kĩ năng cần thiết thay vì phải thuê lao động nước ngoài. Vì vậy trong nhiều trường hợp, lao động nước ngoài chỉ đóng vai trò ngắn hạn. Đơn cử như ở Thái Lan, lương cho người lao động bản địa ngày càng tăng và khoảng cách tiền lương trả cho lao động trong nước và nước ngoài sẽ thu hẹp.
Trong mối tương quan với 9 thị trường lao động của AEC, VN sẽ ra sao, thưa ông?
Hội nhập AEC giúp người lao động di chuyển tự do với mong muốn mức lương cao và phúc lợi tốt hơn. Vì vậy, thị trường lao động VN sẽ không xuất khẩu nhân sự sang các quốc gia như Lào hay Campuchia. Thay vào đó, mục tiêu hướng tới sẽ Malaysia, Singapore, Thái Lan.
Về điểm này, VN sẽ là nhóm nước thứ 2 có sự dịch chuyển lao động sang nước ngoài như Singapore, Thái Lan. Trong khi các quốc gia này sẽ có xu hướng nhập khẩu lao động nhiều hơn.
Về lĩnh vực nghề nghiệp nào sẽ dịch chuyển nhiều nhất, tôi nghĩ rằng sẽ tập trung ở người lao động bán lành nghề chứ không nằm ở nhóm có kĩ năng cao, trong những lĩnh vực mà thị trường đang thiếu hụt lao động.
Câu chuyện di chuyển lao động tự do trong khối AEC đòi hỏi người lao động phải điều chỉnh điều gì, thưa ông?
Khi di chuyển đến một thành phố khác, tất yếu bạn phải đối mặt với sự thay đổi về thời tiết, sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, sự hiểu biết về xã hội tại nước sở tại...
Điều này rất quan trọng, khi một người chuyển địa điểm sang ở đất nước khác dù họ có qua công ty tư vấn hay không, họ cũng nên tự tìm hiểu về đất nước ấy.
Ở tập đoàn ManpowerGroup, chúng tôi có những buổi định hướng cho ứng viên khi họ nhận việc làm ở quốc gia khác, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho họ về phát luật, sự khác biệt văn hóa và các quy định của từng đất nước.
Ví dụ, khi người lao động đến Thái Lan. Ở đây, nhà Vua rất được tôn kính và yêu mến, nếu nói xấu nhà Vua bạn, sẽ có thể bị bắt giam. Ở Ả Rập Saudi, bạn lưu ý quy định không được uống rượu. Hơn nữa không phải lúc nào cũng thuận lợi để đưa cả gia đình cùng di cư nên bạn thường phải đi một mình…
Xin cảm ơn ông
Để di chuyển tìm việc tự do, người lao động cần lưu ý gì?
“Trước hết, người lao động cần phải có chứng chỉ được quốc gia điểm đến đó công nhận. Thứ hai là yêu cầu về ngôn ngữ, đa số yêu cầu là tiếng Anh. Ví dụ như người VN muốn sang làm việc tại Singapore, chúng ta sẽ thấy người lao động có kĩ năng sẽ di chuyển sang thị trường mà đang thiếu hụt lao động với kĩ năng đó, đi kèm là tiền lương tăng. Thứ ba, yêu cầu về kỹ năng mềm, sức khỏe, sự am hiểu về văn hóa…” - ông Simon Matthews nói.
Phan Phương thực hiện