Lao động nữ có trình độ đại học sắp vượt qua nam giới?
(Dân trí) - Tỷ lệ lao động nữ có trình độ đại học đang có xu hướng vượt qua nam giới, đóng góp giá trị ngày càng lớn trong nền kinh tế.
Phụ nữ trẻ có trình độ đại học cao hơn nam giới
Ngày 19/2, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương khu vực miền Nam tổ chức hội thảo khoa học "Bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ".

Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam công bố kết quả nghiên cứu về bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ (Ảnh: Tùng Nguyên).
Theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ là một hợp phần trong đề tài khoa học cấp quốc gia nghiên cứu về bình đẳng giới. PGS.TS Trần Thị Minh Thi là chủ nhiệm đề tài này.
Tại hội thảo, ban tổ chức công bố kết quả khảo sát 9.094 người của 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước mà nhóm nghiên cứu đã thực hiện trong năm 2024.
Nghiên cứu về mức độ bình đẳng giới trong giáo dục cho thấy, tỷ lệ trẻ em nữ đi học ở cấp mầm non cho đến trung học phổ thông đều thấp hơn trẻ em nam, phản ánh sự chênh lệch giới tính trong tiếp cận giáo dục các bậc học này.
Tuy nhiên, ở bậc đại học, tỷ lệ này lại đảo ngược. Năm 2016-2017, sinh viên nữ chiếm khoảng 52,8% tổng số sinh viên. Con số này tăng dần theo thời gian và đạt 54,2% vào năm 2021-2022.

Tỷ lệ học sinh nữ ở các bậc học (Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi, điều này cho thấy sự gia tăng của nữ giới trong giáo dục bậc cao, phản ánh xu hướng phụ nữ đầu tư vào học vấn để nâng cao cơ hội nghề nghiệp và thăng tiến trong xã hội.
Kết quả khảo sát 9.094 người của nhóm nghiên cứu cho thấy rõ điều này. Hiện tỷ lệ nam giới có trình độ đại học cao hơn nữ giới, nhưng sự chênh lệch này không quá lớn. Ở khu vực đô thị, tỷ lệ nam giới có trình độ đại học là 36,9%, nữ giới là 35,3%. Ở nông thôn, tỷ lệ này lần lượt là 20,5% và 17,6%.
Tuy nhiên, nếu xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ nam giới có trình độ đại học chỉ cao hơn nữ giới ở nhóm 31-59 tuổi (nam là 23,6%, nữ là 19,2%). Nhưng ở nhóm 30 tuổi trở xuống, phụ nữ có trình độ đại học cao hơn hẳn (48,4% so với 42,7%).
Tỷ lệ lao động có trình độ đại học cũng đang có xu hướng tăng cao ở nhóm người trẻ. Nhóm dưới 30 tuổi có tỷ lệ trình độ đại học cao nhất (45,5%), giảm dần ở nhóm 31-59 tuổi (21%) và thấp nhất ở nhóm 60 tuổi trở lên (11,7%).
Với xu hướng lao động trẻ có trình độ đại học ngày càng tăng và nữ học đại học nhiều hơn nam, tương lai tỷ lệ lao động nữ có trình độ đại học sẽ vượt qua nam giới.
Nữ giới đầu tư trình độ để có thu nhập cao hơn
Theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi, kết quả nghiên cứu phản ánh xu hướng nữ giới ngày càng có cơ hội học đại học nhiều hơn trong những năm gần đây. Điều này cho thấy các chính sách khuyến khích nữ sinh theo học đại học đã phát huy hiệu quả, giúp tăng cơ hội tiếp cận của nữ giới.

Tỷ lệ lao động nữ có trình độ đại học ngày càng cao và có xu hướng vượt qua nam giới (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).
Tuy nhiên, theo TS Phạm Thị Thu Phương, Viện nghiên cứu Phát triển bền vững vùng, hiện lao động nam vẫn chiếm ưu thế hơn lao động nữ về trình độ học vấn, từ đó họ có vị thế việc làm tốt hơn và thu nhập cao hơn.
Kết quả khảo sát cho thấy, nhóm lao động có trình độ học vấn cao có thu nhập cao hơn hẳn so với các nhóm khác. Do đó, nỗ lực nâng cao trình độ học vấn của nữ giới hiện nay đang thúc đẩy quá trình thu hẹp khoảng cách giữa lao động nữ với lao động nam.
TS Phạm Thị Thu Phương cho rằng: "Việc rút ngắn khoảng cách giới trong trình độ học vấn là yêu cầu đầu tiên để nữ giới có thể cạnh tranh tốt hơn trên thị trường lao động và dần có vị thế tốt hơn về lao động, việc làm, cũng như thu nhập".
Kết luận, PGS.TS Trần Thị Minh Thi, nhận định phụ nữ Việt Nam đang tìm kiếm con đường thăng tiến trong sự nghiệp và ưu tiên quan trọng nhất của họ là đầu tư vào học vấn.
Với những kết quả từ nghiên cứu này, bà có niềm tin là phụ nữ sẽ ngày càng có vị trí cao hơn trong nền kinh tế, xã hội.
Bởi số liệu nghiên cứu cho thấy khoảng cách giới trong trình độ đại học thu hẹp rất nhanh ở thế hệ trẻ. Ở thế hệ lớn tuổi, nam giới vẫn chiếm ưu thế nhưng tình thế đang đảo ngược ở thế hệ trẻ.

PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội (Ảnh: Tùng Nguyên).
Ông Phạm Quý Trọng, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương 3, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, cho biết: "Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tham gia Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và đã có những nỗ lực đáng kể để thực hiện cam kết của mình trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới".
"Việc khuyến khích nữ giới tham gia nhiều hơn vào giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học không chỉ nâng cao năng lực cá nhân mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, sáng tạo và đổi mới của quốc gia", ông Trọng khẳng định.