1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đà Nẵng:

Lao động ngành du lịch được vay tối đa 100 triệu đồng

Khánh Hồng

(Dân trí) - TP Đà Nẵng vừa có chủ trương cho người lao động ngành du lịch được vay tối đa 100 triệu đồng trong thời gian từ 3-5 năm để giải quyết khó khăn do đại dịch Covid-19.

Mới đây, Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch TP Đà Nẵng phối hợp Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng đề xuất giải pháp hỗ trợ lao động ngành du lịch được vay tối đa 100 triệu đồng để giải quyết khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đối tượng được vay gồm 2 nhóm. Nhóm một là người lao động trong ngành du lịch được vay vốn để chuyển đổi ngành nghề hoặc vay vốn để tiếp tục khôi phục sản xuất kinh doanh phục vụ du lịch.

Nhóm 2 là người lao động ngành du lịch bị thất nghiệp vay vốn để trang trải cuộc sống gia đình (đang chờ việc làm khi du lịch khôi phục trở lại sẽ tiếp tục làm việc phục vụ du lịch).

 Lao động ngành du lịch được vay tối đa 100 triệu đồng  - 1

Người lao động trong ngành du lịch sẽ được vay 100 triệu đồng để làm ăn. 

Mức vay tối đa của nhóm một là 100 triệu đồng, thời gian vay tối đa là 60 tháng, lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Mức vay tối đa của nhóm thứ 2 là 50 triệu đồng, thời gian cho vay tối đa là 36 tháng, lãi suất cho vay 0%.

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đồng ý đề xuất, giao cho các sở ngành nghiên cứu thực hiện chủ trương cho người lao động ngành du lịch vay vốn từ ngân hàng chính sách.

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, đến thời điểm này, các sở, ngành đã thống nhất hỗ trợ cho nhóm người lao động vay vốn làm ăn. Về phía nhóm lao động vay để trang trải cuộc sống, hiện chưa triển khai được. Hiệp hội đang đề xuất với UBND thành phố theo hướng này để ban hành chính sách.

"Người lao động vay vốn làm ăn phải chứng minh được trong thời gian mất việc, họ kinh doanh gì đó. Sở Du lịch và Hiệp hội khuyến khích những công việc phục vụ cho du lịch sau này hoặc dễ dàng làm du lịch khi thị trường phục hồi. Còn làm công việc khác, mất lao động cho ngành du lịch thì sẽ không tiếp nhận", ông Cao Trí Dũng nói.

Hiện Hiệp hội Du lịch thành phố đã ra thông báo cho các hội thành viên và các doanh nghiệp để đăng ký số lượng người vay.

"Với đối tượng vay này sẽ không cho vay rộng rãi, dự kiến có khoảng 1.000 người lao động được vay. Hiệp hội Du lịch thành phố sẽ có hướng dẫn cho người lao động trong việc làm hồ sơ, để đảm bảo người lao động được tiếp cận nguồn vốn vay này", ông Cao Trí Dũng cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, cơ quan đã thống nhất ý kiến cho người lao động vay vốn giải quyết việc làm.

Việc nhóm đối tượng này vay vốn giống như vay vốn để chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm theo Quyết định 19/2017/QĐ-UBND ngày 16/6/2017 của UBND thành phố.

"Còn đối với nhóm đối tượng vay để trang trải cuộc sống là không phù hợp vì chưa có quy định nào cho nhóm đối tượng này được vay. Người lao động không có việc làm, đến kỳ trả nợ sẽ rất khó", ông An nói.