1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thanh Hóa:

Lao động hồi hương và nỗi lo Tết

Bình Minh

(Dân trí) - Nhiều lao động hồi hương sau dịch Covid-19 chưa tìm được công việc ổn định, không có thu nhập khiến họ rơi vào trạng thái lo lắng khi cái Tết cận kề.

Anh Lương Văn Dũng (32 tuổi, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) và vợ cùng làm việc trong tỉnh Bình Dương nhiều năm. Anh làm lao động tự do còn vợ là công nhân trong khu công nghiệp. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cả hai vợ chồng đều mất việc, anh quyết định đưa cả gia đình về quê.

Đã nhiều tháng trôi qua nhưng đến nay anh Dũng vẫn chưa tìm được công việc ổn định do khu công nghiệp nơi anh ở liên tục có nhiều công nhân mắc Covid-19. Vợ anh không có việc làm còn anh lúc thì làm phụ hồ khi thì chạy xe ôm.  

Lao động hồi hương và nỗi lo Tết - 1

Một số lao động hồi hương đã sớm bắt nhịp được với cuộc sống, tuy nhiên không ít lao động vẫn chưa có việc làm ổn định.

Chật vật từng ngày mưu sinh nên anh Dũng không khỏi lo lắng khi Tết đang cận kề. "Do ở nhà lâu vẫn không tìm được việc làm ổn định, cuộc sống chật vật quá nên cách đây vài hôm, vợ tôi đã vào lại Bình Dương để đi làm công ty cũ với mong muốn kiếm chút thu nhập lo cho Tết. Tôi thì cũng cố gắng kiếm việc làm để trang trải cuộc sống mỗi ngày", anh Dũng nói.

Vợ chồng anh Đào Xuân Thành (34 tuổi, ở Dân Lý, huyện Triệu Sơn) là lao động tự do tại TPHCM. Dịch bùng phát khiến gia đình anh phải trở về quê từ tháng 8/2021. Ở quê, dịch cũng phức tạp khiến từ khi trở về đến nay vợ chồng anh vẫn chưa xin được công việc ổn định. Anh chị có con đầu bị dị tật, con thứ 2 thường xuyên đau ốm khiến cuộc sống gia đình lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn.

"Vợ chồng tôi xác định ở lại quê và mong muốn dịch ổn định, các công ty tuyển dụng lại lao động để chúng tôi có cơ hội tìm được công việc ổn định tại quê nhà", anh Thành tâm sự.

Thời gian này, anh Đào Xuân Thành tranh thủ ai thuê gì làm nấy, ngày có việc ngày không. Cuộc sống chật vật khiến anh không khỏi thở dài khi nói về cái Tết đang cận kề.

Lao động hồi hương và nỗi lo Tết - 2

Anh Tùng ngồi cả ngày chờ việc thế nhưng có ngày có việc, ngày không kiếm được đồng nào.

"Suốt thời gian qua, cuộc sống của gia đình phải nhờ vào sự cưu mang giúp đỡ của anh em họ hàng. Mỗi ngày trôi qua đã là chật vật lắm rồi huống hồ gì nói chuyện sắm Tết. Vì thế, vợ chồng xác định năm nay không có Tết, chỉ thương mấy đứa nhỏ, cũng phải xoay xở để kiếm cho chúng manh áo mới", anh Thành chia sẻ.

Đếm vội những đồng tiền lẻ vừa nhận chặt cây thuê, anh Nguyễn Thanh Tùng (xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh) cho biết, sau khi trở về do dịch, anh đã đi làm rất nhiều công việc từ chặt cây thuê đến bốc vác… nhưng thu nhập cũng không được bao nhiêu, mỗi ngày cố gắng lắm cũng chỉ được 100.000-120.000 đồng.

Tuy nhiên, ngày có việc, ngày chỉ ngồi không. "Dịch khiến lĩnh vực nào cũng khó khăn, tìm việc đã khó chứ nói gì đến đòi hỏi thù lao phải cao. Làm quần quật cả ngày nhưng cũng không dư được đồng nào, khi dịch không có việc thì vay tiền để trang trải, Tết đến thì nỗi lo về những khoản vay cũng phải tìm cách để trả", anh Tùng nói.

Trường hợp của anh Thành, anh Dũng hay anh Tùng đang là hoàn cảnh chung của hàng nghìn người lao động trở về sau đại dịch Covid-19. Dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp, cuộc sống của những lao động hồi hương vốn đã khó khăn, Tết đến, xuân về càng khiến họ trở nên vất vả, lo lắng hơn.

Theo báo cáo của Sở Lao động- Thương binh và xã hội tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 27/4 đến nay, Thanh Hóa có hơn 220 nghìn người hồi hương, trong đó có 176 nghìn người trong độ tuổi lao động (chiếm 80% công dân trở về quê). Nhiều địa phương có số lao động trở về từ vùng dịch lớn, như: Huyện Triệu Sơn hơn 9.000 người; Thiệu Hóa có hơn 7.000 người; Quảng Xương có hơn 14.000 lao động…

Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 31.900 lao động quay trở lại làm việc tại các tỉnh, thành trong nước; 40.100 lao động được tạo việc làm trên địa bàn tỉnh (với các ngành nghề như: Trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh - bán hàng, dệt may - giầy da - nhựa - bao bì, giúp việc gia đình, dịch vụ bảo vệ,...); 2.200 lao động được đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp (may công nghiệp, xây dựng dân dụng, cơ khí, hàn, điện nước...).