1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lao động hồi hương, tài sản, tương lai vẫn... "gửi lại" Sài Gòn

Đăng Đức

(Dân trí) - Sau mấy tháng về quê tránh dịch, nhiều lao động tại Quảng Trị vẫn loay hoay tìm kiếm việc làm với mong muốn sớm ổn định cuộc sống, số khác mong sớm trở vào Nam làm việc.

Vợ ôm con nhỏ về quê, chồng "bám trụ" TPHCM 

Về quê gần 2 tháng nay, chị Trần Thị Hồng (SN 1989, ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) dự định tìm công việc mới tại Quảng Trị để sớm ổn định cuộc sống, nhưng hiện chị vẫn chưa tìm được công việc phù hợp.

"Làm việc trong TPHCM thu nhập cao hơn nhưng các khoản chi tiêu, trang trải cho cuộc sống cũng không ít. Gia đình tôi đang nuôi con nhỏ nên các khoản dành cho con mỗi tháng khá lớn. Chính vì vậy, làm việc nhiều năm ở thành phố nhưng không tiết kiệm được bao nhiêu", chị Trần Thị Hồng chia sẻ. 

Hơn 10 năm sinh sống tại TPHCM, chị Hồng làm việc trong lĩnh vực giày da. Do mức thu nhập không cao nên vợ chồng chị Hồng cố gắng chi tiêu tiết kiệm, dành tiền nuôi con. Dịch bệnh xảy ra khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn, chị Hồng phải ôm theo con nhỏ trở về quê Quảng Trị tránh dịch, còn chồng vẫn "bám trụ" tại TPHCM.

Lao động hồi hương, tài sản, tương lai vẫn... gửi lại Sài Gòn  - 1

Nhiều lao động từ phía Nam hồi hương gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm (Ảnh: Đăng Đức).

Trở về quê lần này, chị Hồng dự định tìm kiếm việc làm ở quê rồi ổn định cuộc sống chứ không quay vào Nam nữa. Tuy vậy, do chưa giải quyết xong các thủ tục, hợp đồng lao động với công ty cũ nên chị Hồng vẫn phân vân.

"Tôi dự định tìm một công việc gì đó phù hợp ở Quảng Trị chứ không vào lại Sài Gòn nữa. Làm việc ở đây dẫu mức thu nhập trung bình nhưng chắc cuộc sống không đến mức khó khăn. Hơn nữa, con tôi còn nhỏ, cha mẹ đều cao tuổi nên muốn ở nhà để tiện chăm sóc", chị Hồng bày tỏ.

Đợi TPHCM mở cửa sẽ quay lại làm việc 

Sau khi về quê, chị Nguyễn Thị Mỹ Lương (SN 2004, ở xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng) xin vào làm việc tại một cơ sở may tư nhân trên địa bàn. 

"Về quê lần này tôi thấy mừng vì được sống gần ba mẹ. Làm việc ở quê dù thu nhập ít hơn nhưng cuộc sống cũng thoải mái. Hiện tôi chưa xin được vào công ty nào nên đang phụ giúp người quen làm nghề may, một thời gian nữa rồi tính tiếp", chị Lương nói.

Lao động hồi hương, tài sản, tương lai vẫn... gửi lại Sài Gòn  - 2

Nhiều doanh nghiệp may mặc có nhu cầu tuyển dụng lao động về từ phía Nam (Ảnh: Đăng Đức).

Làm việc trong lĩnh vực quảng cáo, chụp hình sự kiện, đám cưới… nhưng dịch bệnh xảy ra tại TPHCM khiến công việc rơi vào khó khăn, anh Phạm Như Huy (SN 1993, ở xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng) phải về quê.

Hai tháng qua, anh Huy chỉ làm việc ở nhà, khi nào có người quen giới thiệu thì đi chụp hình đám cưới. Lúc không có sự kiện gì thì ở nhà phụ giúp ba mẹ làm vườn.

"Hiện tại tôi không có dự định tìm việc ở quê, bởi trong thời gian làm việc ở TPHCM, tôi cũng đã đầu tư máy móc để mở cơ sở riêng trong đó; khi về cũng không mang theo bất cứ thứ gì. Nếu thời gian tới TPHCM mở cửa trở lại, công việc ổn định, tôi sẽ quay trở vào làm việc", anh Huy chia sẻ.

Cũng như anh Huy, chị Lê Thị Thanh Huyền (quê ở huyện Triệu Phong) chia sẻ dự định, nếu tình hình dịch bệnh ở TPHCM được kiểm soát tốt, gia đình chị sẽ quay trở lại đó làm việc.

Chị Huyền làm việc trong lĩnh vực thiết kế, sinh sống ở thành phố Thủ Đức, TPHCM đã 6 năm. Chị Huyền cho rằng, làm việc ở TPHCM điều kiện tốt hơn, mức thu nhập cũng cao hơn so với ở quê.

Thời gian gần đây, Quảng Trị xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, thành phố Đông Hà phải thực hiện biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 16, khiến việc sản xuất kinh doanh của một số đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Do đó, tìm kiếm việc làm mới giữa thời điểm dịch Covid-19 của đa số lao động gặp rất nhiều khó khăn.

Thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Quảng Trị, thời gian qua, địa phương này có hơn 1.200 lao động từ các tỉnh phía Nam trở về quê. 

Để hỗ trợ những lao động về quê tránh dịch, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị, Liên đoàn lao động tỉnh này đã khảo sát nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động để kết nối với các doanh nghiệp tại địa phương đang có nhu cầu tuyển dụng lao động.

Nắm bắt thực tế nhiều lao động về từ các tỉnh phía Nam, trong đó đa số làm trong lĩnh vực may mặc, có tay nghề cao, một số doanh nghiệp dệt may tại Quảng Trị sẵn sàng đưa ra các chính sách ưu đãi để thu hút công nhân vào làm việc.