Lao động hồi hương: “Lương khởi điểm 10-12 triệu đồng, được gần gia đình”
(Dân trí) - Sáng 16/5, tại Hà Nội, Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) đã tổ chức Phiên GDVL cho lao động Việt Nam hồi hương từ Hàn Quốc. Chương trình thu hút 32 doanh nghiệp Hàn Quốc với hơn 1.000 vị trí thuộc nhiều ngành nghề.
Phát biểu tại lễ khai mạc Phiên Giao dịch việc làm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan đánh giá cao nguồn nhân lực Việt Nam có tay nghề trở về từ Hàn Quốc, thông qua chương trình EPS.
Thống kê sơ bộ, trong hơn 12 năm qua, hơn 96.000 lượt người lao động Việt Nam được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Hơn 50.000 người lao động đã hoàn thành thời hạn làm việc và hồi hương.
Qua nhiệm kỳ làm việc gần 5 năm làm việc tại Hàn Quốc, những người lao động có khả năng giao tiếp và am hiểu văn hóa Hàn Quốc, cách thức làm việc của các doanh nghiệp Hàn Quốc.
“Rất nhiều người khi về nước đã dùng kiến thức, kinh nghiệm và số vốn tích luỹ được để khởi nghiệp thành công hoặc đảm nhiệm những vị trí việc làm quan trọng trong các doanh nghiệp.” - Thứ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Ứng viên chia sẻ nguyện vọng tìm việc tại Phiên GDVL cho lao động hồi hương.
Tuy nhiên, đại diện Bộ LĐ-TB&XH tại Phiên GDVL cũng thẳng thắn thừa nhận thực tế: Vẫn còn có nhiều người lao động khác còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp, qua đó phát huy khả năng và kinh nghiệm đã tiếp thu.
“Chính vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Trung tâm lao động ngoài nước phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ đào tạo bổ túc năng lực cho người lao động EPS sau khi về nước, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ tìm việc làm. Đồng thời tăng cường các Phiên GDVL nhằm giúp lao động tiếp cận với nguồn việc làm trong nước” - Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.
Đồng quan điểm với đại diện Bộ LĐ-TB&XH, ông Lee Hyuk - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam - cho rằng, một trong những lý do khiến người lao động Việt Nam ở lại và trở thành cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vì họ lo lắng về việc làm sau khi hồi hương.
Đại sứ Lee Hyuk đánh giá cao việc tổ chức các Phiên GDVL dành cho lao động Việt Nam hồi hương, tạo cơ hội kết nối cung cầu việc làm.
Phiên GDVL thu hút hàng trăm ứng viên là lao động VN hồi hương từ Hàn Quốc
Đồng thời, đại sứ Lee Hyuk cũng nhấn mạnh, người lao động Việt Nam sau thời gian làm việc ở Hàn Quốc đều có kinh nghiệm, hiểu văn hoá và ngôn ngữ Hàn Quốc. “Nếu những người lao động này được tuyển vào các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, chắc chắn họ sẽ đóng góp hữu ích cho công ty”.
Theo ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc TT DVVL Hà Nội, Phiên GDVL sáng 16/5 có sự tham gia của 32 doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc, với hơn 1.000 vị trí thuộc nhiều ngành nghề, mức lương hấp dẫn cho lao động từng làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước.
“Một số vị trí được nhiều doanh nghiệp tuyển dụng như: Phiên dịch tại xưởng, tổ trưởng sản xuất, kỹ thuật viên...Tiêu chí tuyển dụng cơ bản, như: Giao tiếp tiếng Hàn Quốc, ưu tiên người có kỹ năng viết tiếng Hàn, năng động, nhiệt tình và tuân thủ kỷ luật lao động” - ông Nguyễn Toàn Phong nói.
Khảo sát nhanh của TT DVVL Hà Nội cho thấy, nhiều vị trí tuyển dụng có mức lương “nhỉnh” hơn từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng so với các ứng viên chưa từng làm việc ở Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Toàn Phong cho biết thêm: “Bên cạnh mức lương khởi điểm dao động từ 10.000.000 - 12.000.000 đồng/tháng, ứng viên có cơ hội được làm việc gần gia đình và bạn bè. Đây là tâm sự được nhiều người lao động từ Hàn Quốc về nước chia sẻ tại Phiên GDVL này”.
Hoàng Mạnh
Tin liên quan:
Đồng Nai: Lao động phổ thông chiếm 86% tỉ lệ thất nghiệp
Theo Trung tâm giới thiệu việc làm Đông Nam bộ, từ tháng 1/2017 đến nay, tình trạng lao động thất nghiệp ở Đồng Nai diễn ra khá phổ biến. Trong đó, lao động phổ thông chiến tới hơn 86% tỉ lệ thất nghiệp.
Đánh giá của Trung tâm giới thiệu việc làm Đông Nam bộ, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai có khoảng gần 8.000 lao động thất nghiệp. Trong đó, lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề thất nghiệp chiếm tỉ lệ cao. Đây là những lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, không gắn bó với công việc lâu dài, luôn có xu hướng tìm kiếm những công việc khác tốt hơn. Những lao động chủ động thất nghiệp chủ yếu hoạt động trong những ngành nghề đơn giản như dệt may, giày da, nhuộm, thiết kế thời trang, nhựa, bao bì, in… Nguyên nhân khiến lao động phổ thông thất nghiệp cao do không có này không có trình độ chuyên môn cao, chủ yếu làm những công việc đơn giản, có tính thời vụ. Năm 2017, cây cao su mất mùa, đội giá lên cao, nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng duy trì hoạt động trong lĩnh vực cao su dẫn đến tình trạng người lao động mất việc làm. Để người lao động gắn bó lâu dài với công việc, Trung tâm giới thiệu việc làm Đông Nam bộ khuyến cáo các doanh nghiệp nên hạn chế tình trạng tuyển lao động thời vụ, tập trung đào tạo lao động lành nghề. Đặc biệt chú trọng đào tạo lao động trong những ngành nghề đơn giản gắn bó với công việc hơn nhằm hạn chế tình trạng lao động bỏ việc để tìm công việc khác.
P.O
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 4 phương án xử lý nợ BHXH, BHTN
Trong tháng 4/2017, Bộ LĐ-TBXH đã có văn bản báo cáo Chính phủ về tình hình nợ bảo hiểm xã hội, BHTN và đề xuất phương án bảo vệ quyền lợi BHXH của người lao động tại các doanh nghiệp (DN) giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn.
Theo đó, các phương xử lý bao gồm: Phương án 1: Số tiền nợ BHXH còn thiếu, ngân sách nhà nước đóng bù; Phương án 2: Số tiền nợ BHXH còn thiếu, dùng Quỹ BHXH đóng bù; Phương án 3: Nếu thu hồi được nợ sau thanh lý tài sản của DN mới xác nhận thời gian đã đóng BHXH cho NLĐ; Phương án 4: Phần còn thiếu được đảm bảo bằng tiền lãi phạt chậm nộp của các DN nợ đóng BHXH.
Tình trạng nợ BHXH, BHTN vẫn diễn ra ở tất cả các tỉnh, thành phố, ở rất nhiều doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế ngoài quốc doanh, có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước...
Trước đó, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội VN, tính đến ngày 31/12/2016, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của BHXH các tỉnh, thành phố (sau khi đã trừ số tiền do ngân sách nhà nước chậm đóng BHYT) là 7.580 tỷ đồng, bằng 3,22% kế hoạch thu, trong đó: Nợ BHXH 6.551 tỷ đồng (gồm 1.400 tỉ đồng nợ khó đòi do doanh nghiệp nợ đã phá sản, bỏ trốn).
H.M