Lao động đi XKLĐ đóng 22% lương tháng cho chế độ hưu trí và tử tuất

(Dân trí) - Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) vừa ban hành công văn 2590/QLLĐNN-PCTH hướng dẫn các doanh nghiệp XKLĐ thông tin cho người lao động về mức, phương thức và chế độ BHXH bắt buộc. Quy định có hiệu lực từ 1/1/2016.

Lao động đi XKLĐ đóng 22% lương tháng cho chế độ hưu trí và tử tuất - 1

Theo Luật BHXH có hiệu lực từ 1/1/2016, người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trên cơ sở đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước hướng dẫn các doanh nghiệp XKLĐ trường hợp người lao động đi làm việc theo dạng hợp đồng sau đều phải tham gia BHXH bắt buộc, gồm:

Hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề.

Hợp đồng cá nhân.

Việc tham gia các chế độ BHXH bắt buộc, Cục Quản lý lao động ngoài nước hướng dẫn có 2 mức tham gia với các loại hình khác nhau.

Chế độ bảo hiểm hưu trí và tử tuất: Áp dụng với hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề; hợp đồng cá nhân.

Loại hình áp dụng đầy đủ các chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc (ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí, tử tuất): Áp dụng với hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Về mức và phương thức đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động đi làm việc theo hợp đồng:

Mức đóng hàng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đối với lao động đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc trước đó. Bằng 22 % của 2 lần mức lương cơ sở đối với lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc hoặc đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng đã hưởng BHXH một lần.

Phương thức đóng được thực hiện 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng trước 1 lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng đưa lao động đi làm việc. Người lao động đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi cư trú của người lao động trước khi đi hoặc đóng cho doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trường hợp đóng cho doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài thì doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp thu, nộp BHXH cho người lao động và đăng ký phương thức đóng cho cơ quan BHXH.

Trường hợp người lao động được gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động mới ngay tại nước tiếp nhận thì thực hiện đóng BHXH theo phương thức quy định tại Điều này hoặc truy nộp cho cơ quan BHXH sau khi về nước.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2015 cả nước đưa đi được 115.980 lao động (trong đó, 38.640 lao động nữ, chiếm 33,3%); vượt 122% so với kế hoạch năm và bằng 108,5% so với tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2014. Đây là năm thứ hai liên tiếp số lượng lao động VN đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm.

Nhiều thị trường tiếp tục thu hút số lao động VN sang làm việc với số lượng ngày càng tăng, như: Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đạt 67.121 người tăng 108%, thị trường Nhật Bản đạt 27.010 lao động tăng 136.6% so với năm 2014.

Hoàng Mạnh