1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lao động “chui” vỡ mộng nơi đất khách

Không có công ăn việc làm ổn định, gia cảnh nghèo đói cộng với sự thiếu hiểu biết, khiến nhiều lao động trên địa bàn huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã liều mình khăn gói theo kẻ xấu vượt biên trái phép sang Trung Quốc với giấc mộng đổi đời nơi “miền đất hứa”. Vì sự ảo tưởng của sự giàu sang nên đã khiến không ít người lao động đi làm ăn “chui” gặp phải những khó khăn, trở ngại như đau ốm, bệnh tật, hoặc bị bóc lột sức lao động ở xứ người…

Vỡ mộng từ “miền đất hứa”

Huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) có rất nhiều xã giáp với Trung Quốc như: Vô Ngại, Tình Húc, Lục Hồn, Hoành Mô, Đồng Tâm và Đồng Văn. Chính vì vậy nên cũng có rất nhiều người sang Trung Quốc làm ăn bằng các mánh khóe khác nhau, để rồi phất lên giàu có nhanh chóng, nhưng cũng có không ít người trở về quê hương trắng tay, thậm chí còn bị ngược đãi, bị bóc lột sức lao động, đánh đập…

Một trong những trường hợp bị đánh đập tàn nhẫn là anh Lô Đức Kim thôn Bản Chuồng, xã Lục Hồn (Bình Liêu). Kể lại sự việc vượt biên trái phép của mình, anh Kim cho biết: “Thấy mọi người đi lao động “chui” về quê được nhiều tiền nên tôi cùng mọi người tập trung rồi đi theo đường mòn xuyên qua rừng, lội qua suối để tránh bị lực lượng biên phòng và các ngành chức năng phát hiện. Chúng tôi vượt qua suối, sang bên kia là đã có ô tô họ đón và chờ sẵn ở đấy rồi. Chúng tôi đi khoảng vài trăm cây số thì vào trong nội thành Trung Quốc. Từ đây chúng tôi mới được đưa đi đến những địa điểm để làm việc.

Tôi được giao làm lọ nhựa cho một công ty tư nhân tại tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc). Do tiền lương thấp, tôi lại được mọi người cùng làm giới thiệu vào làm cho một công ty khác tiền lương cao hơn. Trong thời gian đầu tôi bị chuyển đi 4 lần với rất nhiều chỗ làm việc khác nhau”.


Anh Lô Đức Kim kể lại quá trình mình bị đánh và bị bắt ở Trung Quốc.

Anh Lô Đức Kim kể lại quá trình mình bị đánh và bị bắt ở Trung Quốc.

Theo lời anh Kim, trong quá trình làm việc, đã có một số người lạ làm cùng bảo phải chuyển ra ngoài ở một vài hôm để tránh bị công an Trung Quốc bắt. Do nghe theo lời người lạ nên sau khi chuyển ra ra ngoài, anh Kim đã bị ba người Việt Nam tuổi đời ngoài 30 bắt giam giữ. Những người này họ đều sử dụng ma túy. Trong 8 ngày bị bắt, anh Kim đã bị các đối tượng này đánh vào xương sống, đùi, ngực, bụng…

Anh Kim còn bị chúng dùng bột đỏ pha với nước, trộn với tiết gà tưới lên người. Sau đó chúng còn chụp ảnh, bắt anh Kim gửi qua mạng. Chúng khống chế anh Kim, bắt anh gọi điện về cho gia đình, đòi 3 vạn tiền (tương đương với 100 triệu tiền Việt Nam) để chuộc.

Sau nhiều lần đòi tiền chuộc chúng hạ xuống còn 70 triệu đồng. Do chúng lơ là trong việc cai quản nên anh Kim và một chị nữa quê ở Bắc Ninh đã nhân cơ hội bỏ trốn. Sau 3 ngày bỏ trốn anh Kim mới về đến Việt Nam.

Anh Hoàng Tiến Bảy ở thôn Chang Nà, xã Tình Húc cũng đi làm thuê hơn một năm bên Trung Quốc nhưng khi trở về thì lại trắng tay do bị bóc lột rồi bị Công an bắt giữ. Anh Bảy cho biết: “Đang học dở lớp 11, do hoàn cảnh khó khăn nên tôi bỏ học xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Mức lương khởi điểm tôi làm tại đấy là 2.300NDT/tháng.

Tuy nhiên, kể từ tháng thứ 2 trở đi thì tôi không nhận được xu nào. Khi hỏi lý do họ bảo bị trừ vào tiền xe đưa đón. Anh Bảy bức xúc đến gặp Công an Trung Quốc giải trình thì bị bắt và giam giữ 2 tháng. Đến ngày 22/6/2016, anh được lực lượng Công an Trung Quốc trao trả về địa phương.

Cần thắt chặt công tác kiểm soát lao động “chui”

Chị Lục Thị Sịn (chị dâu anh Bẩy) xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê từ đầu tháng 3/2016, đến nay vẫn chưa trở về với gia đình vì không có tiền. Hai đứa con nhỏ của chị phải nhờ ông bà nội nuôi.

Khi được hỏi về tình hình của chị Sịn, bà Trần Thị Hoàng – mẹ chồng chị Sịn rưng rưng nước mắt giãi bày: “Công việc nhà nông đã nhiều, giờ vợ chồng chúng nó lại đi làm thuê, đến nay chưa về, để lại 2 đứa con nhỏ cho 2 vợ chồng già tôi chăm sóc. Hôm nọ, mẹ chúng nó gọi về, khóc rưng rức bảo muốn về nhà lắm nhưng không có tiền để về, giờ phải làm đến tháng 9 mới đủ tiền về. Nhưng không biết liệu rồi đến lúc đấy có về được không? Trước kia, tôi đã bảo chúng nó là chịu khó làm ăn, cứ ở Việt Nam mà làm, nhưng chúng nó vẫn nhất quyết đi, giờ có khóc tôi cũng chẳng biết làm thế nào cả”.

Bình Liêu là huyện biên giới rất phức tạp nên thời gian qua các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng đã phối hợp rất chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể trong các thôn xã, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác xuất nhập cảnh, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý nhân khẩu…, cho người dân. Bên cạnh đó, các cán bộ địa phương cũng đã đến từng nhà phân tích về việc trốn chui sang Trung Quốc đi làm là vi phạm pháp luật.

Nhưng vì các thủ đoạn của tội phạm đưa lao động ra nước ngoài ngày càng tinh vi, họ móc nối với nhau để vượt biên nên rất khó ngăn chặn. Ở khu vực biên giới có nhiều lối mòn qua lại nên công tác kiểm soát tình trạng lao động chui sang Trung Quốc làm thuê gặp rất nhiều khó khăn.

Theo như tìm hiểu của chúng tôi, đa phần các lao động đi làm “chui” này đều rơi vào những gia đình là con em người dân tộc. Việc trốn chui sang Trung Quốc lao động, chưa hề được hương dân về kỹ năng, không có kiến thức về an toàn lao động, không có bảo hiểm, bảo hộ cần thiết mà chỉ thỏa thuận băng miệng chứ chưa có văn bản pháp luật nào chứng nhận.

Đa phần những người lao động “chui” đều có trình độ lao động thấp, họ phải làm việc chân tay, quần quật 12 đến 14 tiếng/ngày. Do thiếu hiểu biết nên đa phần lao động “chui” đều bị ông chủ ngược đãi hoặc đánh đập.

Để hạn chế và chấm dứt tình trạng này, các lực lượng chức năng tiếp tục tuyên truyền phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý số người xuất nhập cảnh trái phép, đấu tranh triệt phá, bóc gỡ, xử lý các đối tượng, các tổ chức đưa đón người xuất cảnh trái phép qua biên giới, tăng cường tuyên truyền qua 3 văn kiện pháp lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc: Nghị định thư phân giới cắm mốc, hiệp định về quy chế quản lý biên giới, hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu…

Trung tá Lý Đức Hoàn – Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Bình Liêu cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê là do nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, một số khác có người thân lấy chồng bên đấy giới thiệu. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện Bình Liêu có 294 trường hợp xuất cảnh trái phép đi Trung Quốc làm thuê. Trong đó có 58 trường hợp bị bắt giữ và đẩy đuổi về Việt Nam”.

Theo Trung tá Lý Đức Hoàn, việc này lực lượng Công an huyện cũng đang tăng cường, thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô và các lực lượng quản lý trên tuyến biên giới nhằm thắt chặt công tác quản lý hoạt động xuất nhập cảnh qua biên giới.

Hiện Công an đang kết hợp tổ chức công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lỗi mở trên tuyến biên giới, kịp thời phát hiện các trường hợp có dấu hiệu xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để ngăn chặn, xử lý.

Theo Báo Pháp Luật VN