Lạng Sơn: Bỏ nghề y về kiếm bộn tiền từ thứ cả làng vứt đi
Từ hai bàn tay trắng, anh Lý Văn Vương (SN 1987, ở thôn Ao Kham – Làng Cầu, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) đã học hỏi cách chế biến trấu-thứ cả làng vứt đi thành than sạch. Ước mơ làm giàu từ than trấu không khói của anh Vương bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, cho thu nhập 500 triệu đồng/năm.
Anh Lý Văn Vương sinh ra và lớn lên ở vùng đất của đặc sản xứ Lạng - vùng na Hữu Lũng. Sau tốt nghiệp THPT, anh lựa chọn theo học ngành Y và học tại 2 trường Trung cấp Y Hà Nội và trường Cao đẳng Y Lạng Sơn.
Cầm trong tay 2 tấm bằng liên quan đến ngành Y, anh Vương chật vật đi tìm việc làm. Dù đã đi làm ở một vài cơ quan, đơn vị nhưng anh lại “đánh liều” quyết định rẽ sang một hướng đi mới, không theo ngành nghề mình đã dành nhiều năm theo đuổi.
Tâm sự về ý tưởng "liều" trong việc xây dựng cơ sở kinh doanh than sạch không khói, ở chàng thanh niên này luôn lấp lánh quyết tâm và hy vọng. Anh Vương cho biết nghề làm ra những thanh than màu đen sạch, không khói này đến với anh như một cái duyên.
Dù đi làm liên quan đến nghề y nhưng anh Vương luôn ấp ủ trong mình nhiều ý tưởng kinh doanh, đặc biệt là ý tưởng làm than sạch không khói, không độc hại cho mọi nhà.
Công đoạn làm than sạch được thực hiện khá công phu, tỉ mỉ và phải có kỹ thuật.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Vương tâm sự: Sau khi nghỉ việc, với những ý tưởng đang nung nấu trong đầu, năm 2015 anh thuê địa điểm để mở xưởng ép củi trấu tại TP.Lạng Sơn. Năm 2016, qua tìm hiểu và nhận thấy nhu cầu dùng than để nướng đồ ăn của các nhà hàng trên địa bàn, anh quyết định chuyển sang làm than sạch không khói.
Giữa năm 2018, sau khi bước đầu thành công với nghề làm than sạch, anh Vương quyết định trở về quê hương - nơi mình sinh ra để gây dựng cơ sở, phát triển kinh tế gia đình bằng nghề làm than sạch không khói. Về địa điểm mới, ngoài kiến thức và kinh nghiệm, kỹ thuật đã có, anh phải bắt tay gây dựng cơ sở từ đầu.
Anh Vương đã mạnh dạn vay 500 triệu đồng của ngân hàng, cộng với nguồn vốn của mình và vay thêm họ hàng được tổng số tiền 800 triệu đồng để đầu tư xây dựng nhà xưởng và máy móc.
Nhận thấy nhu cầu sử dụng than sạch không khói của các bàn nướng từ vỉa hè tới nhà hàng, không chỉ vậy, các hộ gia đình cũng đang thay thế dần loại than hoa bằng than sạch không khói trong các buổi liên hoan, picnic... chàng thanh niên quyết tâm lại càng thêm quyết tâm.
Dự kiến một tháng sẽ thu được 15 tấn than, đồng thời sẽ tạo việc làm cho 3 lao động địa phương với thu nhập từ 6,5 đến 7 triệu đồng/tháng.
Anh Vương cho biết: "Ưu điểm chính của chúng hơn hẳn than hoa bình thường. Khi đốt cháy than không sinh ra mùi, rất ít khói và khói không làm cay mắt, không gây ngạt cho người sử dụng. Việc đốt cháy than cũng rất dễ dàng, chỉ cần một que diêm là có thể "châm lò" cho một bữa nướng hấp dẫn.
Thời gian sử dụng của chúng lên đến 2 giờ đồng hồ. Thức ăn được nướng từ sản phẩm than sạch sẽ không bị hấp thu các khí độc, không gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe. Than sạch từ mùn cưa gỗ tươi không sản sinh ra khí lưu huỳnh, giữ được môi trường ngay khu vực bàn nướng sạch".
Đặc biêt công đoạn làm than sạch được thực hiện khá công phu, tỉ mỉ và phải có kỹ thuật. Mùn cưa sau khi mua về đem sấy khô, ép qua nhiệt thành những thanh gỗ cứng rồi được nung trong lò từ 7 đến 15 ngày. Sau khi được làm nguội, những thanh gỗ cứng này mới trở thành thành phẩm là những thanh than sạch, đảm bảo chất lượng.
Hiện xưởng than của anh Vương sản xuất gối nhau trung bình 3 ngày được một mẻ khoảng 8 tạ than, tương tương 8 tấn than/tháng. Với giá trung bình 10.000 đồng/kg, anh Vương thu về 80 triệu đồng/tháng, trừ chi phí thì số lãi từ làm than sạch được 40 triệu đồng/tháng.
Anh Vương đã chuyển giao kỹ thuật cho hai người bạn ở Bắc Giang và Cao Bằng, mô hình của họ đã và đang phát triển ổn định.
Than sạch do anh Vương sản xuất chủ yếu được xuất bán cho các nhà hàng ở TP.Lạng Sơn, dùng để nướng đồ ăn. Thức ăn được nướng từ sản phẩm than sạch sẽ không bị hấp thu các khí độc, không gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.
Anh Vương cho biết thêm: Hiện nay, do việc cung cấp chưa đủ nhu cầu cho các nhà hàng nên mới đây, anh đã đầu tư thêm 100 triệu đồng để mua máy sấy thùng quay cho dây chuyền sản xuất, khi hoàn thành sẽ nâng công suất sản lượng lên cao hơn. Dự kiến một tháng sẽ thu được 15 tấn than, đồng thời sẽ tạo việc làm cho 3 lao động địa phương với thu nhập từ 6,5 đến 7 triệu đồng/tháng.
Thành công bước đầu chỉ sau gần một năm gây dựng cơ sở sản xuất than sạch không khói tại quê nhà đã cho thấy sự mạnh dạn, nhạy bén và dám nghĩ, dám làm của thanh niên Lý Văn Vương đang là hướng đi đúng đắn.
Anh Vương cho biết: Nghề sản xuất than này phù hợp ở nông thôn và nếu có bạn nào muốn mở xưởng sản xuất than sạch thì anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ về kỹ thuật. Thực tế, anh Vương đã chuyển giao kỹ thuật cho hai người bạn ở Bắc Giang và Cao Bằng, mô hình của họ đã và đang phát triển ổn định.
Với những thành công bước đầu, hiện mô hình sản xuất than sạch không khói của anh Vương luôn là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của nhiều thanh niên đang nung nấu ý chí khởi nghiệp. Anh Vương luôn nhiệt tình trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người xung quanh.
Theo Mộc Trà/Danviet.vn