1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Làng nghề làm hương ở Thanh Hóa "chạy nước rút" ngày cận Tết

Bình Minh

(Dân trí) - Khi những ngày Tết đang cận kề, những người làm hương ở Quán Giò, Phú Khê hay Vạn Thắng (Thanh Hóa) gần như phải thức xuyên đêm để sản xuất cho đủ đơn hàng cung ứng ra thị trường.

Nghề làm hương có mùa vụ quanh năm, nhưng vào dịp cuối năm, không khí làm việc ở làng nghề trở nên khẩn trương hơn. Các cơ sở sản xuất hương hối hả trộn bột, se hương để chuẩn bị cho những chuyến hàng Tết. 

Về làng hương , không khí tết thật rõ ràng, mùi thơm nồng nàn trong gió. Hàng ngàn bó hương, tăm hương được xếp cẩn thận, bung xòe như đóa hoa, tạo thành một con đường đủ sắc màu.

Làng nghề làm hương ở Thanh Hóa chạy nước rút ngày cận Tết - 1

Thời điểm giáp Tết, gia đình nào cũng "chạy nước rút" để kịp đơn hàng cung ứng ra thị trường.

Đến làng nghề làm hương Phú Khê (Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa), những bó tăm hương xòe đỏ rực được phơi dọc những con ngõ nhỏ, trong mỗi sân nhà của những hộ sản xuất hương trong làng.

Những ngày này, làng hương Đông Khê (Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa) bước vào thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm, người làm nghề tất bật với công việc. Bởi đây cũng là mùa xuất hàng lớn nhất trong năm.

Làng nghề làm hương ở Thanh Hóa chạy nước rút ngày cận Tết - 2
Làng nghề làm hương ở Thanh Hóa chạy nước rút ngày cận Tết - 3

Khắp các con ngõ, sân phơi đều được người dân tận dụng phơi hương.

Những người làm nghề ở đây cũng không biết nghề có từ bao giờ chỉ biết sinh ra đã thấy ông cha làm hương bằng thủ công truyền thống. Tuy nghề làm hương có mùa vụ quanh năm, nhưng vào tháng cuối năm này, không khí làm việc ở làng nghề rất khẩn trương, nhộn nhịp.

Mỗi nhà đều nỗ lực để hoàn thành những đơn hàng cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị đón Tết. Trải qua nhiều thăng trầm, nghề làm hương ở Đông Khê đến nay vẫn được duy trì gần 20 hộ làm quanh năm với 10 - 12 lao động/hộ. Còn những ngày lễ Tết số hộ làm hương tăng lên 30-40 hộ gia đình.

Làng nghề làm hương ở Thanh Hóa chạy nước rút ngày cận Tết - 4

Người dân cho biết, dù nghề làm quanh năm nhưng tất bật vào khoảng từ tháng 10 âm lịch đến tháng 2 sang năm.

Đã có thâm niên 4 đời làm hương truyền thống, gia đình ông Đoàn Văn Mậu (xã Hoằng Quỳ) là một trong số ít những gia đình còn lưu giữ lại nghề làm hương bằng phương pháp thủ công. Những ngày này, gia đình ông đang gấp rút chuẩn bị cho những lô hàng phục vụ Tết nguyên đán 2021.

"Ở làng này, trước kia hầu hết đều sống bằng nghề làm hương. Khi có máy làm hương thì hầu hết các gia đình đều chuyển đổi sang mô hình mới. Gia đình tôi là một trong số ít vẫn giữ lại cách làm hương thủ công. Làm hương bằng phương pháp thủ công rất vất vả nhưng đổi lại nó có một nét đặc trưng riêng tạo nên những nén hương thơm đặc biệt"- ông Mậu chia sẻ.

Làng nghề làm hương ở Thanh Hóa chạy nước rút ngày cận Tết - 5

Trước đây, làm hương chủ yếu bằng thủ công truyền thống, những năm sau này, một số hộ đã sử dụng máy móc để giảm bớt thời gian.

Cũng theo ông Mậu, người làm hương quê ông làm quanh năm nhưng thường từ tháng 10 âm lịch thì mới tất bật hơn, lúc đó mới bắt đầu làm cho vụ Tết. Nhà nào cũng tăng công suất từ đó cho đến tháng 2 âm lịch sang năm.

Cũng tất bật giống như làng hương Đông Khê hay Vạn Thắng ở huyện Nông Cống cũng "chạy nước rút" trong những ngày cận Tết. Nhiều gia đình phải thuê thêm nhân công hay tăng công suất làm đến đêm mới nghỉ.

Làng nghề làm hương ở Thanh Hóa chạy nước rút ngày cận Tết - 6

Chạy nhựa, một trong những công đoạn quan trọng để tạo nên hương vị của cây hương.

Ông Nguyễn Văn Dân ở thôn Quyết Thắng, xã Vạn Thắng cho biết, năm nào cũng vậy, cứ tháng 10 âm lịch là bắt đầu có nhiều đơn hàng. Nhiều năm đơn hàng nhiều quá không dám nhận vì không đủ nhân lực để làm.

Theo ông Dân, hương được dùng vào công việc tâm linh nên công đoạn làm hương phải rất cẩn thận, sạch sẽ từ nguyên liệu đến khâu sơ chế, đóng gói, không thể làm ẩu được. Bởi vậy, có những năm đến giáp Tết, khách đặt hàng nhưng không dám nhận.

Làng nghề làm hương ở Thanh Hóa chạy nước rút ngày cận Tết - 7

Ngày nay công nghệ làm hương đã được hiện đại hóa. Việc se tay truyền thống được thay thế bằng máy móc, hương vừa đẹp lại đều, cho chất lượng và năng suất cao.

Chỉ tính hai tháng cuối năm, cơ sở sản xuất của gia đình ông Dân đã xuất bán vài chục vạn nén hương. Với giá bán từ 20-40.000 đồng/trăm tùy từng loại hương, trừ chi phí, hàng năm gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng.

"Cây hương đạt chuẩn là phải thẳng, tròn, đều và có màu vàng nâu, đặc biệt là có mùi thơm đặc trưng của hương bài. Tăm phải được ngâm 3-6 tháng, rửa sạch phơi khô, làm sạch, vo tròn, tránh ẩm mốc tăm, sau đó dùng thuốc để nhuộm chân hương" - ông Dân chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của những người làm nghề lâu năm, một trong những công đoạn quan trọng để tạo nên hương vị của cây hương là chạy nhựa. Thông thường, nhựa được dùng làm hương là loại nhựa của cây trám. Sau đó, nhựa trám sẽ được trộn cùng bột than (than vừng, mía, lá chuối…) rồi đưa vào cối giã nát. Hiện nay, công đoạn chạy nhựa được thực hiện bằng máy xay nên người dân đỡ vất vả hơn nhiều.

Làng nghề làm hương ở Thanh Hóa chạy nước rút ngày cận Tết - 8

Những ngày cận Tết, nhiều gia đình không dám nhận thêm đơn hàng vì không thể đủ thời gian làm.

Khi se hương, người thợ phải lăn thật nhẹ và chắc tay để cho bột bám đều vào que hương. Hương sau khi se xong phải đủ nắng mới không bị mốc và để được lâu.

Hương được làm từ trầm, tùng, trắc, quy đầu, bạch chỉ, hắc hương, hoa hồi, quế chi, nhựa cây trám, củ, rễ cây bài, than xoan... Tùy từng loại hương để người làm nghề lựa chọn nguyên liệu phù hợp.

Mỗi mẻ hương phơi dưới trời nắng to khoảng 1 ngày là khô, sau đó đóng gói thành phẩm. Với nguyên liệu thảo mộc, bí quyết pha trộn riêng biệt, tỉ mỉ trong từng công đoạn nên hương của các làng nghề ở xứ Thanh luôn bảo đảm thơm lâu, bền màu, đẹp mắt. Không chỉ cung ứng thị trường các huyện, thị trong tỉnh, sản phẩm hương của nơi đây còn được khách ngoại tỉnh ưa chuộng.