Gia Lai:

Làng mai Bình Định trên cao nguyên nín thở chờ Tết

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Những ngày này, người dân khu vực đường Hà Huy Tập (TP.Pleiku, Gia Lai) đang tất bật chăm sóc những vườn mai của để đưa ra bán Tết. Ảnh hưởng dịch nhưng người trồng vẫn hy vọng mai hút khách dịp Tết.

Làng mai Bình Định hình thành trên đường Hà Huy Tập (Tổ 5, phường Yên Thế, TP Pleiku, Gia Lai) từ nhiều năm nay. Ngoài những công việc thường ngày, mỗi gia đình ở đây đều sở hữu những vườn mai có giá trị để phục vụ cho Tết.

Làng mai Bình Định trên cao nguyên nín thở chờ Tết - 1

Người dân làng mai ở đường Hà Huy Tập đang tất bật chăm sóc vườn mai để kịp bán Tết.

Đưa chúng tôi đi dạo quanh cung đường có nhiều hộ trồng mai nhất vùng, ông Nguyễn Ngọc Hải (Tổ trưởng tổ 5) cho hay: "Lúc đầu chỉ 5-7 hộ trồng nhỏ lẻ với khoảng 30-40 gốc mai, giờ thì làng có trên 30 hộ trồng mai rồi. Có nhà hơn cả nghìn gốc, nhà trồng ít cũng vài trăm. Thời điểm những ngày giáp Tết, cả làng luân phiên giúp nhau lặt lá, chăm hoa".

"Dù 2 năm nay dịch Covid-19 khiến thị trường "đuối" hơn, mai không bán được nhiều như trước nhưng chúng tôi mừng là giá cả vẫn ổn định. Điều đó giúp bà con nơi đây có cuộc sống đủ đầy" - ông Hải nói.

Làng mai Bình Định trên cao nguyên nín thở chờ Tết - 2

Nhà dân nào trên đường Hà Huy Tập đều sở hữu những vườn mai đang chờ bán Tết.

Ông Trương Thanh Hòa một trong những người tiên phong mang mai vàng Bình Định lên mảnh đất phố núi này. Hiện vườn của ông Hòa có khoảng 1.000 gốc mai. Trong đó, mai thế chiếm 70%, còn lại là mai ghép. Giá bán thấp nhất là một triệu đồng/chậu mai, cao nhất thì lên tới vài chục, vài trăm triệu đồng tùy theo tuổi đời và thế cây. 

Mỗi năm, ông Hòa còn cho thuê 70-80 chậu với giá 2-10 triệu đồng để chơi Tết.

Thị trường của ông dần được mở rộng sang các tỉnh lân cận như Kon Tum, Đăk Lăk, Đà Nẵng.

Làng mai Bình Định trên cao nguyên nín thở chờ Tết - 3

Vì ảnh hưởng dịch Covid nên hoa mai ở TP Pleiku không đi nhiều tới các thành phố lớn mà chủ yếu dành tiêu thụ trên địa bàn. Vì vậy, giá thành cũng được các nhà vườn điều chỉnh giảm nhẹ.

Hơn 30 năm theo nghề trồng mai, ông Hòa kể: "Từ năm 2005, tôi mang theo 200 gốc mai từ quê nhà lên phát triển chúng trên vùng đất mới. Ban đầu, tôi chưa nắm được khí hậu, cách chăm nên nhiều cây mai nở sớm, có cây chết. Nhưng dần, tôi nắm bắt để điều chỉnh thời tiết cho hợp lý. Hiện nay, nhiều khách hàng ưa chuộng thuê chậu hoa mai hơn là mua. Giá thuê chỉ bằng 1/3 giá gốc. Nghề chăm mai không đói đâu nhưng cũng chỉ gọi là lấy công làm lời".

Làng mai vàng trên cao nguyên vào vụ Tết

Mọi năm, gia đình ông Hòa thu lãi hơn 400 triệu đồng từ cây mai. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh phức tạp, ông cũng lo lắng lượng khách đặt mua và thuê sẽ giảm hơn mọi năm. Cho dù bị ảnh hưởng của Covid-19, nhưng ông Hòa vẫn túc trực vườn mai chăm sóc, lặt lá, xử lý để cây ra hoa kịp bán Tết.

Ông cũng mong thời tiết thuận lợi và dịch Covid-19 sớm được đẩy lùi để hoa mai có thị trường tiêu thụ ổn định, phục vụ nhu cầu của người dân vui xuân, đón Tết. 

Làng mai Bình Định trên cao nguyên nín thở chờ Tết - 4

Các gốc mai rừng có đường kính lớn, qua bàn tay của những người thợ vườn trở thành sản phẩm có giá trị hàng triệu đồng.

Ngày bình thường, anh Mai Thanh Vũ (38 tuổi, tổ 5) làm thợ xây dựng, chăm sóc cà phê. Chiều tối về, anh lại dành thời gian để chăm chút hơn 400 gốc mai của gia đình. Hai năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid - 19, anh không thể đưa mai đi bán ở các thành phố lớn như Đăk Lăk, Đà Nẵng và các tỉnh Miền Trung…

Anh Vũ bộc bạch: "Nghề trồng mai không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn giúp tôi thỏa sức đam mê, sáng tạo… Hiện nay, tôi đang có khoảng 400 cây với các loại như: bonsai, lò xo, mai gốc lớn. Mỗi năm, tôi bán hơn 300 cây với các loại khác nhau. Số tiền bán được tôi lại dành để xuống Bình Định chọn những cây đẹp về chăm".

Làng mai Bình Định trên cao nguyên nín thở chờ Tết - 5

Hoa mai nhạy cảm với thời tiết nên nhiều hộ dân nơi đây phải chăm sóc tỉ mỉ và lặt lá đúng thời gian để mai nở chuẩn Tết.

"Những năm trước, tôi thường lấy khoảng 400 - 500 chậu mai và đưa đến các tỉnh thành lớn để bán, nguồn thu dịp Tết cũng phải mấy trăm triệu. Tuy nhiên, 2 năm nay do ảnh hưởng dịch nên tôi chỉ bán chợ hoa và phục vụ cho lượng khách quen thuộc nên cũng không áp lực về giá cả và số lượng mai. Nguồn thu năm ngoái giảm, còn khoảng 200 triệu đồng", anh Vũ cho biết thêm.

Ông Nguyễn Duy Trực (54 tuổi, đường Hà Huy Tập, phường Yên Thế, TP Pleiku, Gia Lai) những ngày này đang tất bật chăm sóc mai. Năm nay, ông chuẩn bị khoảng 500 gốc mai, sẵn sàng phục vụ Tết Nguyên đán. Giá mỗi chậu mai dao động từ một triệu đến 30 triệu đồng.

Làng mai Bình Định trên cao nguyên nín thở chờ Tết - 6

Những cây mai đang sắp được nhặt lá để bung nụ, khoe sắc dịp xuân về.

Ông Trực cho biết, để có được một gốc mai vàng đẹp, nở đúng thời điểm Tết đòi hỏi người trồng phải tính toán thời gian, theo dõi thời tiết, chăm chút tỉ mỉ suốt cả năm chứ không chỉ mấy ngày cận Tết. Ông Trực đã chuẩn bị nhiều biện pháp để ứng phó với tình hình thời tiết sắp tới. Chẳng hạn trời lạnh, mai nở chậm hơn thì phải lặt lá sớm hơn hoặc dùng đèn thắp để hỗ trợ cây sinh trưởng, còn nếu mưa làm mai nở sớm thì phải dùng lưới che bớt.

Bên cạnh lo lắng thời tiết, ông Trực còn đứng ngồi không yên vì dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ thêm khó. Dịp tết này, tuy nhà ông vẫn giữ nguyên số lượng mai như mọi năm nhưng giá cả thuê và bán mai sẽ giảm từ 20-30%.

Làng mai Bình Định trên cao nguyên nín thở chờ Tết - 7

Năm thời tiết lạnh cũng ảnh hưởng phần nào để chất lượng hoa mai.

Ông Trực cũng cho biết thêm, từ tháng 11 âm lịch, không khí tại làng mai ở đường Hà Huy Tập (Phường Yên Thế, TP Pleiku, Gia Lai) đã nhộn nhịp. Thời điểm này thương lái khắp nơi đổ về các làng mai dạo xem rồi đặt cọc tiền trước.

Năm nay do dịch Covid-19, thị trường giá cả mai Tết khó đoán. Vườn mai của ông  đa số chỉ cho thuê, ít bán. Mọi năm số lượng người thuê hoa cao gấp 3-4 lần người mua.