1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Làng có nghìn công nhân thất nghiệp

Ở một ngôi làng ngoại thành Hà Nội, cùng lúc có tới ngàn công nhân bị thất nghiệp, vì các doanh nghiệp bị đình chỉ sản xuất bởi một quyết định hành chính của chính quyền. Mất việc, cả làng nháo nhác gia nhập các “chợ người” Thủ đô.

Làng có nghìn công nhân thất nghiệp
Hàng chục người dân xã Đình Xuyên (Gia Lâm, Hà Nội) khi thấy phóng viên vào làng đã cầm đơn cầu cứu xin được đi làm việc.

 

Nháo nhác

 

Gần đây, trên đoạn đê Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội), hình thành tụ điểm “chợ người”. Những tháng gần đây, từ tinh mơ đã có hàng chục người độ tuổi lao động ngồi chờ người đến thuê. Áo công nhân bạc màu, khuôn mặt sạm nắng, chị Phạm Thị Thanh Mai ở xã Đình Xuyên (Gia Lâm, Hà Nội) đứng chờ ở “chợ người” Ngọc Thụy từ sáng sớm, nhưng tới khi mặt trời đứng bóng vẫn chưa có ai thuê.

 

Chị thở dài: “Trước đây tôi làm việc cho một cơ sở chế biến gỗ ép trong làng, thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng, tuy không cao nhưng công việc không quá vất vả, lại gần nhà. Ai dè xưởng đột ngột dừng hoạt động, khiến tôi và hàng nghìn lao động khác hằng ngày phải đi khắp phố phường kiếm việc làm”.

 

Cùng tụ hội tại “chợ người” Ngọc Thuỵ, còn có chị Loan, anh Khánh... người cùng xã Đình Xuyên. Chị Mai kể, giờ người Đình Xuyên đi khắp Hà Nội kiếm việc. Vì cách đây vài tháng, hàng chục hộ và doanh nghiệp sản xuất que kem, nến, gỗ dán... bị đóng cửa, vì những cáo buộc gây ô nhiễm môi trường.

 

Kéo theo đó, cả ngàn lao động trong làng thất nghiệp. “Thất nghiệp đúng lúc kinh tế khó khăn, nên cả làng lao đao”, chị Mai nói.

 

Khi phóng viên về làng tìm hiểu, chỉ trong giây lát, có hàng trăm người dân xã Đình Xuyên cùng nhau cầm đơn tới trình bày sự việc, ai cũng tha thiết mong sớm có việc làm.

 

Anh Nguyễn Khắc Quyền ở thôn 6 cho biết: “Gia đình tôi có 6 người đều làm công nhân trong xưởng chế biến gỗ, thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Nay cả gia đình mất việc, chúng tôi mất ăn mất ngủ, vì chẳng biết làm nghề gì khác để kiếm tiền chi tiêu cho cuộc sống”.

 

Kể từ khi xưởng gỗ bị đóng cửa tới nay, gia đình anh Quyền rơi vào cảnh “bữa đói bữa no”. Anh Quyền hằng ngày đạp xe đến các tuyến đường vành đai của Thủ đô gia nhập “chợ người” để chờ việc.

 

Hôm nào may mắn có người thuê thì kiếm được trăm ngàn, hôm nào mưa to gió lớn thì “treo niêu”.

 

Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Duy Ba (65 tuổi) ở thôn 1 cho biết, trước năm 1986, Đình Xuyên chỉ có nghề nấu rượu và chăn nuôi lợn. Sau đó, một số người nhập nghề làm diêm que, gỗ ép về, nhờ đó kinh tế các gia đình khấm khá.

 

Bản thân ông Ba làm công nhân diêm từ năm 1994, tại một xưởng sản xuất diêm que ở xã. Nay cả xã mất nghề, vì các xưởng diêm gỗ lạt ngừng hoạt động, đồng nghĩa “cần câu cơm” của nhiều gia đình không còn.

 

Theo chân ông Ba, tôi đến ngôi nhà cấp 4 cũ nát của gia đình. Bữa cơm dành cho 6 người ăn đạm bạc, chỉ vài hạt muối, đĩa dưa chua và rau muống luộc.

 

Ông Ba nói: “Mất việc mấy tháng rồi nên gia đình tôi phải cắt giảm mọi chi tiêu, ăn uống đạm bạc, đến xem ti vi, nghe đài cũng phải hạn chế vì sợ tốn tiền điện. Giờ đây, gia đình tôi lo được tiền đong gạo sống qua ngày đã là tốt lắm rồi, nhiều hộ còn khó khăn hơn. Nếu tình hình mất việc cứ kéo dài thế này, có lẽ cả gia đình tôi chết đói…”.

 

Vì sao?

 

Chủ doanh nghiệp sản xuất gỗ ép Thạch Thọ Ly sau khi doanh nghiệp phải ngừng hoạt động . 

 

Ông Thạch Thọ Ly (chủ cơ sở sản xuất gỗ ép) tại Đình Xuyên cho biết: “Mấy năm nay chúng tôi ký hợp đồng cung cấp gỗ ép cho Tập đoàn Hòa Phát, Cty Xuân Hòa và xuất khẩu, điều này đã mang lại lợi nhuận và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Mỗi năm, các cơ sở sản xuất gỗ ép và diêm que chi từ 45 đến 50 tỷ đồng để trả lương cho lao động tại chỗ, ngoài ra còn có một khoản để đóng góp vào việc xây dựng hạ tầng địa phương. Nay toàn bộ lao động này phải nghỉ việc, họ lấy đâu nguồn sống”.

 

Bà Nguyễn Thị Lựu, Giám đốc Cty Long Lựu, một trong những doanh nghiệp bị đình chỉ sản xuất nói: “Giữa lúc kinh tế cả nước rơi vào tình cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp sống cầm cự hoặc chết lâm sàng, giải thể, thì cuối năm 2011, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm ký quyết định đình chỉ hoạt động của các cơ sở gỗ ép tại Đình Xuyên, với lý do vi phạm về sử dụng đất, sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

 

“Mình tôi thì chẳng phải lo lắng gì, chúng tôi có thể chuyển cơ sở đến khu công nghiệp khác để sản xuất, nhưng hàng nghìn lao động địa phương đang làm việc tại các xưởng cũng bị mất việc, mất miếng cơm manh áo, chính quyền có lo nổi cơm cho họ không?”, ông Ly nói.

 

Theo báo cáo, quyết định đình chỉ sản xuất trên đã khiến nhiều cơ sở sản xuất diêm que và khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất gỗ ép, lâu nay đang giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động tại chỗ, nay phải ngừng hoạt động.

 

Cái lý mà chính quyền huyện Gia Lâm đình chỉ sản xuất, do những chủ cơ sở này tự thuê đất ruộng trũng của dân, san lấp làm mặt bằng sản xuất, chưa được phép của chính quyền.

 

“Chúng tôi thuê trả cho dân 200 kg thóc/sào/vụ, trong khi nếu dân cấy lúa thì chỉ được khoảng 50kg/sào/vụ. Bên cạnh đó, những gia đình cho thuê ruộng còn được ưu tiên nhận vào làm công nhân. Nên dân rất đồng tình”, một chủ cơ sở nói.

 

Ông Nguyễn Duy Thích, Chủ tịch UBND xã Đình Xuyên cho biết: Để giải quyết vấn đề mặt bằng cho các cơ sở sản xuất, xã đã nhiều lần có tờ trình gửi UBND huyện Gia Lâm, Sở Quy hoạch Kiến trúc đề xuất xây dựng cụm công nghiệp làng nghề Đình Xuyên.

 

Ngày 7/12/2011, UBND huyện Gia Lâm có văn bản phê duyệt dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng Cụm công nghiệp, làng nghề Đình Xuyên, với diện tích 20ha. Nhưng tới nay chưa triển khai được. Nên các chủ cơ sở sản xuất phải thuê đất của các hộ dân.

Còn về lý do gây ô nhiễm môi trường, từ cuối năm 2011, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường (CA Hà Nội) có văn bản số 39 trả lời UBND huyện Gia Lâm.

 

Cụ thể, cơ quan này tiến hành lấy 18 mẫu khí xung quanh khu vực sản xuất, 20 mẫu keo của cơ sở ông Thạch Thọ Ly và 9 hộ kinh doanh khác. Kết quả phân tích cho thấy, cả 18 mẫu khí xung quanh đều nằm trong giới hạn cho phép, 20 mẫu keo không phải là hóa chất nguy hiểm.

 

“Đây là làng nghề tồn tại từ mấy chục năm qua chứ không phải doanh nghiệp nơi khác đến đây mở xưởng. Vì thế, khi chưa làm được cụm công nghiệp làng nghề, thì không nên đình chỉ sản xuất các cơ sở này. Vì ảnh hưởng ngay cuộc sống của dân”, ông Thích nói.

 

Xin hoãn đóng học phí

 

Đình Xuyên có 9.500 dân, trong đó có hơn 3.000 người trong độ tuổi lao động. Do là xã ngoại thành, nên lâu nay Đình Xuyên tập trung phát triển kinh tế dựa chủ yếu vào lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, sản xuất diêm, chế biễn gỗ, làm nến, tái chế dược liệu xuất khẩu.

 

Giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chiếm 85%, trong đó thương mại là 42% và dịch vụ là 43%, nông nghiệp chỉ còn lại khoảng 15%. Do đó, cùng lúc có cả ngàn người thất nghiệp, khiến đời sống người dân khó khăn. Một số gia đình còn phải viết đơn xin tạm hoãn đóng học phí cho con, em.

 

Theo Minh Đức

Tiền Phong