1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Làng cắt tóc Kim Liên

(Dân trí) - Nghề cắt tóc ở làng Kim Liên, phường Phương Liên, quận Đống Đa đã có từ xưa. Nghề này có thời làm cho làng trở nên giàu có. Giờ đây, sau nhiều năm mai một làng bắt đầu khôi phục lại nghề truyền thống của mình.

“Sự tích” về nghề

 

Theo các cụ truyền lại, nghề cắt tóc bắt đầu từ ngày hội làng, có thầy địa lý Tả Ao đến dự. Lý trưởng đã nhờ thầy “xem” cho làng làm thêm nghề. Ông Tả Ao thấy làng có một số người làm nghề cắt tóc liền khuyên mọi người nên phát huy nghề này. Từ đó, làng cắt tóc Kim Liên trở thành nổi tiếng.

 

Thợ cắt tóc Kim Liên thường cắt cho nam giới kiểu tóc nồi đất, trẻ em kiểu chỏm trái đào, nhưng đến thời Pháp thuộc, kiểu cắt tóc đã có sự thay đổi lớn. Từ năm 1954 đến 1968, nghề cắt tóc của làng Kim Liên phát triển mạnh, nhiều “tay” cắt tóc của làng đã trở thành nổi tiếng, bắt đầu vươn ra làm ăn ở khắp các phố phường đất Hà thành. Tiếng lành đồn xa, không chỉ các hiệu nổi tiếng ở Hà thành  mà người dân làng đã đi các tỉnh lân cận để mở hiệu.

 

Chính nhờ nghề tổ và phong trào phát triển mạnh ấy nhiều thợ đã có tiếng trở thành những bậc “lão thành” trong nghề cắt tóc của làng như cụ Tổng Chu, Phạm Ngọc Phúc, Ba Chọi, ông Nguyễn Văn Thơm, Nguyễn Văn Mát, Nguyễn Văn Mậu, Phạm Duy Cốc, Nguyễn Đức Hiền... bây giờ có ông Phạm Huy Hao, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Đức Dũng...

 

Kỹ thuật cắt tóc đến Pháp cũng phải nể

 

Ông Nguyễn Đức Hiền 69 tuổi, một trong ít người thợ cắt tóc từ thời Pháp còn sống kể: “Tôi bắt đầu từ năm 14 tuổi, đến nay nghề cắt tóc chúng tôi đã duy trì được 4 đời. Thời Pháp dân làng chúng tôi thường cắt ở phố cột cờ. Ngày đó, cắt tỉ mỉ lắm. Khi bắt đầu cắt phải hỏi ý kiến của khách, sau đó mình mới khuyên nên cắt như thế nào cho phù hợp.

 

Mỗi khi cắt, tất cả các dụng cụ dao cạo râu, kéo đều phải ngâm qua nước nóng và cồn để tẩy rửa cho sạch. Trước khi cắt tóc, người thợ phải lấy khăn nước ấm lau mặt, lấy bông nhét lỗ tai, cho khỏi nghe thấy tiếng kéo. Nước xả lên tóc phải có mùi nước hoa để tạo ra hương thơm. Khi cắt xong trên người khách không có sợi tóc nào dính lên đó mới là đạt, vì người Pháp rất khó tính và cầu kỳ”.

 

Ngày đó, tiếng Pháp là ngôn ngữ thứ 2 của những người thợ cắt tóc. Và những người khách cắt tóc của làng phần lớn là người Pháp và Trung Quốc. Sau đó, làng đã thành lập một công ty dịch vụ cắt tóc mang tên Phạm Ngọc Phúc. Công ty làm việc rất nghiêm ngặt, đặt chữ tín lên hàng đầu. Ai đến cắt đều có phiếu và người đó muốn chọn ai cắt tóc tuỳ theo ý mình. Khi mỗi người cắt tóc xong đều có góp ý vào quyển sổ. Chính những “kỷ luật” đó  đã tạo cho làng cắt tóc Kim Liên trở thành nổi tiếng.

Đến làng cắt tóc Kim Liên, khách hàng không thể quên được tài “hóm hỉnh” của những người thợ cắt tóc. Vào nghề, điều đầu tiên họ được học không chỉ là cầm kéo làm đẹp mà còn là thái độ làm thế nào để người cắt tóc vui vẻ, thoải mái mới là thành công. Đó là nghệ thuật gây “tình cảm” khách hàng của làng nghề này.

 

Khôi phục lại nghề truyền thống

 

Những năm 70 - 80 cả làng có 80% người làm nghề cắt tóc nay chỉ còn khoảng 10%. Công ty dịch vụ cắt tóc Phạm Ngọc Phúc bây giờ cũng đã giải thể vì cũng không còn ai sống nổi với nghề này, lại phải bỏ nghề đi buôn.

 

Buồn trước nghề truyền thống bị mất đi, ông Hiền cho biết: “Nghề cắt tóc trước đây một người có thể nuôi cả gia đình, giờ đây chỉ nuôi sống được bản thân, nên nhiều người đã chuyển nghề. Tuy biết là vậy nhưng đây là nghề truyền thống của làng không để cho nó mất đi. Người làng còn thì phải còn nghề cắt tóc”.

 

Ông Bùi Minh Hoàng - chủ tịch UBND phường Phương Liên cho biết: “Tháng 4 vừa qua, trong ngày lễ Hội làng, làng Kim Liên đã mở cuộc thi “Tay kéo vàng” và có rất nhiều người tham gia và làng đã ra mắt Câu lạc bộ cắt tóc nhằm ôn lại nghề xưa và tôn vinh thương hiệu cắt tóc Kim Liên.

 

Qua Hội làng này chúng tôi hy vọng những thanh niên của làng không quên được nghề truyền thống của mình và chúng tôi sẽ có những kế hoạch để phát triển nghề cắt tóc Kim Liên trở lại như thời xưa”.

 

Hồng Hạnh