1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lần đầu tiên ngư dân Phú Yên tự đóng được tàu 650CV

(Dân trí) - Xí nghiệp đóng tàu Hùng Thi vừa hạ thủy tàu cá vỏ gỗ công suất 650 mã lực. Đây là con tàu được đóng hoàn toàn bằng các kỹ thuật truyền thống của người dân Phú Yên.

Lần đầu tiên ngư dân Phú Yên tự đóng được tàu 650CV

Theo đó, chiếc tàu cá mang số hiệu PY 95627 TS của ngư dân Đặng Ân ở thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa vừa được hạ thủy ngày 21/10. Tàu dài gần 21 mét, rộng 6,6 mét, cao 3,3 mét và lắp máy mới máy chính hiệu Yanmar của Nhật Bản sản xuất với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng bằng nguồn vốn tự có.

Được biết, con tàu chủ yếu được đóng bằng kỹ thuật truyền thống của người dân Phú Yên, còn đối với các máy móc thiết bị hiện đại thì được chủ xí nghiệp mời các chuyên gia có kinh nghiệm lắp ráp.

Con tàu được đóng hoàn toàn bằng các kỹ thuật truyền thống của người dân Phú Yên.
Con tàu được đóng hoàn toàn bằng các kỹ thuật truyền thống của người dân Phú Yên.

Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNN tỉnh Phú Yên, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có gần 30 cơ sở đóng và sửa chữa tàu thuyền nhưng quy mô nhỏ, thường chỉ đóng tàu vỏ gỗ công suất đến 400 mã lực. Nếu muốn đóng tàu công suất lớn, ngư dân thường phải ra ngoài tỉnh như Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận...

Khi đi nơi khác để đóng tàu người dân thường phải bỏ thêm chi phí để ăn ở, đi lại, mặc khác việc đóng ở những cơ sở lạ không giám sát được kỹ càng nên người dân không an tâm.Vì vậy việc có xí nghiệp đóng tàu ngay tại tỉnh Phú Yên đóng được tàu công suất lớn đã tạo thuận lợi cho ngư dân rất nhiều.

Tàu được lắp máy mới máy chính hiệu Yanmar của Nhật Bản
Tàu được lắp máy mới máy chính hiệu Yanmar của Nhật Bản

Ông Nguyễn Cử, đại diện chủ tàu PY 95627 TS, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên: Việc có 1 xí nghiệp đóng tàu công suất lớn ngay trên địa bàn tỉnh là rất thuận lợi cho mình vì khi đi đóng ở nơi khác mình thường không an tâm về chất lượng. Nếu ở giám sát mà hàng tháng trời thì lại tốn thêm rất nhiều chi phí. Với tình hình đi biển như hiện nay thì chiếc tàu lớn này làm ăn chắc chắn sẽ có nhiều hiệu quả...

Cùng chung quan điểm với ông Cử, ngư dân Tống Thái Tân, thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên nói: Lâu nay, muốn đóng mới tàu thuyền từ 400CV trở lên thì ngư dân phải đi Bình Định. Đi lại thì quá xa và cách trở, tốn kém chi phí, chính vì vậy ở Phú Yên mà đóng được tàu lớn như vậy thì rất thuận lợi cho bà con ngư dân chúng tôi.


Hạ thủy thành công con tàu trong niềm vui sướng của nhiều ngư dân địa phương

Hạ thủy thành công con tàu trong niềm vui sướng của nhiều ngư dân địa phương

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết, trên địa bàn tỉnh nhu cầu đóng mới tàu cá công suất lớn mỗi năm từ 70 đến 100 chiếc và khoảng 30% số tàu cần sửa chữa, nâng cấp phục vụ khai thác xa bờ. Trong bối cảnh khu sửa chữa, đóng mới tàu thuyền ở phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa mới bị triều cường “xóa sổ” thì xí nghiệp mới này sẽ tạo điều kiện cho ngư dân trong việc sửa chữa tàu thuyền.

Ông Nguyễn Tấn Hùng, Xí nghiệp đóng tàu Hùng Thi cho biết, sắp đến chúng tôi sẽ xin chủ trương để mở rộng cơ sở đóng tàu. Thứ nhất là có nơi để ngư dân sửa chữa tàu thuyền, ngoài ra cũng tạo công ăn việc làm cho người dân lao động Phú Yên.

Trung Thi