1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

"Làm tốt chính sách người có công là thể hiện đạo lý dân tộc"

(Dân trí) - Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc với ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội năm 2019, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020.

Tham gia buổi làm việc cùng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung còn có ông Đỗ Trọng Hưng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa; ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; cùng với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

Làm tốt chính sách người có công là thể hiện đạo lý dân tộc - 1

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc với ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa.

Tạo hơn 69.000 việc làm mới

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại diện Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cho biết, năm 2019, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho trên 69.000 lao động, trong đó số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động là trên 10.000 người.

Toàn tỉnh đã có 3/5 huyện, thành phố được đưa ra khỏi danh sách bị tạm dừng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc; tổ chức thành công 31 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 4 phiên lưu động tại các huyện...

Đến hết tháng 11/2019, toàn tỉnh Thanh Hoá có 9.785 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH, với 378.787 người tham gia (tăng 671 đơn vị và 41.195 người tham gia so với cùng kỳ năm 2018) và có 320.394 người tham gia BHTN.

Công tác tuyển sinh đào tạo nghề được đẩy mạnh. Ước thực hiện năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tổ chức tuyển sinh, đào tạo mới cho trên 83.000 học sinh.

Đối với lĩnh vực người có công (NCC), ngành đã tham mưu tổ chức thực hiện tốt các hoạt động tri ân NCC với cách mạng nhân dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 và kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ; phát động mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc, nâng cao mức sống của NCC và gia đình; phối hợp với ngành Xây dựng tiếp tục thực hiện hỗ trợ NCC với cách mạng có khó khăn về nhà ở đảm bảo tiến độ theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch xoá nghèo cho 666 hộ nghèo thuộc chính sách NCC.

Đến thời điểm hiện tại, số hộ nghèo toàn tỉnh Thanh Hóa đã giảm còn 32.230 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,27%; so với cuối năm 2018, toàn tỉnh đã giảm được 25.259 hộ nghèo, tương ứng giảm 2,57%.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chuyển đổi hình thức chi trả trợ cấp ưu đãi NCC thông qua hệ thống bưu điện đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng quy định cho hơn 77.000 NCC; quan tâm xử lý, giải quyết chế độ, chính sách mới cho 6.654 NCC và thân nhân...

Các lĩnh vực xã hội, cơ quan LĐ-TB&XH các cấp đã tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo.

Các địa phương, đơn vị đã thực hiện đầy đủ, kịp thời việc chi trả chế độ trợ cấp, trợ giúp hàng tháng của trên 203.600 đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và 1.050 đối tượng nuôi dưỡng tập trung.

Không được bằng lòng với kết quả đạt được

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá: "Thanh Hóa là địa phương phát triển nhanh, mạnh từ 5 đột phá. Tỉnh cũng là địa phương có dân số lớn, địa bàn vùng sâu vùng xa nhiều nhưng không thiếu đói.

Thanh Hóa hội tụ thế mạnh về các loại hình giao thông đường hàng không, đường sông, đường biển, đường sắt, đường bộ; nhân lực dồi dào, tiềm năng con người lớn".

Làm tốt chính sách người có công là thể hiện đạo lý dân tộc - 2
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm, kiểm tra Dự án cập nhật số hóa hồ sơ người có công tại Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa.

Trong những năm qua, Thanh Hóa làm tốt về việc xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đây là cuộc cách mạng đối với nông thôn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý không được bằng lòng với những gì đã đạt được mà phải tiếp tục phấn đấu. Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý không được để đồng bào lâm vào tình cảnh đói bữa. Phải quan tâm tạo công ăn, việc làm cho người dân. Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có thể nói là đột phá của tỉnh Thanh Hóa.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Thanh Hóa là một trong những địa bàn có tỷ lệ NCC đông nhất cả nước, đặc biệt là lực lượng cựu Thanh niên xung phong, NCC với cách mạng...

Theo Bộ trưởng, đây là lĩnh vực Thanh Hóa có truyền thống làm tốt; cơ bản các chính sách NCC đến với NCC nhanh, đúng, đủ, kịp thời. Tuy nhiên, tình trạng khiếu kiện vẫn còn.

Làm tốt chính sách người có công là thể hiện đạo lý dân tộc - 3

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà đối tượng người có công.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn trong thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH chính là hiện thân của nhân văn, đạo lý, ngành được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ làm công việc thể hiện được sự ưu việt của chế độ.

Bộ trưởng trăn trở: “Những người chăm sóc trẻ em tâm thần, mồ côi, thương binh, những người làm nhiệm vụ quản trang trên cả nước là những người yếu thế, đang bị thiệt thòi. Vì vậy, nếu như không có tấm lòng thì rất khó làm”.

Đồng thời, Bộ trưởng lưu ý ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa tập trung thực hiện tốt công việc của mình, trong đó rất chú trọng đến việc giảm nghèo, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Đây chính là bền vững của người dân, gốc của vấn đề.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Thanh Hóa hiện còn để xảy ra một số hiện tượng đáng phải lưu tâm đó là bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; đuối nước trẻ em còn nhiều, còn nhức nhối. Những vấn đề liên quan đến NCC không để ai bị chịu thiệt thòi, cái gì còn tồn đọng phải giải quyết đến nơi đến chốn. Không để đất nước đã bao năm hòa bình rồi mà NCC khiếu kiện kéo dài.

Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng mong ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa cần tăng cường công tác tham mưu, đề xuất với Bộ, trung ương. Riêng trong ngành sớm hiện đại hóa và tin học hóa toàn bộ những quy trình, nhất là việc hồ sơ, số hóa chi trả... để đảm bảo tính minh bạch, công khai.

Một số kiến nghị 

Theo Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá, hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH chưa ban hành văn bản quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc ngành LĐ-TB&XH. Điều này khiến nhiều cán bộ, viên chức mặc dù đã có bằng đại học hoặc cao đẳng nhưng vẫn hưởng lương theo bậc lương trung cấp.

Sở LĐ-TB&XH kiến nghị Bộ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu ban hành Thông tư hướng dẫn về thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức thuộc ngành LĐTBXH; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu ban hành văn bản quy định chế độ tiền lương, phụ cấp, trợ cấp đối với công chức, viên chức và người lao động đang làm việc tại các cơ sở chăm sóc, điều dưỡng NCC.

Đồng thời, Sở kiến nghị Bộ sớm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu tham mưu ban hành hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các dịch vụ cai nghiện phục hồi; dịch vụ hỗ trợ người bán dâm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại cộng đồng; chăm sóc, điều dưỡng cho người có công với cách mạng v.v… để làm cơ sở xác định khung giá dịch vụ công do các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành LĐ-TB&XH cung cấp.

Duy Tuyên