“Làm thuê” Nhà nước, hưởng lương tiền tỷ

Một nghịch lý đang tồn tại là, nếu lương thưởng của các lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước chỉ 10 đến 30,40 triệu đồng/tháng thì… không ai tin, nhưng nếu nhận tiền tỷ/năm thì cũng thành chuyện gây “sốc” cho toàn xã hội. Nên, theo một vị đại biểu Quốc hội, đã lúc phải nhìn vào thực tế để có sự thay đổi.

Ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: VPQH
Ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: VPQH

“Làm thuê” nhưng lĩnh tiền tỷ

Chủ các doanh nghiệp tư nhân trong nước hoặc lãnh đạo các công ty có vốn đầu tư nước ngoài dù nhận lương, thưởng, phụ cấp… cao thế nào cũng là chuyện bình thường bởi vì họ tự bỏ vốn đầu tư, lãi hưởng, lỗ chịu. Với đơn vị hoạt động theo mô hình doanh nghiệp 100% vốn sở hữu của Nhà nước thì chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với một số vị trí chủ chốt như hội đồng thành viên, ban điều hành và kế toán trưởng phải tuân theo các văn bản quy phạm pháp luật, mới nhất là Nghị định số 51 ngày 14/5/2013.

Nói một cách dễ hiểu, “sếp” ở các doanh nghiệp này không tự bỏ tiền ra kinh doanh, mà về bản chất là người làm thuê cho Nhà nước. Do đó, thu nhập từ những vị trí này cũng phải có giới hạn, chứ không thể “hưởng” nhiều như ở các doanh nghiệp tư nhân.

Thế nhưng, sự thể không vậy. Ngày 26/8/2013, UBND TPHCM đã kết luận về sai phạm do chi tiền lương, thưởng sai quy định tại 3 công ty TNHH một thành viên: Thoát nước đô thị, Công trình giao thông Sài Gòn và Chiếu sáng công cộng.

Tổng tiền phải thu hồi là hơn 6,2 tỉ đồng. Vụ việc gây xôn xao dư luận với khoản lương thưởng trên 2 tỷ đồng/năm của Giám đốc công ty chiếu sáng công cộng; 2,6 tỷ đồng/năm của lãnh đạo Công ty Thoát nước đô thị; Giám đốc Công ty công trình giao thông Sài Gòn cũng nhận 856 triệu đồng/năm.

Mới đây, cũng tại một công ty do Nhà nước sở hữu 100% vốn là Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bạc Liêu, thu nhập của Tổng giám đốc đạt gần 1 tỷ đồng trong năm 2013. Các vị trí khác gồm 2 phó giám đốc và kế toán trưởng cũng “hưởng” gần 500 đến hơn 600 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, căn cứ vào Nghị định 51/2013, mức lương của tổng giám đốc, giám đốc chỉ từ 21 triệu đến 27 triệu đồng mỗi tháng (tùy theo công ty); kế toán trưởng từ 16 triệu đến 21 triệu đồng.

Đồng lương chỉ trên danh nghĩa

Với cơ chế tính thu nhập hiện tại (lương, thưởng, phụ cấp…) cho “sếp” của các đơn vị Nhà nước, mức tiền từ hơn 10 triệu đồng đến 36 triệu đồng/tháng (chủ tịch tập đoàn) đang bộc lộ nhiều băn khoăn mỗi khi xuất hiện những thông tin về lương tiền tỷ của lãnh đạo các doanh nghiệp công ích.

Năm 2012, Bộ luật Lao động ra đời, sau khi có Nghị quyết Trung ương 6 thì Chính phủ ra Nghị định 50 và Nghị định 51 vào giữa năm 2013 quy định chặt chẽ cách hạch toán lương, mức lương của viên chức quản lý trong doanh nghiệp Nhà nước, phân định rõ trong tập đoàn kinh tế là bao nhiêu, tối đa là bao nhiêu, trong tổng công ty là bao nhiêu với chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng…

Tuy nhiên, qua nhiều lần thay đổi, cơ chế hiện tại vẫn chưa phản ánh hết thực tế “thu nhập từ cơ quan” của các “sếp”.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định: “Hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp có sống bằng lương đâu, nhưng chúng ta không bao giờ dám nói thật với nhau cả.

Thực tế là như thế. Phải dám nhìn vào thực tế là thu nhập thực sự của mỗi cương vị quản lý cần là bao nhiêu cho hợp lý. Nếu không thay đổi thì đồng lương vẫn chỉ là trên danh nghĩa”.

Theo lời ông Cương, với các cấp lãnh đạo mà tính lương như hiện nay thì không đủ lo cho bản thân, chưa nói đến gia đình. “Cuộc sống của họ đâu chỉ có tiền cơm gạo, điện nước, còn những vấn đề khác, nhiều lắm. Nếu không tính đúng, tính đủ, chúng ta cứ nghĩ rằng họ sống ổn nhờ lương nhưng thực tế người ta sống bằng các nguồn thu khác, các nguồn có thể sai phạm, bất hợp pháp…”, ông Cương bày tỏ.

Ông Nguyễn Sỹ Cương tán đồng quan điểm phải có cách tính lương khác cho lãnh đạo các doanh nghiệp, đơn vị Nhà nước. “Khi đưa ra cơ chế tiền lương thì nên cho doanh nghiệp chủ động, tất nhiên phải có cách thức kiểm soát, chứ không lại thất thoát và tham nhũng ngay.

Nhưng đồng lương, thu nhập thực tế cũng phải tính trên cơ sở hiệu quả làm ăn của doanh nghiệp để người ta quyết mức tiền như thế nào, đồng thời cũng không thể cố định mãi. Thời điểm làm ăn được, hay thua lỗ thì lương, thưởng phải khác”, ông Cương nói.
Theo Báo Gia đình Xã hội
Tại một cuộc họp báo vào tháng 8/2013, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (khi đó là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) đã thẳng thắn cho biết lương của lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước thì với quy định của Chính phủ, mức cao nhất không quá 36 triệu đồng/tháng đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên của tập đoàn. Trong trường hợp cuối năm nếu kinh doanh tốt thì có thể thưởng thêm nhưng không quá 0,5 lần mức lương.