Làm thầy có hơn làm thợ?
(Dân trí) - Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa - thiếu nguồn nhân lực ở Việt Nam là do người trẻ mới lập nghiệp vẫn nặng tâm lý muốn làm thầy, cho rằng chỉ như vậy mới chứng tỏ được sự thành công khi ra đời.
Tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”
Trong khi các cơ quan chức năng đã và đang đau đầu tìm giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động thì chúng ta đồng thời lại phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lao động có tay nghề cao.
Một hiện tượng phổ biến hiện nay ở các doanh nghiệp là rất dễ dàng khi tuyển dụng lao động phổ thông (thợ rèn, gò, hàn, công nhân bốc vác, thợ là quần áo,…) nhưng để tuyển dụng những lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao (kỹ sư vận hành máy, thợ điện,…) thì lại gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó còn tồn tại hiện tượng: Thí sinh dự tuyển không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng mặc dù họ có đủ những bằng cấp, chứng chỉ cần thiết. Phần lớn những người này vào trường học nghề sau khi không thi đậu đại học. Với họ, học nghề chỉ là một giải pháp tạm thời chứ không phải là một niềm say mê.
Đâu là nguyên nhân
Nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này trước hết là do khâu định hướng đào tạo. Hầu hết thanh niên, học sinh sau khi học xong phổ thông chỉ thích thi vào đại học, không thích học trường dạy nghề. Có những thí sinh khi coi trường nghề là nơi “học tạm” để chờ cơ hội mới ở trường ĐH.
Một nguyên nhân nữa là họ không được tư vấn việc làm đầy đủ. Hiện tượng này cũng hạn chế khả năng tiếp cận thông tin và lựa chọn nghề nghiệp một cách thích hợp đối với người lao động. Người lao động chỉ đổ xô vào những vị trí nghe “oai” chứ chưa xem xét đến các mặt khác.
Nguyên nhân thứ ba không kém phần quan trọng là chương trình đào tạo của chúng ta còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Hầu hết các trường học chưa có những chương trình hỗ trợ sinh viên những kỹ năng cần thiết cho công việc sau khi ra trường.
Đi tìm giải pháp
Công tác tuyên truyền cần được đầu tư thích đáng để thay đổi tâm lý chỉ muốn làm thầy của người lao động. Người lao động cần được định hướng nghề nghiệp ngay từ lúc chọn trường học, ngành học sao cho phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường lao động hiện nay. Chẳng hạn, những nghề như: Trắc địa - Địa chính, Điện dân dụng và xí nghiệp, Điện công nghiệp, Cơ khí, Kỹ nghệ sắt (rèn, gò, hàn)… có đến 90% học viên sau khi tốt nghiệp ra trường đều có việc làm, tại sao thí sinh không thích đăng ký vào những ngành này để dễ dàng ở “đầu ra”?
Công tác giáo dục, đào tạo: Các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề cần có những chương trình hỗ trợ sinh viên những kỹ năng cần thiết sau khi ra trường để giúp họ tiếp cận với công việc một cách dễ dàng. Khi đã có những kỹ năng cần thiết, các sinh viên này sẽ tự tin và dễ dàng hoà nhâp vớI công việc của mình.
Chính sách phù hợp: Song song với những biện pháp trên, chúng ta cần có chính sách đãi ngộ hấp dẫn để thu hút nhân tài. Những doanh nghiệp yêu cầu lao động tay nghề cao cần có chế đọ trả lương xứng đáng và chế độ lao động tốt để giữ chân người lao động.
Thuỳ Trang