1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Làm gì nếu không đậu Đại học?

Thi cử luôn là câu chuyện của duyên số. Vậy mà kì thi tốt nghiệp vừa khép lại, nhiều bạn đã khóc như mưa”. Việc gì phải như vậy khi còn rất nhiều điều đang chờ đợi bạn?

Những người quyết định ôn học lại một năm là những bạn đáng ngưỡng mộ vì đó không phải là quyết định đơn giản
Những người quyết định ôn học lại một năm là những bạn đáng ngưỡng mộ vì đó không phải là quyết định đơn giản

Lúc trước nếu việc thi Đại học chỉ đơn thuần là một thì nay với cơ cấu mới của Bộ kì thi Quốc gia đã tích hợp hai trong một vừa tốt nghiệp vừa đại học nên điều này mang một áp lực lớn hơn cho sĩ tử theo kiểu “một ăn cả, ngả về không”.

Thi Đại học kiểu này giống như việc bạn đang thử sức ở môn nhảy xa. Trong quá trình bật cao biết bao suy nghĩ hiện lên trong đầu bạn: Mình sẽ nhảy được bao xa, mình có tiếp đất đúng mục tiêu đã vạch ra?... Bao kì vọng, công sức bạn bỏ ra đều đổ dồn vào khoảnh khắc tích tắc bật lên không trung ấy.

Cho đến khi bạn tiếp đất, bạn vấp ngã hoặc tệ hơn thế, bạn có thấy mình đang phản bội chính bản thân, chính ba mẹ đã vất vả, kì vọng về mình? Đừng vội nhìn xuống đất mà bật khóc, từ nơi vấp ngã hãy nhìn về phía trước xem mình phải làm gì tiếp theo.

Dành thời gian để nghỉ ngơi

Ngay khi chưa có kết quả thi hãy thôi tự dằn vặt bản thân vì những phút ngu ngốc khi làm bài đi vì nều cứ tiếp tục hành hạ, ủ rũ bạn cũng đâu thể thay đổi được gì, phải không? Hãy cứ vui chơi, xả stress, làm những gì mình muốn vì trong quá trình “khổ luyện” ôn thi chẳng phải bạn đã lập ra cả list những thứ mình muốn làm sau khi thi xong ư?

Cứ đắm chìm trong nỗi buồn và sự thất vọng, đồng nghĩa với việc bạn đang bước xa khỏi những cơ hội thành công bạn có thể có nếu chọn lựa suy nghĩ theo hướng tích cực hơn.

Nghĩ lại về bản thân

Sau những “cuộc vui” nhằm giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi bạn hãy dành lại chút thời gian suy nghĩ về những sai lầm trong kì thi vừa rồi. Là suy nghĩ tích cực để tìm ra lỗi sai mà rút kinh nghiệm cho lần sau chứ không phải là suy nghĩ tiêu cực hành hạ mình theo kiểu “than thân, trách phận”.

Dù bạn có ở đâu, làm gì hãy tâm niệm một cách hài hước rằng “mình chỉ được có một cơ hội duy nhất để thất bại vì lý do như thế này mà thôi” – Thay vì tốn thời gian trách móc bản thân hãy để thời đó hoàn thiện bạn bằng những suy nghĩ tích cực như thế nhé!

Tiếp tục đi hoặc rẽ hướng khác

Nếu đã có kết quả và đó không phải là điều mà bạn mong muốn hãy suy nghĩ về điều mà bạn thật sự thích làm nhất ở hiện tại và mục tiêu thật sự của bạn trong tương lai. Kết hợp hai câu trả lời đó bạn sẽ tìm được đích đến của mình.

Nếu bạn thật sự coi đại học là hướng đi duy nhất trong hiện tại vậy thì cứ cố gắng thêm một năm “đèn sách”. Đã là mục tiêu thì bạn sẽ vượt qua được định kiến, vượt qua sự dè bỉu của xã hội.

Nếu có một hướng đi khác cũng chẳng sao vì Đại học không phải là con đường duy nhất đến thành công. Bạn có thể học cao đẳng, học nghề, đi làm ngay hoặc có điều kiện hơn hãy đi du học để trau dồi ngoại ngữ. Mỗi lựa chọn sẽ là một hướng đi, chỉ cần bạn không ngừng cố gắng, đường đến đích cũng sẽ sớm rút ngắn theo bước chân của bạn.

Du học cũng là một lựa chọn khá lý tưởng cho những bạn nhà có điều kiện. Song đừng xem du học là vỏ bọc hoàn hảo cho việc thi rớt nhằm tránh sự dè bỉu của những người xung quanh. Hãy chỉ chọn nó khi bản thân bạn thực sự muốn và có trách nhiệm với lựa chọn của mình.

Hơn 7 tỉ người trên thế giới này đang vật lộn với những vấn đề trong cuộc sống của họ. Chỉ đến khi họ gần chạm đến cái chết họ mới thực sự nghĩ về những gì họ muốn làm, những con người họ yêu quý. Vậy nên, trong số hàng chục tỉ vấn đề đó đại học không là gì cả. Đừng tưởng thế giới sẽ sụp đổ mà hãy cứ tiếp tục sống hết mình cho hiện tại và suy nghĩ về tương lai, các bạn nhé!

Theo Báo Lao động