Đào tạo đại học, cao đẳng cử tuyển: Lãng phí tiền của Nhà nước
Trong những năm gần đây, nhiều nơi cử tuyển theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, gây ra nhiều bất bình trong dư luận xã hội.
Đã nảy sinh nhiều bất cập, không phù hợp thực tế khi triển khai thực hiện Nghị định 134 của Chính phủ về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân
Tình trạng sinh viên cử tuyển ra trường không có việc làm ngày càng tăng, gây lãng phí tiền của Nhà nước. Bây giờ, cả người học, gia đình lẫn chính quyền địa phương đều ngao ngán.
Thực tế cho thấy, hàng năm khi lập kế hoạch cử tuyển nhiều nơi chưa căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương mà đã cử tuyển ồ ạt.
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Huế, người từng có nhiều năm giảng dạy sinh viên cử tuyển cho rằng, công tác cử tuyển thời gian qua chưa gắn với nhu cầu sử dụng sau đào tạo.
Ông Nguyễn Dung nói: “Một trong những sai lầm là do kế hoạch của một số địa phương. Theo tôi, bây giờ đào tạo theo địa chỉ, phải đánh giá cho được nhu cầu có cần thiết và tính thời điểm ra trường. Chúng ta đừng chạy đua và đừng cố đào tạo cho hết chỉ tiêu”.
Trong những năm gần đây, nhiều huyện miền núi ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đều “nói không” với cử tuyển. Ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, bổ sung cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng cho miền núi là cần thiết. Thế nhưng, nhiều sinh viên cử tuyển sau khi ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc, có nơi tuyển dụng vào cũng đành “ngồi chơi xơi nước”.
Trong khi đó, cũng là con em đồng bào dân tộc thiểu số, cha mẹ lo tiền nuôi ăn học, tốt nghiệp đại học loại khá trở về địa phương gõ cửa xin việc khắp nơi đều bị chối từ với lý do ưu tiên tuyển dụng sinh viên cử tuyển.
Ông Phong cho rằng, chính điều này đã gây ra sự bất bình trong nội bộ nhân dân địa phương: “Chúng ta nên xây dựng chính sách lại cho phù hợp hơn đối với đồng bào. Chúng ta cho con em cần câu cá chứ không phải là con cá. Hãy để cho các em cạnh tranh từ PTTH vào đại học. Nếu em nào học giỏi, khi ra trường bố trí việc làm cho các em sẽ có chất lượng phục vụ tốt hơn. Chúng ta nên có chính sách hỗ trợ cho các em học khá, học giỏi”.
Theo kết quả giám sát gần đây của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về cử tuyển, có 52 tỉnh với hơn 20.000 học sinh thuộc 49/54 thành phần dân tộc được thụ hưởng chính sách cử tuyển.
Một số dân tộc có mặt bằng trình độ dân trí cao hơn, có số lượng học sinh cử tuyển khá đông như: Tày, Thái, Khmer, Nùng, Mông, Mường, Dao… Tuy nhiên, cũng có một số dân tộc chỉ từ 1-2 học sinh được cử tuyển như: Cơ lao, Cống, Mảng, Rơ măm, Lự, Pà thẻn, Lô lô... Một vài dân tộc chưa có học sinh cử tuyển, như: Ngái, La hủ, Si la, Brâu, Ơ đu... Một số dân tộc đặc biệt ít người cũng chưa có, hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp nhưng các địa phương cũng chưa quan tâm cử tuyển.
Hiện nay, chính sách cử tuyển vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Đứng ở góc độ chung, đây là một chính sách nhân văn, góp phần tạo nguồn cán bộ cho địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, trong quá trình thực hiện chính sách này đã bộc lộ những hạn chế cần sớm khắc phục.
Ngày 15/5/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 49 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân cho phù hợp với tình hình hiện nay. Ủy ban Dân tộc cũng đã đề xuất một số giải pháp cụ thể về đổi mới công tác cử tuyển và nhận được sự đồng thuận của Bộ Giáo dục - Đào tạo cùng các bộ, ngành hữu quan.
Ví dụ như xem xét cấp học bổng đối với các học sinh, sinh viên trúng tuyển thẳng vào các trường đại học; hỗ trợ những sinh viên học tập tốt, trúng tuyển thẳng, để không quá thiệt thòi so với học sinh, sinh viên cử tuyển; xây dựng cơ chế cạnh tranh đầu vào cử tuyển và tổ chức xét tuyển công khai vào vị trí việc làm sau đào tạo.
Khẳng định cần phải tiếp tục thực hiện chính sách này để tạo nguồn cán bộ cho các địa phương miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, ông Sơn Phước Hoan đề nghị: “Chúng ta cần điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với thực tế, đặc biệt đối với 16 dân tộc thiểu số rất ít người cần có chính sách này. Đối với các địa bàn ở biên giới đặc biệt khó khăn, những vùng đó chúng ta cần có chính sách cử tuyển. Phần kinh phí đào tạo nên thống nhất từ kinh phí Trung ương sẽ tốt hơn là giao cho các địa phương. Chúng ta không thể đào tạo ồ ạt được, đào tạo có địa chỉ, đúng theo nhu cầu sử dụng, xây dựng chiến lược nguồn nhân lực cán bộ dân tộc thiểu số”.
PGS. TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, sau một thời gian dài thực hiện chính sách này, số sinh viên cử tuyển đã qua đào tạo dôi ra khá nhiều. Trong khi đó, việc làm ở vùng sâu, vùng xa lại có hạn. Vì vậy, việc đào tạo cần chú trọng đến chất lượng, căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng thực tế của địa phương, không nên đào tạo tràn lan.
Theo PGS TS Bùi Văn Ga nên đổi mới quan niệm về chích sách cử tuyển.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng lưu ý: sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp cũng phải chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm, kể cả trong các doanh nghiệp tư nhân; không nên nghĩ rằng đào tạo cử tuyển xong là phải được vào làm việc tại các cơ quan của Nhà nước hay trông chờ sự phân công, bố trí công việc của địa phương.
Ông Bùi Văn Ga nói: “Chính phủ đã sửa đổi Nghị định 134 về cử tuyển, quy định rất rõ chính sách cử tuyển mới, có ràng buộc một phần trách nhiệm của địa phương trong việc cử tuyển và sau đó sử dụng lao động và cũng quy định thời gian chờ việc để phân công, nếu thời gian chờ đó không còn nữa tự đi tìm việc làm.
Chúng ta phải quan niệm cử tuyển rộng hơn, trước đây kế hoạch đào tạo em nào phải bố trí công việc gì cụ thể, bây giờ công việc rộng rãi, sắp tới hội nhập quốc tế, chuẩn bị cuối năm nay hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, việc đào tạo ra không phải là Việt Nam mà phải đi các nước khác nữa”.
Cử tuyển học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp là một chính sách nhân văn hướng tới đào tạo nguồn cán bộ có trình độ chuyên môn, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương còn nhiều nghèo khó.
Thế nhưng, trong những năm gần đây, nhiều nơi cử tuyển theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, gây ra nhiều bất bình trong dư luận xã hội. Việc phối hợp giữa huyện, tỉnh và cơ sở đào tạo thiếu chặt chẽ, chưa nắm bắt kịp thời tình hình học tập của sinh viên cử tuyển.
Công tác cử tuyển không gắn kết với nhu cầu sử dụng sau đào tạo; đối tượng được cử tuyển năng lực yếu. Một số cán bộ tùy tiện đưa con cháu, họ hàng người Kinh cư trú nơi khác nhập hộ khẩu vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn để hưởng lợi từ chính sách này mà không quan tâm đến chất lượng cử tuyển.
Tình trạng sinh viên cử tuyển bỏ học giữa chừng, ra trường không có việc làm ngày càng tăng nhanh. Một số sinh viên hệ cử tuyển tốt nghiệp ra trường được bố trí việc làm cũng chưa đáp ứng yêu cầu công việc được giao...
Mới đây, Chính phủ đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung chính sách này. Nhưng điều quan trọng là cần thay đổi ngay trong cách nghĩ, cách làm; xây dựng kế hoạch dài hạn về đào tạo và xét tuyển sinh viên cử tuyển cho các vùng đặc biệt khó khăn theo đúng yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm... Có như vậy, chính sách cử tuyển mới thật sự góp phần tạo ra một nguồn cán bộ trẻ đầy triển vọng cho các địa phương ở vùng đặc biệt khó khăn hiện nay./.
Theo VOV.VN