Làm gì để tăng tuổi hưu nhưng không tăng tâm lý “giữ ghế” ?

(Dân trí) - Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, không nên đồng nghĩa việc tăng tuổi hưu với quan điểm cố “giữ ghế” trong cơ quan nhà nước. “Nếu thực hiện tốt nhiều giải pháp thì tâm lý “giữ ghế” sẽ không còn”.


Theo Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có hơn 190.000 cử nhân thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2016.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có hơn 190.000 cử nhân thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2016.

Đề xuất tăng tuổi hưu trong dự thảo sửa Luật Lao động năm 2012 của Bộ LĐ-TB&XH làm nảy sinh một số ý kiến lo ngại: Tăng tuổi hưu liệu có làm gia tăng tâm lý “giữ ghế”, khiến cơ hội tìm việc của lao động trẻ thêm khó khăn.

Điều này ít nhiều có căn cứ, bởi số liệu của Bộ LĐ-TB&XH công bố 6 tháng đầu năm 2016 với hơn 190.000 cử nhân không có việc làm.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng cần nhìn nhận ở 2 góc độ.

“Vấn đề nâng tuổi hưu sẽ có một bộ phận cán bộ cố bám “giữ ghế”, khiến cho người trẻ không có vị trí. Điều này chỉ có thể xảy ra ở một nhóm rất nhỏ cán bộ quản lý” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Đưa ra giải pháp có tính vĩ mô, ông Bùi Sỹ Lợi bổ sung: “Nếu chúng ta thực hiện tốt chính sách và công tác đánh giá cán bộ, việc nâng tuổi nghỉ hưu nhưng “chốt” tuổi hưu của cán bộ quản lý ở 60 hoặc 65 tuổi, sẽ hạn chế những lo ngại trên”.

Trường hợp cán bộ quản lý có năng lực và mong muốn đi làm, ông Bùi Sỹ Lợi gợi ý về giải pháp tách tuổi hưu và tuổi nghề. “Khi tới 60 tuổi, cán bộ đó vẫn có thể đi làm chuyên gia, giảng dạy và chưa nhận sổ hưu. Họ có thể được đóng thêm BHXH để cho lương hưu sau này cao hơn”.

“Khoản 3 Điều 187 Bộ luật Lao động đã quy định việc cơ quan có thẩm quyền quyết định các trường hợp nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức theo luật định, nhưng phải bảo đảm tuổi nghỉ hưu đối với các trường hợp này không vượt quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ…” – ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Ở một góc độ khác, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng lao động trẻ nên có nhìn nhận đúng về con đường nghề nghiệp với nhiều cơ hội rộng mở.

“Đối với các bạn trẻ, chúng ta không nên nghĩ rằng cứ được đào tạo bài bản ở nhà trường, khi tốt nghiệp sẽ được làm việc ở các cơ quan quản lý nhà nước”.

Đây là tâm lý đã duy trì nhiều năm do cơ chế bao cấp, nhiều người từng nghĩ phải vào cơ quan nhà nước mới có chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và nhận lương hưu lúc về già.

Nếu thay đổi suy nghĩ trên, con đường nghề nghiệp sẽ rộng mở với nhiều lựa chọn trong bối cảnh VN đã hội nhập, nền kinh tế phát triển đa dạng nhiều thành phần.

Trao đổi trước đó với PV Dân trí về lo ngại tăng tuổi hưu sẽ dẫn tới tình trạng “giữ ghế", ông Lê Đình Quảng - Phó Ban quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) cũng cho biết: “Đây là một trăn trở của nhiều người. Để giải quyết rốt ráo bài toán này không hề đơn giản”.

Theo ông Lê Đình Quảng, việc điều chỉnh tuổi hưu cần chú trọng vào một lộ trình tăng dần tuổi hưu theo lũy tiến. “Bên cạnh đó, điều quan trọng là việc thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp có tính thực chất như tinh giảm biên chế, đánh giá và xếp loại cán bộ…của các ngành và doanh nghiệp”.

Đưa ra quan điểm thị trường lao động không chỉ bó hẹp trong môi trường cơ quan nhà nước, ông Lê Đình Quảng nói: “Chúng ta cần quan tâm tới xu thế hội nhập mạnh mẽ của nền kinh tế nước nhà vào khu vực vào thế giới. Tác động này sẽ là gia tăng thêm nguồn việc làm, đặc biệt là khu vực ngoài nhà nước đang mở rộng và cần thêm nhiều nhân lực”.

Tuy nhiên, vị chuyên gia lao động việc làm này cũng lưu ý: “Khu vực ngoài nhà nước sẽ rất năng động nhưng sẽ đòi hỏi bạn trẻ có năng lực làm việc và chấp nhận cạnh tranh khốc liệt”.

Chuyển đơn vị sự nghiệp công sang tự chủ, khoán chi phí theo kết quả đầu ra.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi: “Đội ngũ công chức, viên chức trong cả nước hiện có khoảng 2,8 triệu người. Nếu chúng ta đồng loạt cải cách tiền lương cho 2,8 triệu công chức, viên chức thì sẽ rất khó cho nguồn lực tài chính. Tôi cho rằng nên tập trung chính sách cải cách tiền lương của nhóm 500.000 công chức quản lý nhà nước từ trung ương tới cấp xã, phường. Với số 2,3 triệu người còn lại chủ yếu thuộc khu vực dịch vụ công. Chúng ta cần chuyển đổi sang mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm, giao quyền tự chủ cho các đơn vị, tự quyết định chức năng nhiệm vụ và tự tuyển lao động”.

Hoàng Mạnh