1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lâm Đồng: Hơn 630.000 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp

(Dân trí) - Sau 10 năm triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Lâm Đồng, hơn 630.000 người lao động được thụ hưởng các chế độ chi trả trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề. Nhờ hiệu quả của các hoạt động trên, nhiều lao động đã sớm quay trở lại thị trường lao động.

Kết quả khả quan

 Đánh giá của Sở LĐ-TB&XHXH tỉnh Lâm Đồng cho thấy, việc triển khai thực hiện chính sách BHTN theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, Luật Việc làm năm 2013 và các văn bản hướng dẫn trong 10 năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, số lượng người sử dụng lao động và người lao động tham gia và thu BHTN đã tăng dần qua các năm.

lam dong 1.jpg

Ảnh minh hoạ

Theo ông Bùi Quang Sơn - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng, trong triển khai chính sách, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Lâm Đồng (TT DVVL tỉnh - Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng) chủ động xây dựng mô hình hoạt động chuyên sâu và cơ chế một cửa với phương châm: “Đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn”.

Thống kê 10 năm triển khai chính sách BHTN ở Lâm Đồng, hơn 630.000 người lao động và hơn 20.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia BHTN. Về cơ cấu dân tộc, lao động là người dân tộc Kinh thất nghiệp chiếm đa số với 92%. Số còn lại người lao động thuộc dân tộc thiểu số (K’Ho, Tày, Nùng, Châu Mạ…).

Số tiền chi trả chế độ BHTN, từ năm 2010 đến năm 2018 Sở LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 300.635 triệu đồng; Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chi trả chế độ BHTN với tổng số tiền là 289 tỷ đồng…

“Số người thất nghiệp chủ yếu tập trung ở các ngành nghề như: may mặc; nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch, vận tải. Doanh nghiệp có lao động thất nghiệp nhiều nhất là: Chi nhánh công ty cổ phần Scavi Bảo Lộc, Công ty TNHH Mai Linh Lâm Đồng, Công ty cổ phần May Đà Lạt, Công ty xây dựng đường bộ 678, Công ty TNHH May Royal Family, Công ty cổ phần Tơ lụa Bảo Lộc…” - ông Bùi Quang Sơn cho biết.

Về độ tuổi, thống kê của Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng, người lao động ở độ tuổi 24-40 hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao. Vì đây là nhóm lao động đã có kinh nghiệm làm việc, sức khỏe, năng động.

Do đó, xu hướng chuyển đổi công việc của nhóm này cao hơn các nhóm khác, dẫn tới tỷ lệ hưởng trợ cấp thất nghiệp của nhóm tuổi này cao hơn. Lao động nữ nghỉ việc nhiều hơn lao động nam, chủ yếu ở nhóm tuổi 24-40.

Đẩy mạnh tư vấn việc làm, dạy nghề

Trong 10 năm qua, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho người thất nghiệp đã được Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng chú trọng và có nhiều biện pháp thiết thực ngay từ khi người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

lam dong 2.jpg

Ảnh minh hoạ

Đây là cách nhằm tạo điều kiện cho người thất nghiệp tiếp cận một cách tốt nhất về thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tích cực để người sử dụng lao động tiếp cận với người thất nghiệp để tuyển lao động.

Từ khi thực hiện cho đến nay, TT DVVL tỉnh đã tư vấn về việc làm, học nghề cho 31.064 người đăng ký trợ cấp thất nghiệp, bằng 95,6% so với người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. TT DVVL tỉnh cũng giới thiệu việc làm cho 2.605 người.

Đặc biệt năm 2013, thông qua sự giới thiệu của TT DVVL tỉnh, Công ty cổ phần ESPACE Business - Chi nhánh Đà Lạt thành lập một siêu thị Big C tại Thành phố Đà Lạt đã tuyển dụng và tạo việc làm cho nhiều người thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động.

Từ năm 2016 trở đi, TT DVVL tỉnh cùng hỗ trợ nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô kinh doanh (bảo hiểm, khách sạn, nghĩ dưỡng) như: Công ty Bảo hiểm nhân thọ AIA, Công ty cổ phần Sacom Tuyền Lâm đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kết nối việc làm.

Về tư vấn học nghề, số người thất nghiệp tham gia học nghề có xu hướng tăng qua các năm. Sau khi đào tạo học nghề, số người thất nghiệp hoàn thành khóa học quay trở lại thị trường lao động khá cao. Ngoài ra, một số người học nghề để về nhà tự tạo việc làm.

Theo ông Bùi Quang Sơn, việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động là chế độ hỗ trợ mới. Tuy nhiên từ khi có hiệu lực tới thời điểm hiện tại trên cả nước vẫn chưa có đơn vị nào được hỗ trợ từ chính sách này.

Nguyên nhân một phần là do quy định về điều kiện và thủ tục làm hồ sơ không đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động. Một phần nữa, do cơ quan quản lý chưa chú trọng hướng dẫn cụ thể cho người sử dụng lao động.

Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng hàng năm, tính đến năm 2018 có 32.509 người, bằng 97,3% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp lần thứ hai, thứ ba ngày càng nhiều (bình quân khoảng 50 người/năm).

Phan Minh