1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Làm điều này với hoa, người trồng bí, mướp thu nhập gấp 3

Hoàng Lam

(Dân trí) - Thay vì trồng mướp, bí để bán theo cách truyền thống, người dân được hướng dẫn trồng lấy hạt. Để được bao tiêu, nông dân phải ngắt bỏ hoa đực khi mới nở, hoa cái phải kẹp lại sau khi thụ phấn.

Chăm quả lấy hạt, thu nhập gấp 2-3 lần

Những ngày này, bà con nông dân xã Quỳnh Tam (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đang tất bật thu hoạch bí đỏ, dưa hấu... Nếu như trước đây, nông sản sau khi thu hoạch được bán ra thị trường thì nay, người dân mang về nhà, bổ ra để lấy hạt.

Ông Hoàng Văn Ngọc, Chủ tịch Hội nông dân xã Quỳnh Tam cho biết, trồng nông sản lấy hạt giống được địa phương thí điểm triển khai từ năm 2023. Đây là mô hình liên kết giữa một doanh nghiệp tại TPHCM và Hợp tác xã nông nghiệp Quỳnh Tam, theo hình thức công ty cung ứng hạt giống, hướng dẫn quy trình chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm.

Làm điều này với hoa, người trồng bí, mướp thu nhập gấp 3 - 1

Bà con nông dân xã Quỳnh Tam nghe hướng dẫn về quy trình kỹ thuật chăm sóc bí lấy hạt (Ảnh: H. Ngọc).

Trong năm 2024, tổng diện tích trồng nông sản lấy hạt giống toàn xã là 3,5ha, phân bố tại các thôn 5, 6, 7, 9 và 10, chủ yếu trồng bí xanh, bí đỏ, dưa hấu, mướp hương và mướp đắng.

Theo ông Trương Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quỳnh Tam, sau 2 năm triển khai cho thấy mô hình trồng nông sản lấy hạt giống mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3 lần so với trồng lúa trên một đơn vị diện tích.

Qua thực tế cho thấy, các loại cây trồng lấy hạt giống như bí, mướp, dưa hấu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết ở địa phương.

Thời gian trồng đến khi thu hoạch của dưa đỏ khoảng 75 ngày; còn bí, mướp khoảng gần 4 tháng. Năm nay điều kiện thời tiết thuận lợi, các nông sản cho năng suất khá.

Làm điều này với hoa, người trồng bí, mướp thu nhập gấp 3 - 2

Mô hình trồng bí xanh lấy hạt mang lại hiệu quả kinh tế cao (Ảnh: H. Ngọc).

Theo dự kiến, mỗi sào bí đỏ thu hoạch khoảng 1 tấn quả. Với giá thu mua 800.000 đồng/kg hạt, người trồng thu 8-10 triệu đồng/sào. Các loại nông sản khác như bí xanh dự kiến thu 16 triệu đồng/sào, mướp đắng 12 triệu đồng, mướp hương 14-16 triệu đồng, dưa hấu 12 triệu đồng/sào.

"Sản phẩm được bao tiêu, đơn vị liên kết báo giá thu mua ngay từ đầu vụ, do đó bà con không phải lo đầu ra, cũng không phải đối mặt với tình trạng được mùa rớt giá như trước đây.

Riêng đối với bí, bên cạnh bao tiêu hạt giống, công ty thu mua cả thịt quả bí với mức giá 1.500 đồng/kg để chế biến thức ăn phục vụ chăn nuôi, do đó, người dân có thêm một khoản thu nhập. So với trồng bí lấy quả như trước đây thì trồng bí lấy hạt giống có thể cho thu nhập gấp 2, gấp 3 lần", ông Phúc cho biết thêm.

Nguyên tắc bất di bất dịch để đảm bảo chất lượng hạt giống

Theo Giám đốc Hợp tác xã, việc canh tác các loại nông sản trên không khó, tuy nhiên, người nông dân phải tuân thủ quy trình chăm sóc, đặc biệt là ở giai đoạn ra hoa, thụ phấn, để đảm bảo chất lượng của hạt giống.

"Khi cây ra hoa, phải loại trừ hoàn toàn hoa đực trên ruộng, chỉ trừ lại hoa cái. Thời điểm hoa cái sắp nở phải dùng kẹp để kẹp lại, tránh hoa bung nở. Sáng hôm sau, phía công ty sẽ mang hoa đực đến để thụ phấn cho hoa cái.

Làm điều này với hoa, người trồng bí, mướp thu nhập gấp 3 - 3

Việc loại bỏ hoa đực trên ruộng là yêu cầu bắt buộc đối với mô hình trồng nông sản lấy hạt giống (Ảnh: H. Ngọc).

Hoàn tất việc thụ phấn, phải kẹp hoa cái lại, không để ong, bướm hay các loại côn trùng khác có thể mang theo phấn nhị từ các hoa đực không được kiểm soát xâm nhập vào hoa, ảnh hưởng đến chất lượng của quả và hạt giống sau này", ông Phúc cho hay.

Việc loại bỏ hết hoa đực trên ruộng là yêu cầu bắt buộc. Nếu hộ gia đình nào không loại bỏ hết, có thể bị dừng hợp tác, công ty không thu mua sản phẩm.

Nếu như việc thụ phấn cho hoa bí, hoa mướp khá đơn giản thì đối với cây mướp đắng, hoa nhỏ, việc thụ phấn cần sự khéo léo, tỉ mỉ và cẩn trọng cao hơn.

Sau khi hoa cái thụ phấn, sẽ được đánh dấu và chủ hộ phải đảm bảo duy trì dấu đó cho đến khi thu hoạch. Quả nào bị mất dấu sẽ được loại bỏ, không thu hoạch hạt.

Làm điều này với hoa, người trồng bí, mướp thu nhập gấp 3 - 4

Quá trình chăm sóc, thụ phấn cho hoa được cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn và giám sát (Ảnh: H. Ngọc).

Việc chăm sóc, thụ phấn được thực hiện hoàn toàn bằng thủ công, do vậy, mỗi lao động chỉ đảm nhận việc canh tác trên 750m2 để đảm bảo quy trình kỹ thuật theo yêu cầu phía đơn vị liên kết đề ra.

Hạt giống sau khi thu hoạch không được phơi trực tiếp trên sân bê tông để tránh bị "chín" mầm. Sau khi thu hoạch, đãi lấy hạt chắc, người dân sử dụng bạt, chiếu để phơi dưới ánh nắng trực tiếp. Trong quá trình phơi phải thường xuyên đảo hạt để khô đều.

Đây là năm đầu tiên, bà Cao Thị Hoa (xóm 6 Quỳnh Tam) trồng dưa hấu lấy hạt theo mô hình liên kết của hợp tác xã.

Làm điều này với hoa, người trồng bí, mướp thu nhập gấp 3 - 5

Quá bí đỏ sau thu hoạch được bổ ra, lấy hạt giống. Ngoài bán hạt giống, người dân còn bán thịt quả bí với giá 1.500 đồng/kg (Ảnh: H. Ngọc).

"Quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch không khó lắm. Phía công ty cho người về tận nơi trực tiếp hướng dẫn bà con, mình chỉ tuân thủ đúng hướng dẫn của họ là được", bà Hoa cho hay.

Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, dưa ra quả to, đều, cho thu hoạch sau 2,5 tháng xuống giống. Sau khi thu hoạch, bà Hoa mời cả xóm đến "hỗ trợ" ăn dưa, tách hạt để riêng. Hạt sau khi tách, được đãi trong nước để loại bỏ hạt lép rồi mang ra phơi.

"Vụ này tôi thu được 7kg hạt giống khô, công ty thu mua với giá 1,5 triệu đồng/kg. Ngoài ra, gia đình tôi còn bán được một ít thịt dưa hấu cho cơ sở giải khát. So với trồng lấy quả bán như các năm trước thì trồng dưa hấu lấy hạt giống lợi nhuận có cao hơn mà không phải lo tác động từ giá cả thị trường", bà Hoa cho hay.

Với hiệu quả từ mô hình liên kết này, theo ông Trương Văn Phúc, Hợp tác xã đang có kế hoạch tập huấn quy trình kỹ thuật cho các hộ dân để mở rộng quy mô và diện tích trồng nông sản lấy hạt giống.