Lại lo vỡ quỹ lương hưu

Ngày 1/8, tại Hội thảo “Đối thoại chính sách trong sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội”, tiến sĩ Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm hưu trí là do thực trạng đóng ít, hưởng nhiều.

 Bà Trương Thị Mai phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Công Khanh
 Bà Trương Thị Mai phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Công Khanh

Cân nhắc tăng tuổi nghỉ hưu

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, năm 2013, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước có khoảng 53,69 triệu người.

Kết quả thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho thấy, đến cuối năm 2013, tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đã đạt khoảng 10,8 triệu người, tương đương khoảng 78% tổng số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH (2006).

Đến cuối năm 2013, mới chỉ có khoảng 173 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 0,5% tổng số lao động thuộc diện tham gia, tuy nhiên, phần lớn lao động trong khu vực phi chính thức, nông dân chưa tham gia loại hình BHXH này.

Bà Trương Thị Mai phân tích: Con số trên cho thấy tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện còn thấp, mới chiếm khoảng 20% tổng lực lượng lao động. Điều này có nghĩa là trong tương lai, đất nước sẽ phải đối mặt hàng triệu lao động bước vào tuổi nghỉ hưu không có thu nhập từ lương hưu, gánh nặng này sẽ thuộc về Nhà nước, đó là phải trợ cấp xã hội cho hàng triệu người khi về già.

Bà Trương Thị Mai cũng nhắc lại dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) rằng, với các chính sách như hiện hành, quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần (năm 2021, thu không đủ chi trong năm; đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu, quỹ mất cân đối).

Theo bà Trương Thị Mai, nguyên nhân mất cân đối quỹ, một phần là tuổi nghỉ hưu thực tế hiện nay thấp hơn quy định: nam: 55,2 tuổi, nữ: 51,7 tuổi, bình quân: 53,4 tuổi. Tuổi nghỉ hưu thấp, dẫn tới thời gian đóng BHXH của người lao động ngắn (nam: 28 năm, nữ: 23 năm).

Điều này dẫn đến thời gian hưởng lương hưu dài, trong khi lương hưu tích lũy chỉ đảm bảo trả 12-13 năm. Bên cạnh đó, số đối tượng hưởng BHXH một lần hằng năm nhiều, khoảng 500.000 - 600.000 người/năm và có xu hướng gia tăng hằng năm, điều này chưa phù hợp với xu hướng an sinh xã hội trên thế giới.

Đồng tình với ý kiến này, TS Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cũng cho rằng, tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng BHXH ngắn nhưng thời gian hưởng lương hưu dài do tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên cũng là nguy cơ khiến mất cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí.

Tuy nhiên, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, tuyệt đại đa số công nhân lao động mà ông tiếp xúc và theo khảo sát của Tổng Liên đoàn đều không đồng tình về việc nâng tuổi nghỉ hưu, nhất là lao động nữ.

“Thay đổi cách tính lương hưu như trên đã làm giảm quyền lợi của người nghỉ hưu và tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người nghỉ hưu trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành” - Ông Mai Đức Chính



“Bộ luật Lao động 2012, mới có hiệu lực từ 1/5/2013 đã khẳng định tuổi nghỉ hưu của người lao động là nam 60, nữ 55, nay dự thảo Luật BHXH lại quy định tăng điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là không phù hợp. Tôi đề nghị, tuổi nghỉ hưu nên phụ thuộc vào ngành nghề mà người lao động đang làm và nên thực hiện theo Điều 187 Bộ luật Lao động”, ông Mai Đức Chính đề nghị.

Tính tỉ lệ hưởng lương hưu mới tạo bất bình đẳng

Đại diện BHXH Việt Nam đưa ra các đề xuất: mức hưởng lương hưu hằng tháng, tính bằng 45%, sau đó tính thêm 2% mỗi năm đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%. Cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu mới này đề nghị thực hiện từ năm 2018 (thay vì năm 2016 như dự thảo luật). Cụ thể, từ năm 2018 số năm đóng BHXH là 16 năm tương ứng với 45%.

Về đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất, để đảm bảo vừa cân đối quỹ hưu trí, tử tuất được bền vững, không gây tác động, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, BHXH Việt Nam đề nghị tiếp tục tăng tỷ lệ đóng BHXH đối với người lao động (kể cả BHXH tự nguyện) bắt đầu từ năm 2018 và cứ mỗi năm tăng thêm 0,5% cho đến khi đạt 14% (hiện nay người lao động đóng 8% cho quỹ này)...

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc thay đổi cách tính lương hưu như trên đã làm giảm quyền lợi của người nghỉ hưu và tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người nghỉ hưu trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.

Ông Chính cho rằng, với cách tính như trên thì người lao động tối thiểu phải có 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ mới đạt được hưởng mức tối đa là 75% lương bình quân đóng BHXH. Từ năm 2031 trở đi, với tỷ lệ thay thế 2%/năm cho cả nam và nữ thì lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 phải có 35 năm đóng BHXH mới đạt mức hưởng tối đa 75%.

“Đây sẽ là một thiệt thòi lớn cho lao động nữ nếu so với quy định hiện hành. Vì vậy, tôi đề nghị giữ nguyên công thức tính lương hưu như hiện nay là đóng BHXH 15 năm được hưởng tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH”, ông Chính nói.

Lao động Việt Nam về hưu khi còn rất trẻ. Theo bà Nguyễn Nguyệt Nga, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, quỹ BHXH bị đe dọa là do tỷ lệ tích lũy ở Việt Nam cao nhất trên thế giới; người lao động Việt Nam về hưu khi còn rất trẻ so với thế giới, kể cả so với các nước đang phát triển.

Theo Báo Tiền Phong