Lai Châu: Ao thả cá chả vui, trồng cây lá to như cái thúng lại đông người tới xem
Lọt thỏm giữa cánh đồng nơi phố núi Lai Châu là 2 ao sen xanh tốt, đang độ nở hoa khoe sắc. Người trồng sen đầu tiên ở TP Lai Châu (tỉnh Lai Châu) này là anh Nguyễn Văn Yên.
Chủ nhân của ao sen là anh Nguyễn Văn Yên, ở tổ 24 (phường Đông Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu). Anh Yên là người đầu tiên trồng sen ở thành phố Lai Châu.
Năm 2017 anh Yên quyết định rời quê hương Thái Bình lên thành phố Lai Châu lập nghiệp. Thấy chị gái có mấy cái ao thả cá không hiệu quả, anh Yên nảy sinh ý tưởng trồng sen. Được chị gái đồng ý cho mượn ao, anh Yên về quê mua 2000 cây sen giống lên trồng.
Chỉ được ít hôm sau khi trồng, ao sen nhà anh cứ thưa dần vì cây sen chết hàng loạt. 2000 cây sen giống trồng dưới ao chỉ còn sót lại chừng 20 cây. Anh Yên đặt hết hy vọng vào số sen còn sống sót đó.
"Ông trời không phụ người có tâm" 20 cây sen của nhà anh sinh trưởng, phát triển tốt. Hơn 2 tháng sau khi trồng, cây sen đã bắt đầu nở hoa, khoe sắc.
"Khi cây sen nở hoa, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Tôi nghĩ, sở dĩ cây sen chết hàng loạt như vậy không phải do khí hậu hay chất bùn nơi đây mà là do quá trình vận chuyển. Thời gian vận chuyển cây sen giống từ Thái Bình lên đây khá dài nên cây sen giống bị héo. Cũng chính vì bị héo nên sau khi trồng, cây sen mới chết la liệt như vậy. Từ 20 cây sen còn sống, tôi phát triển thành ao sen xanh tốt như bây giờ" - anh Yên cho hay.
Cả hai ao sen nhà anh Yên, ao nào cũng phủ kín màu xanh tươi tốt của cây sen.
Bước sang năm 2018, thay vì trồng sen vào tháng 6 như vụ trước, ngay từ đầu tháng 2, anh Yên đã tiến hành hút gần cạn nước trong ao và bắt đầu trồng sen.
Không phải mua cây giống mới mà anh Yên nhân giống bằng cách tách mắt từ những gốc sen cũ. Khi cây sen phát triển, tùy theo chiều cao của cây mà anh Yên tháo thêm nước vào ao.
"Giống sen này sau khi trồng nếu sống thì lan rất nhanh. Cây nào cây nấy cũng nhiều mắt. Tôi tách mắt rồi trồng như trồng lúa. Sau khi trồng, tôi để chúng phát triển tự nhiên chứ hầu như không phải chăm sóc, bón phân...", chị Nguyễn Thị Thu (vợ anh Yên) cho biết thêm.
Theo chị Thu, chỉ khi nào phát hiện sen bị nấm bệnh thì chị mới phun thuốc. Gia đình chị duy trì 2 ao sen này gần 3 năm nay. Tổng diện tích của cả 2 ao sen này là gần 5.000m2.
Năm 2018, gia đình anh chỉ thu hoa, thu đài sen bán ra thị trường, chứ không làm dịch vụ du lịch như bây giờ. Năm 2019, gia đình anh Yên mới tính chuyện trồng sen kết hợp với làm du lịch. Anh làm cầu gỗ ra tận giữa ao sen để tiện cho khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm.
Theo anh Yên, trồng sen vất vả nhất là khi thu hoạch.
Vào mùa sen nở, ao sen nhà anh Yên tỏa hương ngào ngạt khắp vùng.
"Vụ sen năm ngoái, khách đến tham quan ao sen của gia đình đông nghịt. Ngày nào cũng có tới cả trăm lượt khách đến tham quan, chụp ảnh. Khách đến đây, ai cũng ngất ngây trước vẻ đẹp và mùi thơm của hoa sen. Ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa sen, nhiều người còn mua đài sen non về ăn. Vì gia đình tôi không trồng sen đồng loạt mà trồng xen kẽ nên mùa sen nở thường kéo dài từ 2,5 - 3 tháng, bắt đầu từ giữa tháng 5 đến hết tháng 7" - chị Thu cho hay.
Theo anh Yên, giống sen anh đang trồng dưới ao là sen hồng. Thời gian tới anh sẽ trồng thêm giống sen trắng và sen vàng.
Cũng theo anh Yên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng khách đến tham quan ao sen của gia đình anh không nhiều. Thu nhập từ trồng sen kết hợp với làm du lịch của gia đình anh cũng vì thế mà giảm mạnh.
Năm ngoái, gia đình anh thu hơn 70 triệu đồng từ trồng sen kết hợp làm du lịch. Năm nay, do ít khách đến tham quan, chụp ảnh nên gia đình anh chỉ thu được gần 20 triệu đồng. Nguồn thu chủ yếu là từ bán hoa và đài sen ra thị trường.
Theo Thanh Ngân
Danviet.vn