1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Kỳ tích từ 2 con dê của phụ nữ miền núi

Hạnh Linh

(Dân trí) - Chỉ với 2 con dê được Hội Liên hiệp phụ nữ Thanh Hóa tặng, nhiều hội viên ở xã Thanh Quân, huyện Như Xuân đã tạo nên "cuộc cách mạng" xóa nghèo ở vùng đất khó.

Chiều muộn, chị Kiều Thị Hiền (39 tuổi, thôn Ná Cà 2, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, Thanh Hóa) tất bật lùa đàn dê vào chuồng. Từ 2 con dê được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Thanh Hóa tặng năm 2019, giờ đây, chị Hiền sở hữu đàn dê 17 con. Đặc biệt, gia đình người phụ nữ này có của ăn, của để, thoát "nghèo bền vững".

"Tính theo giá thị trường bây giờ, tôi đang có nguồn vốn tích lũy khoảng 50 triệu đồng từ đàn dê. Tôi chưa bao giờ nghĩ, một phụ nữ đơn thân ở miền núi lại có thể thoát nghèo, có tiền tiết kiệm", chị Hiền bộc bạch.

Chị Hiền cho biết, được Hội LHPN tặng dê, tiếp cho chị động lực làm kinh tế, nuôi con, chăm sóc mẹ già. Không chỉ vậy, khi tham gia mô hình hợp tác xã nuôi dê sinh sản, chị được cùng các chị em trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong chăn nuôi, tư vấn nghiệp vụ và định hướng phát triển loại hình kinh tế tập thể,…

Kỳ tích từ 2 con dê của phụ nữ miền núi - 1

Chị Tuyến vui khi có nguồn thu nhập ổn định từ nuôi dê (Ảnh: Hạnh Linh).

Cũng như chị Hiền, gia đình chị Lang Thị Tuyến (39 tuổi, thôn Thanh Tiến, xã Thanh Quân) cũng thoát nghèo, có thu nhập ổn định từ đàn dê.

Chị Tuyến cho biết, vợ chồng chị không có công việc ổn định, kinh tế phụ thuộc vào 1ha đất đồi, nhà lại đông con nên gia cảnh lúc nào cũng nghèo khó.

Sau khi được Hội LHPN trao "cần câu cơm" là 2 con dê, chị Tuyến "phân công" chồng chị đi phụ hồ, bản thân sẽ phụ trách chăm sóc đàn dê; đưa, đón các con đi học.

Kỳ tích từ 2 con dê của phụ nữ miền núi - 2

Dê sinh sản nhanh, giá thịt dê hơi cao (Ảnh: Hạnh Linh).

"Nguồn vốn đầu tư cho nuôi dê thấp, chuồng trại cũng đơn giản, quay vòng vốn nhanh. Bên cạnh đó, có thể tận dụng thức ăn xanh có sẵn từ tự nhiên để cho dê ăn, phân dê thì ủ để bón cho lúa, giảm được chi phí rất nhiều", chị Tuyến nói.

Theo chị Tuyến, nuôi dê không khó, song người nuôi phải chịu khó, chú tâm. Thức ăn thô xanh khi cắt về phải được rửa sạch bùn đất, để ráo nước, thức ăn không được ngấm nước mưa. Nếu không may dê ăn phải thức ăn có dính nước mưa, sẽ bị tiêu chảy.

Được Hội LHPN và cán bộ thú y tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, đàn dê của gia đình chị Tuyến khỏe mạnh, sinh sản nhanh, mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con. Lúc nhiều nhất, gia đình chị Tuyến có tới 15 con dê.

"Vừa rồi, tôi bán 2 con dê, thu về hơn 6 triệu đồng. Số tiền đó, tôi dành ra một phần đóng học, mua sách vở, quần áo cho các con, phần còn lại bỏ lợn tiết kiệm", chị Tuyến nói.

Bà Vi Thị Tình, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Quân, cho biết năm 2019 Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa triển khai mô hình Hợp tác xã nuôi dê sinh sản tại 15 hội viên là phụ nữ nghèo làm chủ hộ trên địa bàn xã. Sau 5 năm triển khai, mô hình phát huy hiệu quả, có 8/15 hộ đăng ký tham gia mô hình đã thoát nghèo.

Bà Tình đánh giá, mô hình nuôi dê có tỷ lệ sinh lãi cao, vốn đầu tư thấp. Bên cạnh đó, nhu cầu của thị trường thịt dê cao nên đầu ra được đảm bảo. Hiện, giá thịt dê hơi 130.000-150.000 đồng/kg.

Kỳ tích từ 2 con dê của phụ nữ miền núi - 3

Điều kiện ở xã miền núi Thanh Quân phù hợp với việc chăn nuôi dê (Ảnh: Hạnh Linh).

"Mỗi tháng, một lao động phụ trách đàn dê có thu nhập 3-5 triệu đồng. Thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ đề xuất Hội cấp trên tặng thêm dê giống hoặc quay vòng nguồn vốn nuôi dê, san sẻ cho các chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn khác", bà Tình nói.

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Thanh Quân, cho biết mô hình nuôi dê do Hội LHPN hỗ trợ, tặng phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã, tạo nên phong trào phụ nữ làm chủ trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.  

"Nhận thấy hiệu quả từ nuôi dê, nhiều gia đình đã tự đầu tư vốn nuôi dê. Từ 37 con dê được Hội LHPN tặng đến nay số lượng dê đã tăng lên gần 200 con. Đàn dê tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho hàng chục lao động ở địa phương", ông Nguyên chia sẻ.